VIỆT NAM VỚI THỰC TRẠNG MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH

27/06/2022

Sáng nay (27/6) tại Đà Nẵng, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội đã khai mạc Hội thảo “Đại biểu dân cử với việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số - phát triển.” Ông Nguyễn Hoàng Mai – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội chủ trì hội thảo.

 

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng chưa được giải quyết trong nhiều năm, đó là tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Năm 2019, ước tính có khoảng 45.900 trẻ em gái bị thiếu hụt do việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và lựa chọn giới tính trước sinh. Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái so với mức sinh học bình thường là 105 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái, cao thứ ba châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ.  

Lựa chọn giới tính trước khi sinh là kết quả của ba yếu tố. Thứ nhất, tâm lý ưa thích có con trai đã ăn sâu vào văn hóa truyền thống của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, khi các cặp vợ chồng biết tin mang thai con gái, họ có xu hướng bỏ cái thai đó đi vì muốn có con trai hơn. Thứ hai là giảm sinh và hạn chế mức sinh. Ở Việt Nam, mỗi gia đình thường chỉ được sinh hai con. Nếu bé đầu là con gái, và bé thứ hai – được coi là lần sinh cuối -  cũng được xác định là con gái, thì cặp vợ chồng có thể nghĩ tới việc phá thai. Và thứ ba là sự hiện diện ngày càng phổ biến của công nghệ sinh sản ở Việt Nam, dù ở thành thị hay nông thôn.

Ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội

Ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho biết: “Về mặt Luật pháp thì nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. Tuy nhiên trong thực tiễn tổ chức thực hiện về bảo đảm quy định này thì hiệu quả chưa cao. Biện pháp tốt nhất khắc phục tình trạng này là tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giới, xoá bỏ định kiến giới”.

Việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới phải được chấm dứt không chỉ trên góc độ nhân quyền và bình đẳng giới, mà còn vì nó mang tới nhiều hệ lụy, nhất là hệ lụy mà các nhà nhân khẩu học gọi là “sức ép hôn nhân” do thiếu hụt nữ giới. Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh hiện tại không thay đổi thì đến năm 2034 sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này vào năm 2059 sẽ tăng lên thành 2,5 triệu. Dư thừa nam giới tức là sẽ ngày càng có nhiều nam giới khó kiếm được vợ, từ đó làm gia tăng nạn buôn người và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam 

Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: “Về cách thức sử dụng công nghệ, điều quan trọng là phải giáo dục người dân về bình đẳng giới để các cặp vợ chồng có tâm lý coi trọng con trai và gái như nhau. Từ đó mới sử dụng công nghệ 1 cách phù hợp. Về tỷ lệ sinh, chúng tôi khuyến nghị VN nên tuân thủ các nguyên tắc của các Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển. Trong đó nguyên tắc chính là mỗi cặp vợ chồng cần được có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về số con, thời điểm sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh”.

Năm 2020, dân số Việt Nam đạt 97,2 triệu người, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Các chuyên gia cũng cảnh bảo, Việt Nam  đang đi qua gần nửa thời kỳ dân số vàng và đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011, sớm hơn dự báo 6 năm. Già hoá dân số là biểu hiện của thành tựu phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên đối với đất nước đang phát triển, thế hệ người cao tuổi trải qua nhiều năm chiến tranh như Việt Nam, già hoá dân số cũng đặt ra những thách thức lớn về an sinh xã hội, thu nhập, chăm sóc sức khoẻ người già./.

Mỹ Phượng- Lê Quang