LẦN ĐẦU QUỐC HỘI QUYẾT 5 DỰ ÁN GIAO THÔNG TRONG MỘT KỲ HỌP: GỠ THÔNG ĐIỂM NGHẼN GIỮA CÁC VÙNG MIỀN

27/06/2022

Lần đầu tiên tại một Kỳ họp Quốc hội đã quyết chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm, tạo đột phá về hạ tầng giao thông giữa các vùng miền trong cả nước. Việc Quốc hội quyết 5 dự án giao thông lớn là điểm nhấn của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV, nhằm kịp thời phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19.

Lần đầu tiên 5 dự án giao thông trọng điểm được thông qua trong một kỳ họp

Giao thông vận tải có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Giao thông chính là cầu nối không gian giữa các vùng (khu vực), kết nối các hoạt động kinh tế-xã hội giữa các vùng, giữa đất nước với thế giới; đảm bảo quốc phòng, an ninh cho đất nước. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng là một yêu cầu đặc biệt quan trọng để có thể góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Theo xếp hạng của thế giới, chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ của Việt Nam tương đối thấp, chi phí logistic của Việt Nam cao, điều này làm giảm năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng là yêu cầu rất quan trọng để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ khôi phục kinh tế. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông ở nước ta.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Đường Vành đai 3 TPHCM; Đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu; Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội được kỳ vọng sẽ kết nối với vùng đồng bằng Bắc Bộ và các vùng động lực tăng trưởng.

Sau khi Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV kết thúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành 5 Nghị quyết về chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia, gồm: Nghị quyết số 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết số 57/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 58/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Nghị quyết số 59/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Nghị quyết số 60/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Trong đó, Quốc hội đã thống nhất áp dụng hình thức đầu tư theo phương thức PPP đối với dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và hình thức đầu tư công cho 4 dự án còn lại, sử dụng tổng hợp cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, cả nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cũng như vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội.

5 dự án này đều là những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các vùng và từng địa phương có dự án đi qua. Với tầm quan trọng như vậy, nên các dự án này đều thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Điều đặc biệt là lần đầu tiên tại một kỳ họp của Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Việc khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện 5 dự án giao thông trọng điểm, cấp bách này theo Nghị quyết của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn sau đại dịch Covid-19, đồng thời tạo động lực phát triển các vùng kinh tế trong tương lai.

Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận tổ về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc chuẩn bị hồ sơ 5 dự án giao thông trình Quốc hội là nội dung khó khăn và tốn nhiều thời gian nhất của các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ khi chuẩn Kỳ họp thứ 3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức rất nhiều phiên không chính thức và 3 phiên chính thức để cho ý kiến về 5 dự án này.

Đối với một số ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn nếu mở rộng cơ chế chính sách đặc thù áp dụng trong 5 dự án này có thể dẫn đến những hệ lụy phức tạp về pháp lý, về tổ chức triển khai thực hiện và gây hệ lụy tiêu cực về quản lý, quản trị dự án, làm giảm hiệu quả dự án và không đạt được mục tiêu đề ra, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong giai đoạn đặc biệt hiện nay khi chúng ta vừa trải qua rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 và đang phải thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội thì cần có những quyết sách đặc biệt, đặc thù, khác với quy định của pháp luật hiện hành để triển khai các dự án này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Ngân sách Nhà nước không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia. Về nguyên tắc, đầu tư đường cao tốc là trách nhiệm của Trung ương, đường song hành, vành đai là trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, trong tình hình ngân sách Trung ương gặp khó khăn, trong khi địa phương có nguồn thu từ đất đai khá lớn thì cần thiết phải cho phép Trung ương và địa phương cùng làm, tuỳ theo khả năng đóng góp của địa phương và cam kết của địa phương.

Luật Giao thông đường bộ cũng quy định cao tốc và quốc lộ là do Bộ Giao thông vận tải quản lý, còn tỉnh lộ trở xuống là do địa phương quản lý. Nhưng nếu 5 dự án đường giao thông này được Quốc hội thông qua, Bộ Giao thông vận tải quản lý nhiều như vậy, chưa kể các dự án đang làm thì không thể làm hết được, do đó phải giao cho địa phương có dự án đi qua làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phương án này không đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ nhưng tình hình cấp bách như hiện nay thì cần cho phép thực hiện khác với quy định của luật.

Theo đó, Dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 giao hết cho các địa phương, TPHCM làm cơ quan đầu mối của dự án đường Vành đai 3, Tp Hà Nội làm cơ quan đầu mối của dự án đường Vành đai 4. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, khái niệm “cơ quan đầu mối" thế nào trong luật chưa có, nên báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ làm rõ "đầu mối" là như thế nào, trách nhiệm cụ thể của đầu mối này ra sao để bảo đảm thực hiện từng đoạn nhưng vẫn thống nhất về quy chuẩn, vận hành trên toàn tuyến. 

