Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016

02/03/2017

Tiếp tục Chương trình làm việc của Đoàn giám sát với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, chiều 2/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung này. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn báo cáo tại buổi làm việc                Ảnh Đình Nam

Báo cáo về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ và mỗi cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ bản đã bao quát, rõ ràng, hợp lý phù hợp với giai đoạn 2011- 2016; các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành; Bộ tăng cường phân cấp cho các Tổng cục, Cục. Tuy nhiên, giai đoạn này có một số giao thoa, chồng chéo nhiệm vụ giữa các Bộ, Ngành như về đa dạng sinh học, tài nguyên nước, quản lý đất rừng (đã được xử lý kịp thời bằng Thông tư Liên tịch giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2011). Giữa các cơ quan thuộc Bộ có xuất hiện giao thoa, chồng chéo về thực hiện nhiệm vụ về thú y,  thủy sản; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm... đã được Bộ trưởng chủ trì họp và ban hành văn bản xử lý phân công kịp thời.

Về sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính của Bộ, Ngành, số lượng cơ cấu tổ chức trong nội bộ của Bộ, ngành được sắp xếp gọn nhẹ, số lượng cấp phó của Bộ Nông nghiệp và PTNT cơ bản đã thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó theo quy định của Luật Tổ chức chính phủ; Nghị định số 36/2012/NĐ-CP và Nghị định số 123/2016/NĐ- CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Trong đó, hiện tại Bộ có 05 Thứ trưởng, số lượng lãnh đạo cấp phó các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và cấp phó các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục, Cục và tương đương là hơn 200 người.

Kết quả rà soát biên chế công chức, số lượng viên chức hiện có của Bộ, tính đến 31/12/2016, tổng số biên chế hành chính của Bộ là hơn 1.900 biên chế công chức và 14 hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Hợp đồng 68 trong các cơ quan hành chính có khoảng 100 người, đa số phải sử dụng kinh phí thường xuyên để trả lương cho lao động theo hợp đồng 68. Biên chế sự nghiệp khoảng 15 nghìn biên chế. Thực hiện Nghị định số 108/NĐ- CP của Chính phủ về tinh giản biên chế, Bộ đã thẩm định hồ sơ, danh sách và đã được Bộ Nội vụ phê duyệt là 510 người trong năm 2017.

Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chủ trương, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Bộ có thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Trong đó, hàng năm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Thi đua khen thưởng. Kiểm tra, thanh tra đột xuất khi phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước cũng còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Cụ thể: việc phân định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa các Bộ còn một số lĩnh vực thiếu rõ ràng, chồng chéo như trong quản lý tài nguyên nước, an toàn thực phẩm, đa dạng sinh học, làng nghề, thương mại nông sản hoặc còn thiếu cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả để khắc phục các chồng chéo. Cơ cấu các tổ chức trực thuộc Bộ đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, năng động, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ của từng chuyên ngành cũng như toàn ngành. Tuy nhiên, chưa có tổ chức độc lập, đủ mạnh thực hiện nhiệm vụ  quản lý về thương mại nông sản, để chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách; xúc tiến thương mại; phân tích, dự báo thị trường và thương mại quốc tế; quản lý về phòng, chống thiên tai để nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách; xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện việc phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai có hiệu quả.

Đánh giá chung về báo cáo, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, nội dung trong Báo cáo đã bám sát với đề cương của Đoàn giám sát. Báo cáo đã đánh giá tương đối đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước, những mặt được, tồn tại, hạn chế và giải pháp để nâng cao hiệu quả cải cách bộ máy hành chính nhà nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nội dung đánh giá còn chung chung, mới chỉ mang tính chất liệt kê, số lượng các bảng biểu, phụ lục nhiều nhưng vẫn có sự trùng lắp, số liệu chưa được chính xác.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận buổi làm việc

Thảo luận tại buổi làm việc, một số thành viên Đoàn giám sát nhận định, trong giai đoạn 2011- 2016, Bộ đã có nhiều nỗ lực trong việc sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính với nhiều sáng kiến như thành lập, tổ chức lại, sáp nhập, giải thể, nhưng bộ máy vẫn còn cồng kềnh.  Cụ thể: khối sự nghiệp giáo dục và đào tạo còn nhiều đầu mối; khối khoa học và công nghệ chưa được kiện toàn thống nhất ở lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi và thú y; tổ chức bộ máy của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn phân tán, chưa thống nhất.

Các thành viên đoàn giám sát cũng cho rằng, các đề xuất giải pháp của Bộ nêu trong báo cáo khá là toàn diện nhưng vẫn mang tính khẩu hiệu, nhiều giải pháp mang tính thường xuyên trong hoạt động của Bộ. Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ làm rõ hơn về nguồn lực vật chất để thực hiện các giải pháp này; biện pháp thực hiện chủ trương tinh giản biên chế trong điều kiện yêu cầu, khối lượng công việc của Bộ ngày càng lớn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Nguyễn Khắc Định đánh giá cao tinh thần cởi mở, chân thành, không né tránh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình chuẩn bị báo cáo cũng như tại buổi làm việc. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở tiếp thu ý kiến thảo luận của Đoàn giám sát hôm nay tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo của mình cho ngắn gọn, nội dung xác thực, số liệu chính xác để gửi lại Đoàn giám sát trước 15/03. 

Hồ Hương

Các bài viết khác