HỘI THẢO VỀ SỰ TƯƠNG THÍCH GIỮA CÔNG ƯỚC ISTABUL VỀ TẠM QUẢN HÀNG HOÁ VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

08/08/2017

Nhằm có thêm thông tin trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa dự kiến trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp tháng 9 tới, ngày 8/8, tại Hải Phòng, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo về sự tương thích giữa Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa với hệ thống pháp luật Việt Nam. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, đại diện lãnh đạo TP.Hải Phòng, đại biểu Quốc hội của một số tỉnh, thành phố, đại diện một số bộ ngành, các chuyên gia đại diện một số doanh nghiệp tại Hải Phòng, đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Xem xét gia nhập Công ước Istanbul trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa (sau đây gọi tắt là Công ước Istanbul) được ký ngày 26/6/1990, có hiệu lực ngày 27/11/1993 dưới sự quản lý của Tổ chức Hải quan thế giới. Công ước đã đưa ra mô hình chuẩn các chứng từ tạm quản như các chứng từ hải quan quốc tế kèm bảo lãnh sẽ góp phần thuận lợi hóa thủ tục tạm quản, đồng thời giúp các cơ quan quản lý hàng tạm quản chặt chẽ. Tính đến tháng 01/2017, có 68 quốc gia là thành viên Công ước, trong khi số lượng các quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện cơ chế tạm quản là 70. Mục đích của Công ước này là tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế và hài hoà hoá các thủ tục tạm quản, góp phần đạt được các mục tiêu về kinh tế, văn hoá, xã hội và du lịch.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, hiện nay Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt Việt Nam đã tham gia Cộng đồng ASEAN và ký kết các Hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, việc Việt Nam gia nhập Công ước Istanbul sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc giao lưu thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch quốc tế. Việc tham gia vào chế độ tạm quản theo chuẩn mực quốc tế cũng là một trong các khuyến nghị của Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới mà các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện.

Bên cạnh đó, với nỗ lực cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại, việc Việt Nam gia nhập Công ước Istanbul là một trong những giải pháp nhằm cải cách, hiện đại hóa về hải quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp cơ quan quản lý kiểm soát tốt hàng hóa tạm nhập, tái xuất và tạm xuất, tái nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Vì vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về các nội dung cơ bản của Công ước Istanbul, sự tương thích giữa Công ước với hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng như các thuận lợi và khó khăn trong việc tổ chức thực thi Công ước. Những thông tin và ý kiến đóng góp, thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia có ý nghĩa tích cực, phục vụ hữu ích để Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc gia nhập Công ước vào phiên họp tháng Chín tới.

Báo cáo tổng quan về Công ước Istanbul, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với chủ trương tăng cường xuất khẩu của Chính phủ, việc gia nhập Công ước Istanbul là xu hướng tất yếu. Việc gia nhập Công ước Istanbul tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp nước ngoài khi mong muốn giới thiệu, quảng bá hàng hóa tại các triển lãm, hội chợ tại Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam mang hàng hóa để giới thiệu, quảng bá sản phẩm triển lãm, hội chợ tại nước ngoài khi kết nối với chuỗi tạm quản quốc tế. Đồng thời, việc gia nhập Công ước Istanbul là cơ hội để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý hải quan đối với hàng tạm quản; giảm thiểu nguy cơ thất thu thuế nhập khẩu và thuế khác cho cơ quan hải quan khi hàng hóa tạm quản không được tái xuất ra khỏi lãnh thổ sau khi tạm nhập.

Theo Tờ trình số 221/TTr-CPngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về việc gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa, Chính phủ dự kiến tham gia Công ước của Việt Nam như sau: Chính phủ quyết định gia nhập Công ước sau khi có ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thời điểm gửi thông báo việc Việt Nam gia nhập Công ước là 12 tháng sau khi có quyết định gia nhập của Chính phủ nhằm đảm bảo việc triển khai xây dựng các quy trình cấp phát sổ tạm quản, quy trình bảo lãnh của VCCI;Thời điểm Công ước có hiệu lực đối với Việt Nam là 03 tháng sau khi Việt Nam gửi thông báo về việc gia nhập Công ước.