Riêng với 3 dự án cao tốc thì có dự án đi qua nhiều tỉnh như Biên Hòa-Vũng Tàu, dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Buôn Mê Thuột-Khánh Hoà thì vẫn giao cho Bộ Giao thông vận tải phụ trách.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Luật Xây dựng không cho phép tách dự án theo địa giới hành chính mà yêu cầu phải lập dự án theo nguyên tắc vận hành độc lập, dự án nào vận hành độc lập mới thành dự án được. Nhưng nếu quá máy móc như thế trong giai đoạn phục hồi phát triển hiện nay thì có cần thiết không? “Vì thế, Đảng đoàn Quốc hội đã thống nhất với Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế chia dự án theo địa giới hành chính”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần thiết phải cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù và chỉ áp dụng cho các dự án cụ thể trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay.

Đại biểu Quốc hội băn khoăn và kỳ vọng

Trong các buổi thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu Quốc hội đều cho rằng, 5 dự án giao thông quan trọng được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư có tác dụng kết nối liên vùng, nội vùng, kết nối giao thông toàn quốc. Trong đó, 4 dự án đường cao tốc kết nối với các vùng động lực tăng trưởng của cả 3 miền. Đó là đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội; vành đai 3 TPHCM; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ. Những dự án này được kỳ vọng tạo bứt phá, nâng cao năng lực vận chuyển, hỗ trợ tích cực phát triển kinh tế thời gian tới và tháo gỡ những hạn chế về hạ tầng giao thông hiện nay.

Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu kỳ vọng các công trình này sẽ tạo ra sự đột phá về hạ tầng nhằm tăng tốc phát triển, nhưng cũng cần tính đến khả năng đáp ứng nguồn vốn để tránh tình trạng dàn trải, kém hiệu quả. Một số đại biểu cũng nêu thực trạng một vài dự án giao thông thiếu vốn, chậm tiến độ nhiều năm gây lãng phí, đội vốn đầu tư. Vì vậy, có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình thảo luận, xem xét để làm rõ, cân đối các nguồn lực. Quá trình xem xét phải tính đến việc sử dụng vốn hiệu quả, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần có sự xem xét chặt chẽ trong tất cả các khâu từ giải phóng mặt bằng, lập thẩm định hồ sơ, chỉ định thầu, tổ chức đấu thầu, tham gia giám sát... “Cần đi vào thực hiện các dự án này cho bằng được và giải ngân cho tốt, không bị ách tắc, không để khi vừa thực hiện xong đã xuống cấp, hoặc là có nơi giải tỏa được mặt bằng, có nơi không, rồi giải ngân chậm sẽ gây ách tắc. Tôi cho rằng đây là vấn đề mấu chốt Quốc hội phải bàn, địa phương phải vào cuộc sao cho các dự án này trơn tru và đi vào thực hiện theo đúng nghị quyết của Quốc hội đề ra”, đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Trước khi bấm nút thông qua chủ trương đầu tư 5 dự án, cũng có một số đại biểu lo ngại thực hiện 5 dự án cao tốc, đường vành đai trong cùng thời điểm, đặc biệt trong bối cảnh giá cả nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa tăng cao, tổng vốn đầu tư tăng cao, sẽ gây áp lực lên ngân sách. Các đại biểu cũng lưu ý Chính phủ cần có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải dẫn tới tình trạng thiếu vốn, chậm tiến độ, gây lãng phí lớn như đã từng xảy ra thời gian qua. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu và cá thể hóa trách nhiệm trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện 5 dự án này.

Nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng đường vành đai 3, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khẳng định: "Đường vành đai 3 TPHCM hoàn thành sẽ tháo điểm nghẽn về ách tắc giao thông, giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp và nền kinh tế, tạo động lực mới về giao thông, về hành lang công nghiệp đô thị, mở ra không gian phát triển không chỉ TPHCM và các khu vực lân cận Nam mà còn đóng góp kinh tế cho cả nước".

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, 5 dự án giao thông được thảo luận tại Kỳ họp thứ 3 đều là những dự án trọng điểm, rất quan trọng và có ý nghĩa cấp bách. Trong đó, dự án Đường Vành đai 3 TPHCM kết nối vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - quyết định tới 40% tổng thu ngân sách của cả nước. Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội kết nối với vùng đồng bằng Bắc Bộ và các vùng động lực tăng trưởng. 3 tuyến đường cao tốc như: Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột tạo sự lan tỏa cho vùng duyên hải miền Trung và kết nối với vùng Tây Nguyên. Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ giải quyết được điểm nghẽn về hàng hóa đến cảng Thị Vải - Cái Mép hiện còn nhiều tiềm năng để khai thác. Đường cao tốc Châu đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ một trục ngang của đồng bằng sông Cửu Long để kết nối các tỉnh gắn với các cảng biển.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh

Mặc dù đặt nhiều kỳ vọng vào 5 dự án giao thông sẽ tạo đột phá về cơ sở hạ tầng, đại biểu Trần Hoàng Ngân vẫn bày tỏ nhiều băn khoăn đó là liệu có đáp ứng đủ nguồn vốn trong bối cảnh giá cả hàng hóa leo thang, tổng vốn đầu tư tăng lên; nguồn nhân lực thực hiện dự án; các cơ chế đặc thù áp dụng như thế nào đảm bảo công khai, minh bạch, tránh lợi ích nhóm làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng….

Những băn khoăn của đại biểu cũng là vấn đề được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm và tiếp tục dõi theo, cùng với các cơ quan chức năng, cơ quan dân cử giám sát quá trình triển khai các dự án trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và của từng địa phương./.

Lan Hương