Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật không quy định rõ thế nào là “lý do chính đáng” do đó, có thể dẫn đến cách hiểu nếu chậm 02 năm nhưng có lý do chính đáng thì sẽ không bị coi là chậm, bất kể lý do đó là xuất phát từ nguyên nhân gì và thuộc về chủ thể nào. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định để làm rõ trường hợp miễn trừ lỗi trong việc chậm phản hồi lần đầu đối với hồ sơ đăng ký lưu hành dược phẩm như sau: “3. Thời gian chậm do lỗi của người nộp đơn hoặc do nguyên nhân nằm ngoài kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không tính vào các khoảng thời gian quy định tại khoản 2 Điều này.”.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, khoản 5 Điều 54 của Luật Dược quy định về thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc; còn quy định tại Điều 131a của dự thảo Luật chỉ xác định các mốc thời gian để tính nghĩa vụ đền bù cho chủ sở hữu sáng chế do sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm, bảo vệ tốt hơn quyền của chủ sở hữu sáng chế; thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc vẫn thực hiện theo quy định của Luật Dược, không làm phát sinh xung đột pháp luật.
Về quy định chung về chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, có ý kiến cho rằng các quy định tại khoản 4 Điều 4, khoản 1 Điều 141 của Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 284 của Luật Thương mại năm 2005 về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp là một dạng hợp đồng nhượng quyền thương mại, được điều chỉnh bởi Luật Thương mại. Tuy nhiên, quy định của hai luật này chưa thực sự thống nhất. Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nhượng quyền thương mại có thể bao gồm hoạt động chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, bí mật kinh doanh và tên thương mại).
Toàn cảnh phiên họp
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, các hoạt động chuyển giao quyền này có nhiều nội dung đặc thù nên cần phải có quy định riêng trong Luật Sở hữu trí tuệ, ví dụ như: Người nhận chuyển giao có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó, nội hàm của “sử dụng” bao gồm rất nhiều hình thức khác ngoài việc mua bán hoặc cung ứng hàng hóa, dịch vụ, ví dụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ, áp dụng quy trình được bảo hộ, khai thác công dụng của sản phẩm được bảo hộ...; Bên chuyển giao không nắm giữ quyền kiểm soát chặt chẽ đối tượng được chuyển giao: cụ thể là bên nhận chuyển quyền sử dụng không phải mua bán/cung ứng hàng hoá, dịch vụ theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định, bên chuyển quyền cũng không tự động có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên chuyển giao quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh, trừ khi hai bên có thỏa thuận riêng... Hơn nữa, khoản 2 Điều 4 của Luật Thương mại cho phép áp dụng các quy định về hoạt động thương mại đặc thù trong luật khác, do đó, quy định của Luật Sở hữu trí tuệ là phù hợp.
Về hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, có ý kiến đề nghị sửa khoản 2 Điều 142 như sau: “Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, tên thương mại không được chuyển giao.”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, khoản 1 Điều 142 đã quy định rõ “1. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao.”. Đối với nhãn hiệu, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật đã thể hiện sự quản lý chặt chẽ, bảo vệ được các quyền lợi hợp pháp của chủ thể quyền cũng như yêu cầu minh bạch trong sử dụng nhãn hiệu, cụ thể là: Đối với nhãn hiệu tập thể, khoản 2 Điều 142 quy định “2. Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.”.
Đối với nhãn hiệu chứng nhận, chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó nếu các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và phải đáp ứng điều kiện sử dụng theo Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận do chủ sở hữu nhãn hiệu ban hành; đối với các nhãn hiệu khác, khoản 4 Điều 142 đã yêu cầu “4. Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.”. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nội dung này như dự thảo Luật.
Ngoài ra, về dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, có ý kiến cho rằng việc bỏ quy định “Tư vấn về vấn đề liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp” của đại diện sở hữu công nghiệp tại khoản 1 Điều 151 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành là không phù hợp, gây hạn chế quyền của cá nhân hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp. Có ý kiến đề nghị rà soát lại quy định về đăng ký ngành, nghề kinh doanh và xác định rõ “người đứng đầu tổ chức” tại Điều 154 để thống nhất với Luật Doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến này của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nội dung khoản 1 Điều 151 như Luật hiện hành, đồng thời chỉnh lý lại khoản 1 Điều 154 cho thống nhất, chặt chẽ như trong dự thảo Luật.