CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ MỨC PHẠT ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH

09/05/2022

Tại hội thảo “Lấy ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” do Ủy ban Xã hội tổ chức, nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà hoạt động xã hội kiến nghị dự thảo Luật quy định cụ thể mức phạt với các hành vi bạo lực gia đình như gây thương tích, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.

 

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2017, sau gần 15 năm thực hiện, đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực trạng cho thấy bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nan giải, nhức nhối trong xã hội. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước được ban hành trong thời gian qua cũng cần phải được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Do vậy, cần kịp thời sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành để đáp ứng với những diễn biến phức tạp của vấn nạn này trong tình hình mới.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 tới đây. Là đơn vị chủ trì thẩm tra, vừa qua Ủy ban Xã hội đã tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” nhằm tham khảo các ý kiến đóng góp từ phía các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội để sửa đổi hoàn thiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc của quy định hiện hành, phù hợp với công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận, bảo đảm quyền con người.

Hội thảo “Lấy ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” do Ủy ban Xã hội tổ chức

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến, đề nghị về các vấn đề cụ thể như: bổ sung hành vi bạo lực gia đình áp dụng với vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay như hành vi lợi dụng phong tục, tập quán để ép kết hôn; áp dụng bổ sung hành vi bạo lực gia đình đối với trường hợp người có quan hệ nuôi dưỡng; đưa thêm nội dung tuyên truyền về việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình theo pháp luật…

Góp ý về dự thảo Luật tại hội thảo, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Dương Thị Ngọc Linh cùng một số chuyên gia, nhà hoạt động xã hội cho rằng, cần làm rõ, bổ sung, sửa đổi một số khái niệm trong dự thảo Luật. Cụ thể, khái niệm “bạo lực gia đình” hiện nay tập trung nhiều vào mối quan hệ giữa chồng/vợ, chưa xác định rõ ràng trong mối quan hệ sống chung/đã ly hôn/tiêu hôn nhưng vẫn sống chung; chưa đề cập đến mối quan hệ liên thế hệ như con cái với cha mẹ, ông bà, những gia đình thay thế, cháu sống chung với người thân… Đặc biệt là lưu ý thêm hai đối tượng yếu thế người già, trẻ em.

Cùng với đó, bà Dương Thị Ngọc Linh cùng một số chuyên gia kiến nghị dự thảo Luật cần nêu rõ khái niệm “phòng, chống bạo lực gia đình” là biện pháp ở các mức độ khác nhau nhằm hạn chế, chấm dứt, ngăn chặn vấn đề bạo lực diễn ra trong gia đình; thể hiện tính chủ động của cấp chính quyền, địa phương, cá nhân, cơ quan, cộng đồng, dân cư, các thành viên khác trong gia đình. Quy định trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với các hành vi thờ ơ, không khai báo, hạn chế việc đổ lỗi cho nạn nhân, không xử lý việc khai báo vụ việc mà tin tưởng việc nói “không có việc gì xảy ra” của người gây bạo lực. Thêm vào đó, cần đồng nhất và mở rộng các khái niệm và thuật ngữ gia đình, thành viên gia đình trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, đã từng là thành viên gia đình, đã từng có mối quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng.

Các đại biểu, chuyên gia, nhà hoạt động xã hội góp ý về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Bà Dương Thị Ngọc Linh cũng cho rằng, dự thảo Luật quy định về hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, tuy nhiên cần làm rõ tính đặc thù giữa hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình với hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp ngoài gia đình. Thực tế, những vụ bạo lực gia đình sau khi bị xử lý hành chính hoặc hình sự thì những mâu thuẫn, tranh chấp đang tồn tại trong gia đình cơ bản chưa được giải quyết. Vì vậy, để ngăn chặn bạo lực gia đình tái diễn thì Luật cần quy định rõ việc hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình chỉ được thực hiện sau khi đã xử lý hành chính hoặc hình sự. Đồng thời, cần nâng cao kiến thức, kỹ năng, xóa bỏ những tư tưởng định kiến từ chính những người tham gia hòa giải để nâng cao hiệu quả công tác này.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp, nhất là quy định về viết đơn, tố cáo. Nhiều nạn nhân bạo lực gia đình ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào, thậm chí bị người gây bạo lực hoặc người trong gia đình đe dọa nếu tố cáo. Các quy định xử phạt vi phạm chưa đầy đủ và chưa thống nhất trong Luật và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính, trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình. Nghị định không có quy định về hành vi bị nghiêm cấm “Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình”; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền cơ sở khi không thực hiện đầy đủ trách nhiệm hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, được quy định trong Luật.

Ngoài ra, bà Dương Thị Ngọc Linh cùng các chuyên gia đề nghị dự thảo Luật quy định rõ mức độ cụ thể cho các mức phạt như hành vi gây thương tích, lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Việc xử phạt đôi khi ảnh hưởng đến kinh tế chung của gia đình, tạo thêm gánh nặng cho nạn nhân hoặc khiến nạn nhân thay đổi quyết định về luật pháp đối với hành vi bạo lực. Cần quy định cụ thể rõ ràng đối với các hành vi xâm hại, ép buộc, không cho trẻ em đi học, tổn hại đến sức khỏe thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến điều kiện phát triển của phụ nữ và trẻ em./.

Hồ Hương