Hà Nội hiện có tổng số 26 đơn vị nghệ thuật công lập và 6 trường đào tạo nghệ thuật biểu diễn - nhiều nhất trên phạm vi cả nước. Thời gian qua, ngoài các Văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nghệ thuật biểu diễn của Chính phủ, Bộ VH, TT và DL, mới đây, UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành Quy chế quản lý hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thời trang chuyên nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Những văn bản này đã giúp các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại Hà Nội được quản lý chặt chẽ, theo đúng quỹ đạo, góp phần tạo không khí và diện mạo mới cho đời sống văn hóa nghệ thuật của Thủ đô. Riêng 6 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Nội, trung bình mỗi năm biểu diễn gần 2.500 buổi, phục vụ khoảng 600.000 lượt người xem. Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật cũng tiến hành triển khai xây dựng nhiều chương trình, vở diễn mang đậm chất Thăng Long – Hà Nội, như dự án bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống, sưu tầm, dàn dựng các tích trò rối dân gian... Đoàn giám sát đánh giá cao sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các sở, ngành của Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ sỹ sáng tạo và cống hiến; đồng thời đề nghị TP Hà Nội quan tâm hơn đến việc xây dựng rạp biểu diễn cũng như trụ sở làm việc của các đoàn nghệ thuật, cả trung ương và Hà Nội, tạo động lực phát triển cho ngành văn hóa - nghệ thuật; thu hút nhân tài...
Trong các buổi làm việc với lãnh đạo và đại diện nghệ sỹ của Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Cải lương Hà Nội và trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, vấn đề bức xúc nhất là chính sách về lương và chế độ bồi dưỡng, thù lao cho nghệ sỹ. Thang bảng lương của diễn viên hiện nay chia ra quá nhiều bậc (3 ngạch, 26 bậc), nên hầu hết diễn viên (kể cả NSND, NSƯT) đều đang hưởng lương ngạch diễn viên hạng III; nhiều diễn viên có trình độ đào tạo ĐH hoặc có nhiều thành tích trong chuyên môn không được xét hoặc thi chuyển ngạch. Thù lao luyện tập và biểu diễn cho diễn viên quá thấp, khiến họ không toàn tâm, toàn ý cống hiến cho nghệ thuật. Ngoài ra, đầu tư cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn, cơ sở vật chất của các đơn vị nghệ thuật cũng chưa tương xứng... Đoàn ghi nhận những khó khăn của các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sỹ; tiếp thu các đề xuất để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan điều chỉnh một số quy định cho phù hợp với thực tế, góp phần cải thiện đời sống của nghệ sỹ, qua đó bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật biểu diễn. Đoàn cũng đề nghị các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sỹ tập trung đầu tư cho ra đời những vở diễn, chương trình nghệ thuật chất lượng và tìm cách để đưa nghệ thuật đến với đông đảo công chúng.