Toàn cảnh phiên họp
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý, có ý kiến cho rằng quy định cho phép cá nhân được quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý là mâu thuẫn với quy định về quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý thuộc về Nhà nước; ý kiến khác đề nghị Nhà nước chỉ nên giao cho đại diện tập thể đăng ký chỉ dẫn địa lý, không nên giao cho cá nhân để tránh trường hợp tên chỉ dẫn địa lý thành tên hàng hóa.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, Nhà nước là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, Nhà nước không trực tiếp làm thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý mà cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký nhằm mục đích khuyến khích tổ chức, cá nhân ở khu vực địa lý tương ứng đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, hàng hóa, phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Việc thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không bao hàm ý nghĩa người thực hiện quyền đăng ký sẽ trở thành chủ sở hữu, bởi vì Điều 88 (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 40 Điều 1 của dự thảo Luật) đã quy định rõ “Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó”. Như vậy, việc cho phép cá nhân đăng ký chỉ dẫn địa lý không mâu thuẫn với quy định về quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước.
Về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, biện pháp kiểm soát an ninh được quy định trong dự thảo Luật là biện pháp bổ sung bên cạnh quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nhằm kiểm soát việc đăng ký các sáng chế có khả năng là sáng chế mật ra nước ngoài theo cơ chế sáng chế thông thường.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Bên cạnh đó, việc xác định phạm vi kiểm soát an ninh đối với sáng chế cần phải được cân nhắc kỹ để tránh ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với Việt Nam, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy chuyển giao công nghệ vào Việt Nam. Hơn nữa, việc xác định danh mục lĩnh vực kỹ thuật cũng như tiêu chí xác định phạm vi sáng chế tạo ra một phần hay toàn bộ tại Việt Nam phải kiểm soát an ninh không nên quy định cứng trong Luật mà cần được điều chỉnh linh hoạt theo từng thời kỳ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và hài hòa giữa các mục tiêu về thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghệ, bảo đảm tách bạch giữa thủ tục kiểm soát an ninh đối với sáng chế và xử lý đối với đơn đăng ký sáng chế mật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý theo hướng: chỉnh lý khoản 1 Điều 89a để xác định các nguyên tắc và phạm vi kiểm soát an ninh đối với sáng chế, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này (khoản 2 Điều 89a), việc xử lý đơn đăng ký đối với sáng chế mật được thực hiện theo quy định của Chính phủ (khoản 3 Điều 108).
Về chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, sửa đổi văn bằng bảo hộ, có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 3 và đoạn 2 khoản 6 Điều 95 là chưa rõ, đề nghị xác định có phải trong mọi trường hợp chủ văn bằng tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp thì cơ quan có thẩm quyền đều ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ? Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để bổ sung sửa đổi khoản 3 và chỉnh lý khoản 6 Điều 95 cho chính xác, logic hơn như trong dự thảo Luật. Trong đó, khoản 3 quy định: “3. Trong trường hợp chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xem xét, quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.”.
Cùng với đó, Điều 96 trong dự thảo Luật đã được thiết kế lại theo hướng phân tách rõ các trường hợp văn bằng bảo hộ bị huỷ bỏ hiệu lực toàn bộ (khoản 1) và những trường hợp văn bằng bảo hộ có thể bị huỷ bỏ hiệu lực toàn bộ hoặc hủy bỏ hiệu lực một phần (khoản 2). Đồng thời, đã chỉnh lý lại khoản 3 để quy định cụ thể hơn về hiệu lực của văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ.
Ngoài ra, với ý kiến đề nghị quy định rõ nội hàm của “dụng ý xấu” của người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 96, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thuật ngữ “dụng ý xấu” được sử dụng trong các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ như Công ước Paris, Hiệp định TRIPS, tuy nhiên trong các điều ước quốc tế này không quy định nội hàm cụ thể của thuật ngữ “dụng ý xấu” mà dành cho pháp luật quốc gia thành viên quy định. Trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cũng đã nội luật hóa thuật ngữ “dụng ý xấu” bằng thuật ngữ “không trung thực” (khoản 3 Điều 96). Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành cho thấy, thuật ngữ “không trung thực” không bao quát được đầy đủ hành vi có dụng ý xấu như đăng ký để bán lại, đăng ký để lợi dụng danh tiếng, đăng ký nhằm hạn chế tiếp cận thị trường của đối thủ cạnh tranh... Nếu quy định rõ nội hàm “dụng ý xấu” theo hướng liệt kê thì trong Luật cũng không bảo đảm bao quát được hết các trường hợp xảy ra trong thực tiễn.
Do đó trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật đã thay thế thuật ngữ “không trung thực” bằng thuật ngữ “dụng ý xấu”, nội hàm cụ thể sẽ được quy định trong văn bản quy định chi tiết để phù hợp với quan hệ xã hội cần điều chỉnh trong từng giai đoạn, đồng thời cũng phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan.