NHẬT BẢN CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỚI VIỆT NAM VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG MÃ HÓA KHI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN

05/08/2022

Tại Hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ Blockchain và khuyến nghị cho Việt Nam” do Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức, ông Hidaka Yoshihito-Bí thư thứ Nhất, Ban Kinh tế (Đại sứ quán Nhật Bản) có những chia sẻ với Việt Nam về kinh nghiệm quản lý thị trường mã hóa...

Hội thảo về sự tương thích giữa Công ước Istabul về tạm quản hàng hoá với hệ thống pháp luật Việt Nam

Trước làn sóng bùng nổ của công nghệ toàn cầu, với chính sách ngày càng thuận lợi, mức độ quan tâm của doanh nghiệp ngày càng tăng, thị trường công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Việt Nam dự báo tiếp tục phát triển tích cực. Bên cạnh những thuận lợi, tiện ích thì công nghệ Blockchain cũng đặt ra những thách thức lớn đối với Chính phủ ở các nước. Đó là những thách thức chính phổ biến nhất liên quan đến các vấn đề trốn thuế, rửa tiền, tài trợ cho khủng bố… Chính vì vậy, song song với việc cần tạo hành lang pháp lý cho phát triển công nghệ Blockchain thì Việt Nam cần nghiên cứu, hoàn thiện các khung khổ luật pháp một cách chặt chẽ để bảo vệ lợi ích, thông tin cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khi sử dụng công nghệ này.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến.

Tại Hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ Blockchain và khuyến nghị cho Việt Nam do Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh, công nghệ Blockchain đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các thành phần kinh tế-chính trị và xã hội trên thế giới khi công nghệ này đã cách mạng hóa thương mại truyền thống do tính năng sổ cái, mọi bản ghi trong sổ cái này đều được bảo mật bằng các quy tắc mật mã giúp thông tin được an toàn, không bị giả mạo.

Việc ứng dụng công nghệ Blockchain tạo ra nhiều lợi ích trong việc tăng hiệu quả quy trình lành việc, lưu trữ dữ liệu, quản lý việc cung cấp hàng hóa, giảm lỗi trong luồng tài liệu, thời lượng, giảm thời gian của chu trình hậu cần. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã nhận ra tiềm năng của công nghệ Blockchain và tìm cách áp dụng vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vận tải, logistic, y tế, giáo dục...

Trước làn sóng bùng nổ của công nghệ toàn cầu, với chính sách ngày càng thuận lợi, mức độ quan tâm của doanh nghiệp ngày càng tăng, thị trường Blockchain Việt Nam dự báo tiếp tục phát triển tích cực. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, cùng sự nhạy bén nắm bắt xu hướng mới đã xây dựng được tên tuổi của mình trong lĩnh vực cung cấp nền tảng ứng dụng Blockchain.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến, "sân chơi lớn" Blockchain rất cần có sự định hướng và dẫn dắt kịp thời. Với mục tiêu Việt Nam không bị "bỏ lại phía sau" và chậm nhịp so với sự phát triển về công nghệ của nhiều nước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên nhấn mạnh đến chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, theo đó nhấn mạnh cần "phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo", đồng thời đặt ra yêu cầu đổi mới tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng tới mục tiêu "đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 20% GDP, năm 2030 khoảng 30% GDP".

Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, ngoài những nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan, cần thiết có sự đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia đang trong tiến trình số hóa cũng như các doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này, giám sát việc thực hiện của Chính phủ về ngân sách và các cam kết quốc tế, nghị quyết, văn bản pháp luật khác của Quốc hội về các chính sách phát triển nền kinh tế số.


Ông Hidaka Yoshihito-Bí thư thứ Nhất, Ban Kinh tế (Đại sứ quán Nhật Bản) chia sẻ kinh nghiệm quản lý thị trường tiền mã hóa và đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý thị trường mã hóa khi ứng dụng công nghệ Blockchain, ông Hidaka Yoshihito - Bí thư thứ Nhất, Ban Kinh tế (Đại sứ quán Nhật Bản) cho biết, vào năm 2014 khi máy chủ của Công ty MtGox chuyên thực hiện các giao dịch mua bán đồng Bitcoin của Nhật bản đã bị tấn công khiến cho một lượng lớn Bitcoin và tiền gửi bị thất thoát. Theo báo chí khi đó đưa tin, lượng đồng Bitcoin bị rò rỉ có giá trị lên đến 340 triệu đô la Mỹ.

Vào thời điểm khi đó, đồng Bitcoin là đại diện tiêu biểu cho tài sản mã hoá, các giao dịch trong thực tế được tiến hành khi chưa có các quy định pháp luật. Tuy nhiên, theo xu thế các giao dịch của tài sản mã hoá tăng lên, với quan điểm bảo hộ người sử dụng, và với quan điểm cần có giải pháp để chống rửa tiền, tính cần thiết phải xây dựng quy định pháp luật về tài sản mã hoá đã được đưa ra trao đổi và thảo luận.   

