THÁO GỠ BẤT CẬP, BẢO ĐẢM TÍNH THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

09/05/2022

Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 10, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tiếp tục rà soát, xử lý chồng chéo, bất cập giữa Luật Dầu khí với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí hiện hành chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác. Cụ thể, theo quy định của Luật Dầu khí hiện hành, trình tự, thủ tục triển khai dự án đầu tư dầu khí thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư (điểm b khoản 2 Điều 38). Tuy nhiên, từ năm 2020 theo quy định của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động dầu khí thực hiện theo Luật Dầu khí (điểm đ khoản 3 Điều 4).

Thêm vào đó, một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành phát sinh các vấn đề chưa được quy định trong hợp đồng dầu khí ký kết theo quy định của Luật Dầu khí ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động dầu khí của Nhà thầu (tiền thuê mặt nước, mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp trong nước, việc các nhà thầu bán chung các sản phẩm của hoạt động dầu khí là đối tượng miễn trừ của Luật Cạnh tranh…). Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (khoản 3 Điều 28) không cho phép việc công ty mẹ - công ty con cùng nhau thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) tương tự hình thức hợp đồng chia sản phẩm dầu khí nhưng hiện nhiều hợp đồng dầu khí (đang có hiệu lực) có sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) phù hợp với đặc thù hoạt động dầu khí tại Việt Nam.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về khoản 1 và khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét lại tính cần thiết quy định tại khoản 2 dự thảo Luật về trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành thì áp dụng quy định của Luật Dầu khí, vì trường hợp này đã được thực hiện thống nhất theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, quy định rõ tại Điều này về: Áp dụng Luật Dầu khí và Luật Xây dựng khi thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng dầu khí thượng nguồn cả trên đất liền và trên biển; Áp dụng Luật Dầu khí và Luật Đấu thầu trong lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí; Áp dụng Luật Dầu khí và Luật Đầu tư đối với giải quyết tranh chấp trong hợp đồng dầu khí, hoạt động dầu khí, phù hợp với quy định tại Điều 22 dự thảo Luật và thống nhất với khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư. Nguyên tắc là quy định phải rõ ràng, cụ thể, khả thi, vừa bảo đảm tính đặc thù trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí, vừa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Về khoản 3 Điều 4 dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa quy định đối với các bên ký kết hợp đồng dầu khí Việt Nam như quy định tại Luật Dầu khí hiện hành và phù hợp với khoản 2 và khoản 3 Điều 6 dự thảo Luật về việc áp dụng thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế đối với tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí không phân biệt quốc tịch, Điều 41 dự thảo Luật về áp dụng thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế đối với công tác kế toán, kiểm toán, Điều 44 và Điều 45 dự thảo Luật về một số quyền, nghĩa vụ của nhà thầu phù hợp với thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Giải thích rõ hơn về nội hàm khái niệm “không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”; có ý kiến đề nghị sửa đổi thành “không trái với quy định của pháp luật Việt Nam”. Có ý kiến đề nghị xem xét việc sử dụng thuật ngữ “thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế”, bảo đảm chính xác; báo cáo rõ về kết quả nội luật hóa các thông lệ này tại Luật Dầu khí hiện hành và dự án Luật.

Cùng với đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là các hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh một trong những vấn đề lớn trong việc hoàn thiện dự án luật là xử lý mối quan hệ của Luật Dầu khí với các luật có liên quan về đầu tư, đầu tư công, đối tác công tư, đấu thầu xây dựng và các luật ưu đãi về thuế. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, xử lý một cách đồng bộ về nguyên tắc áp dụng pháp luật.

Cho biết dự thảo Luật đã tính toán đến việc sửa đổi đồng bộ các luật về thuế, nêu cao nguyên tắc các ưu đãi về thuế chỉ được quy định ở các luật về thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát, sửa đổi đồng bộ trong các Luật về thuế, đồng thời không đưa những quy định ưu đãi thuế vào trong Luật Dầu khí để đảm bảo nhất quán trong hệ thống pháp luật về thuế và các luật chuyên ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Liên quan đến áp dụng pháp luật nước ngoài và thông lệ quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đang đưa ra một nguyên tắc, trong hợp đồng dầu khí có thể thỏa thuận việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc là thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế với 2 điều kiện: pháp luật Việt Nam không có quy định hoặc là hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài hay thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế không trái nguyên tắc cơ bản pháp luật Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, hai điều kiện này không đúng với cách tiếp cận của Bộ luật Dân sự và các luật khác hiện hành. Cụ thể, điều kiện thứ nhất về việc pháp luật Việt Nam không có quy định cần phải cân nhắc lại xem có phù hợp hay không với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Đồng thời Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cũng đặt câu hỏi về tính hợp lý và khả thi của việc đánh giá điều kiện thứ hai, là hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Cùng quan tâm đến việc đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, hoạt động dầu khí cũng ảnh hưởng đến môi trường, như tràn dầu, các loại chất thải. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rất rõ về nội dung này, trong đó có Điều 67 về hoạt động bảo vệ môi trường đối với hoạt động dầu khí ngoài các loại khai thác. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) không nên quy định lại nội dung này, tránh trùng lặp, đồng thời cần tạo được tính liên kết với các quy định ở trong Luật Bảo vệ môi trường vừa mới ban hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) của Chính phủ, hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ theo quy định, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã tập trung bao quát các vấn đề của dự án Luật, cần khẩn trương tiếp tục nghiên cứu để đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát các quy định về áp dụng Luật Dầu khí và các luật có liên quan để bảo đảm thống nhất, rõ ràng, cụ thể, khả thi, phù hợp với thực tế và tính đặc thù của điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí; áp dụng nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa Luật Dầu khí và các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các luật thuế…  bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Minh Hùng