Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu thăm và làm việc tại Quảng Trị

01/08/2010

Ngày 31.7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường Uông Chu Lưu đã làm việc với Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị để kiểm tra tình hình thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên địa bàn.

 

Cùng dự có Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Phạm Đức Châu...

 

Theo Nghị quyết của QH, Quảng Trị thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 7 huyện và 13 phường. Báo cáo với Phó chủ tịch QH và Đoàn Công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường cho biết, thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là chủ trương đúng đắn, phù hợp, được cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Trị đồng tình, ủng hộ. Kết quả bước đầu của việc thực hiện thí điểm cho thấy, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của UBND huyện, phường trực tiếp hơn thông qua việc kịp thời đề ra các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển KT – XH, bảo đảm an ninh – quốc phòng trên địa bàn. Công tác chỉ đạo điều hành của UBND huyện, phường trực tiếp và thuận lợi hơn, vai trò của Chủ tịch UBND huyện được phát huy. Dân chủ cơ sở tiếp tục được mở rộng, tích cực và trực tiếp, quyền lợi chính đáng của người dân được bảo đảm. KT – XH tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, tình hình quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

 

Từ thực tiễn thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường trên địa bàn, Quảng Trị khẳng định: không tổ chức HĐND huyện, phường là phù hợp và đề nghị Trung ương xem xét nhân rộng chủ trương này ra toàn quốc.

 

Đoàn Công tác ghi nhận những ý kiến đánh giá cũng như kiến nghị của Quảng Trị về chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Đề nghị, Quảng Trị phân tích, lý giải rõ hơn cơ sở để khẳng định khi không tổ chức HĐND huyện, phường thì “dân chủ cơ sở tiếp tục được mở rộng, tích cực và trực tiếp...” Bởi, theo quy định của pháp luật, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương... Nhưng, khi không tổ chức HĐND huyện, phường – thiết chế đại diện trực tiếp cho quyền làm chủ của nhân dân – dân chủ cơ sở vẫn được tăng cường, tích cực và trực tiếp hơn? Phải chăng bản thân thiết chế HĐND cấp huyện có vấn đề hay do khâu tổ chức triển khai thực hiện nên chưa phát huy được vị trí, vai trò của HĐND cấp huyện đối với sự phát triển của địa phương?

 

Một trong những mục tiêu của thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là giảm biên chế. Nhưng như kiến nghị của một số đơn vị trực tiếp thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường trên địa bàn là: nên tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách ở HĐND cấp tỉnh; tổ chức Tổ Đại biểu HĐND cấp tỉnh cắm chốt tại huyện, phường để có thể kịp thời theo dõi, nắm bắt ý chí, nguyện vọng của nhân dân cũng như giám sát hoạt động của UBND cấp huyện; đầu tư thêm cho các cơ chế đại diện khác như MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội... để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân... Giảm biên chế ở HĐND huyện, phường, song lại phình biên chế ở các tổ chức, cơ quan khác thì có hợp lý, khoa học không? Mặt khác, nếu lập luận rằng, không có vai trò đại diện, giám sát của HĐND huyện thì còn rất nhiều cơ chế đại diện khác. Nhưng, cơ chế đại diện khác - ví dụ cơ chế đại diện, giám sát của Ủy ban MTTQ – có thay thế được vai trò đại diện, giám sát của HĐND với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương hay không? Trong trường hợp không tổ chức HĐND cấp huyện nữa thì cơ chế nào để có thể thay thế được vai trò đại diện, giám sát của HĐND?...

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền Quảng Trị trong việc triển khai chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Tỉnh đã triển khai thực hiện thí điểm một cách bài bản, nghiêm túc và đạt được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Đáng chú ý, khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường, tình hình KT – XH địa phương tiếp tục tăng trưởng, an ninh – quốc phòng được giữ vững. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Phó chủ tịch QH lưu ý, thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là chủ trương lớn, nhạy cảm, liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, trong khi đó thời gian thực hiện thí điểm không dài, khoảng hơn 1 năm. Hiện nay, liên quan đến chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, nhiều vấn đề về tổ chức, sắp xếp lại bộ máy chính quyền địa phương đang đặt ra. Đây là điều bình thường và rất cần thiết trong quá trình thí điểm. Các ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn Quảng Trị cần tiếp tục nghiên cứu, lý giải thật sâu sắc, thuyết phục, có cơ sở thực tiễn và khoa học về những kết quả tích cực cũng như vướng mắc đặt ra trong quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường; kịp thời cung cấp cho Trung ương, cho Ban chỉ đạo những thông tin thực tiễn và cụ thể hơn về các vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức HĐND các cấp.

 

+ Nhân dịp này, tại Quảng Trị, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9; thăm, tặng quà vợ liệt sỹ Nguyễn Thị Tý ở huyện Gio Linh và gia đình thương binh  Nguyễn Sừng tại thị trấn Cam Lộ.

L. Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)