Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ ba thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp. Tham dự Phiên họp còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, Tại Đình Thi cùng các thành viên của Ủy ban; đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các đại biểu Quốc hội. Về phía Bộ ngành có Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng đại diện một số cơ quan khác.
Toàn cảnh Phiên họp.
Tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, qua kết quả khảo sát thực tế, nghiên cứu Tờ trình số 157/TTr-CP ngày 05/5/2022 của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo kèm theo các hồ sơ, tài liệu có liên quan, Tiểu ban Xây dựng, Giao thông, Công Thương có một số ý kiến bước đầu.
Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 năm 2004. Năm 2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Do đã hết giai đoạn phân kỳ đầu tư và cần triển khai giai đoạn phân kỳ đầu tư mới, vì vậy việc Chính phủ xây dựng báo cáo tổng kết là cần thiết để trình Quốc hội xem xét, đánh giá và quyết định chủ trương, định hướng đầu tư cho giai đoạn mới.
Chính phủ đã tiếp thu đề nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại Báo cáo thẩm tra số 459/BC-UBKHCNMT ngày 9/3/2022 trong việc rà soát để điều chỉnh, bổ sung và xem xét việc tích hợp quy hoạch đường Hồ Chí Minh với các quy hoạch khác có liên quan. Quy hoạch chi tiết của đường Hồ Chí Minh cần nghiên cứu, điều chỉnh lại hướng tuyến và điểm khống chế tại một số đoạn đường gần khu vực biên giới, chú ý việc gắn kết giữa giao thông vận tải với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về tiến độ triển khai thực hiện dự án, theo Tờ trình của Chính phủ đến năm 2021, dự án đã được triển khai hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang thực hiện 211 km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171 km của 03 đoạn: (1) Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; (2) Đoan Hùng - Chợ Bến và (3) Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận. Cho đến nay, tiến độ triển khai Dự án đã chậm gần 02 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần và nối thông toàn tuyến với quy mô 02 làn xe theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết và chưa rõ thời gian kết thúc.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Tiểu ban Xây dựng, Giao thông, Công Thương đề nghị Chính phủ có đánh giá cụ thể về việc giải phóng mặt bằng ở những địa phương bàn giao mặt bằng chậm; làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc giải phóng mặt bằng chậm và triển khai quy hoạch, đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội chậm làm hạn chế đến hiệu quả tổng hợp của công trình.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi.
Đề cập về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện dự án trong giai đoạn sau năm 2020, thay mặt Tiểu ban Xây dựng, Giao thông, Công Thương, Phó Chủ nhiệm Tạ Đình Thi đề nghị Chính phủ tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, thanh quyết toán kịp thời, hoàn thành các dự án đang triển khai thực hiện dở dang, sớm đưa vào khai thác, sử dụng. Đối với các dự án còn lại, một số dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, một số dự án khác đang được đề nghị chuyển đổi phương thức đầu tư. Do đó, đề nghị cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, lựa chọn phương án đầu tư thiết thực, hiệu quả.
Về việc nâng cấp một số đoạn theo phân kỳ đầu tư, đề nghị Chính phủ làm rõ các dự án đi trùng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, phía Tây thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, phía Tây hay Dự án đường Hồ Chí Minh để thống nhất quản lý trong quá trình chuẩn bị, thực hiện đầu tư và khai thác, bảo đảm hạn chế sự trùng lặp, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư…
Đối với các giải pháp, cơ chế chính sách thực hiện, Tiểu ban Xây dựng, Giao thông, Công Thương đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, khả thi trong bố trí nguồn vốn đầu tư và công tác triển khai thực hiện, bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh ở giai đoạn trước.
Về các kiến nghị, đề xuất của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, Chính phủ kiến nghị Quốc hội thông qua Báo cáo tổng kết và “kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo”. Tuy nhiên, Quốc hội chỉ xem xét, cho ý kiến đối với Tờ trình của Chính phủ, không có hình thức thông qua Báo cáo. Về kiến nghị giao Chính phủ triển khai cụ thể các dự án trong giai đoạn sau năm 2020 tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn này chưa được xác định rõ ràng cụ thể, cần được tiếp tục nghiên cứu, xem xét.
Về dự thảo nội dung dự án đường Hồ Chí Minh trong Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, cần nêu rõ việc không hoàn thành Nghị quyết 66/2013/QH13 đúng thời hạn và trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan trong việc chậm trễ này. Đối với dự án thành phần Cổ Tiết – Chợ bến thuộc đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến, theo Tờ trình của Chính phủ, dự án này phương án tài chính không khả thi để kêu gọi đầu tư theo phương thức BOT. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Thay mặt Tiểu ban Xây dựng, Giao thông, Công Thương, Phó Chủ nhiệm Tạ Đình Thi kiến nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ; yêu cầu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thành Nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2025). Đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối nguồn lực, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm chỉ đạo hoàn thành các dự án thành phần còn lại trong giai đoạn 2021-2025. Cần rà soát, báo cáo làm rõ về việc đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến có nằm trong phạm vi đường Hồ Chí Minh cần hoàn thành theo Nghị quyết của Quốc hội hay không và có đề xuất cụ thể về bố trí vốn cho đoạn tuyến này.
Tiểu ban Xây dựng, Giao thông, Công Thương cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục bố trí nguồn vốn theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm sớm triển khai thực hiện các đoạn tuyến chưa hoàn thành. Bộ Giao thông vận tải thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời kết cấu hạ tầng giao thông tuyến đường Hồ Chí Minh; chủ động, tích cực và tập trung triển khai thực hiện Dự án theo đúng tiến độ và yêu cầu của Quốc hội. Ngoài ra, đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng triển khai thực hiện Dự án theo quy hoạch cũng như quản lý tốt hành lang an toàn giao thông đường bộ (đặc biệt đối với các tỉnh, thành phố có dự án chưa hoàn thành và dự án đang đầu tư dở dang)./.