Không chỉ trong nước Nhật Bản, tại các sự kiện mang tầm quốc tế, vấn đề về quản lý tiền mã hoá cũng được đưa ra thảo luận, cụ thể là trong Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh G7 Elmau được tổ chức tại Đức vào tháng 6/2015 cũng đã nêu về việc cần có hành động cụ thể hơn nữa để đảm bảo cho sự phát triển minh bạch của tất cả các dòng tài chính bao gồm cả những quy định thích hợp đối với tiền ảo và các loại hình thức toán mới khác.

Còn trong hướng dẫn của FATF (Lực lượng đặc nhiệm Hành động Tài chính) thì có nêu: Mỗi quốc gia nên áp đặt hệ thống đăng ký/cấp phép đối với các sàn giao dịch trao đổi tiền ảo với đồng tiền pháp định, cũng như các quy định về nghĩa vụ của người sử dụng nhằm hạn chế rửa tiền và tài trợ khủng bố. Trước bối cảnh đó, vào năm 2016, Nhật Bản đã tiến tới sửa đổi Luật Dịch vụ thanh toán và Luật Phòng chống chuyển tiền từ nguồn thu phạm pháp, qua đó đã đưa tài sản mã hoá đặt dưới sự quản lý của quy định pháp luật.   

Ông Hidaka Yoshihito nhấn mạnh: Theo quy định trong Luật sửa đổi, các công ty điều hành sàn giao dịch tài sản mã hoá sẽ phải đăng ký hoạt động với Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản, một đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính. Để được phê duyệt đăng ký hoạt động, công ty điều hành sàn giao dịch trao đổi cần đáp ứng các điều kiện như có vốn trên 10 triệu yên, tài sản ròng không phải là nợ phải trả.

Ngoài ra, trong Luật sửa đổi cũng đưa ra các quy định để bảo hộ người sử dụng, nghĩa vụ chống rửa tiền. Nghĩa vụ để bảo hộ người sử dụng gồm nhiều phương diện như cung cấp đầy đủ thông tin về nội dung trong hợp đồng như cơ chế của tài sản ảo, lệ phí…quản lý, phân định minh bạch tài sản mã hoá đã nhận từ người sử dụng với tài sản mã hoá của chính công ty điều hành sàn giao dịch, cấm quảng cáo khoa trương, hiển thị sai lệch. Giải pháp phòng ngừa rửa tiền là khi tiến hành giao dịch tài sản ảo, công ty điều hành sàn giao dịch sẽ bắt buộc phải kiểm tra xác nhận danh tính của người sửu dụng bằng các công cụ hợp pháp như kiểm tra Bằng lái xe…

Tuy nhiên, do hiện tượng phát sinh các sự vụ về rò rỉ tài sản mã hoá sau khi đã có các quy định sửa đổi, vào năm 2019, Nhật Bản đã một lần nữa tiến hành sửa đổi các luật liên quan. Ngoài ra, giải pháp để phòng chống rửa tiền là công ty điều hành sàn giao dịch sẽ phải gửi thông báo trước về những thay đổi của tài sản mã hoá mà công ty quản lý để xác nhận việc có tham gia vào hệ thống rửa tiền hay không.  

Bằng các cách quản lý như trên, Nhật Bản không chỉ quản lý thị trường tài sản mã hoá như bitcoin mà còn tiến tới xem xét để phổ biến Stablecoin được thiết kế lưu hành ổn định như đồng đô la Mỹ hay vàng.

Theo ông Hidaka Yoshihito, những thay đổi gần đây ở Nhật Bản có thể kể đến việc tiến hành sửa đổi Luật vào tháng 6/2022 với yêu cầu bên trung gian của stablecoin sẽ không chỉ phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin cho người sử dụng, có giải pháp để phòng ngừa rửa tiền, tài trợ khủng bố mà còn phải thực hiện nhiều những nghĩa vụ khác. Tuy nhiên, hiện vẫn đang trong quá trình xem xét về cách thức phù hợp khi xây dựng quy chế đối với đơn vị phát hành stablecoin.

Theo ông Hidaka Yoshihito, việc ứng dụng công nghệ Blockchain ở Việt Nam còn  mới mẻ và chưa được người dân biết đến nhiều. Chính vì vậy, để phòng chống rủi ro cho người dân và hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp thì Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm ứng dụng hệ thống này ở các nước trên thế giới để từ đó rút ra những bài học cần thiết cũng như đưa ra giải pháp ngăn ngừa kịp thời những rủi ro khi ứng dụng công nghệ mới này trong giao dịch thương mại điện tử, công nghệ số.... Ngoài ra, các cơ quan soạn thảo, xây dựng luật pháp của Việt Nam cần xem xét, sửa đổi, hoàn thiện một số luật liên quan đến việc sử dụng công nghệ Blockchain, sao cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng như có thể liên thông với thị trường kinh tế quốc tế./.

Bích Lan

Các bài viết khác