CÒN VƯỚNG MẮC VỀ NGUỒN VỐN, QUỸ ĐẤT TRONG PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI CHO ĐỐI TƯỢNG CÔNG NHÂN

05/09/2022

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng, trong đó có công nhân khu công nghiệp là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên để hiện thực hóa thì cần giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan. Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, còn vướng mắc về nguồn vốn, quỹ đất trong phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng công nhân.

Vấn đề nhà ở đang là nhu cầu bức thiết nhất đối với công nhân lao động. Thực tế còn số lượng lớn công nhân, đặc biệt là công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có nhà ở, trong khi số lượng nhà ở xã hội, khu lưu trú cho công nhân còn thấp so với nhu cầu.

Để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng, trong đó có công nhân khu công nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết: Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó có nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội; Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19…

Nhà ở là nhu cầu bức thiết nhất đối với công nhân lao động

Trong đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, bố trí nguồn vốn ưu đãi và đôn đốc các địa phương thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở cụ thể như: các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, để góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, Tổng Liên đoàn đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” với mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tăng cường sự phối hợp của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội để tạo điều kiện nâng cao đời sống công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất; trong đó mục tiêu cụ thể từ năm 2017 đến năm 2018 phấn đấu hoàn thành 10 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; từ năm 2018-2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; phấn đấu đến năm 2030 phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang

Từ thực tế triển khai, Tổng Liên đoàn đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 với mục tiêu huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn lực của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và nguồn lực của tổ chức công đoàn cùng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, các cơ sở y tế, giáo dục, siêu thị và các công trình thương mại dịch vụ, công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó điều chỉnh mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư thí điểm 01 thiết chế công đoàn; giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu triển khai 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; từ năm 2026 trở đi, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.

Để thực hiện các mục tiêu trên, tại các Quyết định số 655/QĐ-TTg và Quyết định số 1729/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương phối hợp với Tổng Liên đoàn trong việc giới thiệu địa điểm đất, phê duyệt quy hoạch, huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở để công nhân thuê, mua.

Triển khai các Quyết định trên, Tổng Liên đoàn đã phê duyệt chủ trương đầu tư 11 thiết chế công đoàn tại các tỉnh: Tiền Giang, Quảng Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nghệ An, Hưng Yên, Phú Thọ, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thiện thủ tục, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư 10 thiết chế công đoàn tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Bình Dương, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Đồng Nai.

Đánh giá về quá trình triển khai của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội, nhà nghiên cứu cho rằng, cần khắc phục những khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, quỹ đất, thủ tục hành chính. Cụ thể, việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn gặp khó khăn khi thiếu nguồn vốn, nhất là khi gói 30 nghìn tỷ đồng kết thúc, thì nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội càng hạn chế. Chính phủ đã có những chính sách như: Được miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư; được giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp; chủ đầu tư được dành 20% Quỹ nhà thương mại trong dự án nhà ở xã hội để bù đắp cho các chi phí đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Hai nhóm chính sách được bổ sung hỗ trợ: Nhóm 1 là hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án, tham gia đầu tư các nhà ở xã hội được vay vốn, được hỗ trợ với lãi suất 2% với quy mô 40 nghìn tỷ đồng. Nhóm thứ 2 là gói giúp người lao động, công nhân trong khu công nghiệp được vay vốn với quy mô 15 nghìn tỷ đồng, thời hạn cho vay 25 năm, lãi suất 4,8%. Tuy nhiên việc tiếp cận vốn vay và xác định đối tượng được hưởng ưu đãi vay vẫn còn chậm.

Nhiều chuyên gia nhận định, một trong những hạn chế cần đối mặt là thiếu quỹ đất; việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo mặt bằng sạch còn chậm do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch để triển khai dự án, trong khi nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng phải trình HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc TW phê duyệt.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, thủ tục hành chính kéo dài cũng là một bất cập đáng chú ý. Tại một số địa phương, công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải trải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục dẫn đến thời gian hoàn thành công việc bị kéo dài.

Ngoài ra, các chuyên gia phản ánh, thực tiễn hiện nay, các doanh nghiệp có nhu cầu về thuê nhà ở cho công nhân rất cao, việc doanh nghiệp đứng ra thuê sẽ giảm bớt các thủ tục thuê nhà ở của công nhân do công nhân đa phần là các người dân từ các địa phương khác về, trong khi thủ tục hành chính quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP còn nhiều bất cập.

Vũ Hà - Minh Hùng

Các bài viết khác