Về phạm vi áp dụng, trên cơ sở thực tiễn quản lý hàng hóa tạm nhập tái xuất của Việt Nam hiện nay, Chính phủ dự kiến tham gia thân Công ước của WCO về Tạm quản (Công ước Istanbul ngày 26/6/1990);Phụ lục A (về Chứng từ tạm nhập sổ ATA đối với hàng hóa): bảo lưu Chứng từ tạm nhập sổ CPD đối với phương tiện vận tải;Phụ lục B.1 (về hàng hóa dùng để trưng bày hoặc sử dụng tại Triển lãm, hội chợ, hội nghị hay các sự kiện tương tự): việc tham gia Phụ lục này là thiết thực, nhằm thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động quảng bá sản phẩm, hàng hóa góp phần tăng cường giao lưu thương mại, văn hóa… với nước ngoài.  Sau một thời gian triển khai, Chính phủ sẽ rà soát đánh giá tình hình thực hiện để tham gia các Phụ lục khác.

Danh sách các cửa khẩu của Việt Nam được chỉ định giải quyết thủ tục sổ ATA trong giờ làm việc gồm Cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn nhất;Cảng biển quốc tế: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cái Lân (Quảng Ninh);Cửa khẩu quốc tế đường bộ: Hữu nghị (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Lào Cai (Lào Cai).

Cần có đánh giá tác động trước khi xem xét gia nhập Công ước

Tại Hội thảo, đại biểu Quốc hội và các chuyên gia cho rằng, việc đánh giá sự tương thích giữa nội dung Công ước với pháp luật Việt Nam không chỉ đơn thuần là so sánh các quy định của pháp luật mà điều quan trọng là để biết chúng ta phải làm gì, giải quyết những vấn đề gì. Theo đó, việc gia nhập và thực thi Công ước cần tuân thủ các quy định của Luật điều ước quốc tế. Cụ thể, trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, đủ chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần bổ sung trong hồ sơ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo đánh giá tác động khi gia nhập Công ước chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, rủi ro có thể xảy ra từ đó có những lộ trình triển khai sao cho khắc phục tối đa những hạn chế có thể xảy ra. Cần bổ sung các báo cáo số liệu thực tế về các lô hàng để có thêm căn cứ xem xét việc tham gia các phụ lục; cũng như làm rõ khả năng đáp ứng của các cơ quan tổ chức trong nước khi thực hiện các nghĩa vụ theo Công ước.

Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lưu ý, xu hướng phát triển là tiến tới đưa dịch vụ công ra cho tổ chức cá nhân thực hiện, tuy nhiên vấn đề cơ chế pháp lý hiện nay có bảo đảm cho VCCI đủ sức thực hiện nội dung là cơ quan cấp sổ tạm quản và cơ quan bảo lãnh nhằm triển khai thực hiện Công ước. Đại biểu cũng bày tỏ lo ngại, nếu gia nhập Công ước có làm phát sinh thêm thủ tục hành chính phức tạp trong khi hiện nay cơ quan hải quan triển khai hải quan điện tử, quy trình 1 cửa liên thông rất hiện đại và thuận tiện. Điều này cũng cần được đánh giá và làm rõ để tránh làm phát sinh các thủ tục hành chính rườm rà.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá sau ngày làm việc tích cực, khoa học và hiệu quả, Hội thảo về sự tương thích giữa Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa với hệ thống pháp luật Việt Nam do Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức đã hoàn thành nội dung Chương trình mà Ban tổ chức đã đề ra. Các tham luận và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự hội thảo sẽ là cơ sở để Ủy ban Đối ngoại xây dựng, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập Công ước trong thời gian tới.

Cũng trong ngày làm việc, các đại biểu đã đi khảo sát thực tế khả năng áp dụng Công ước tại Cục Hải quan và một số doanh nghiệp tại Hải Phòng; khảo sát việc triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến tạo thuận lợi thương mại của Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới.

Tin và ảnh: Bảo Yến