ĐƯA CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT ĐI VÀO THỰC CHẤT, HIỆU QUẢ

05/09/2022

Triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và một số Luật, Nghị quyết có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”, trong đó đặt ra mục tiêu đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào thực chất, hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành, sử dụng pháp luật của cơ quan, tổ chức, người dân.

Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông chính sách, pháp luật

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào thực chất, hiệu quả

Triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và một số Luật, Nghị quyết có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Đề án được xây dựng trên quan điểm bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật nói chung, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới hiện nay. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; bảo đảm tính khách quan, thực chất, chặt chẽ, khoa học trong đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đề án cũng hướng tới tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kết quả đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu.

Theo đó, Đề án đặt mục tiêu đổi mới toàn diện, tạo sự linh hoạt, sáng tạo, chủ động, khả thi, phù hợp với tính chất, mục tiêu, yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực tiễn cuộc sống; đưa công tác này đi vào thực chất, hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành, sử dụng pháp luật của cơ quan, tổ chức, người dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đề án cũng đặt mục tiêu ban hành Khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật khoa học, khách quan, khả thi, phù hợp với yêu cầu, bối cảnh thực tiễn; Tổ chức thực hiện và hoàn thành việc đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số bộ, ngành, địa phương; Tổng kết quá trình thí điểm, đề xuất định hướng hoàn thiện thể chế và xây dựng các giải pháp phù hợp về đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên phạm vi cả nước.

Nghiên cứu, khảo sát hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đã xác định rõ những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần các bộ, ngành, các cơ quan và tổ chức có liên quan phối hợp thực hiện. Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nghiên cứu, khảo sát hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Ban hành Khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Tổ chức thực hiện đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Huy động nguồn lực xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Tổng kết, rút kinh nghiệm, nghiên cứu đề xuất định hướng hoàn thiện thể chế về đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Về tổ chức thực hiện, Đề án giao Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh thực hiện thí điểm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án; định hướng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời chỉ đạo các cơ quan bố trí nguồn lực, huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Cùng với đó, Bộ Tư pháp chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thí điểm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; thường xuyên theo dõi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thí điểm; nghiên cứu, khảo sát, tổ chức tọa đàm, hội thảo về hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng và ban hành tiêu chí chung và phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thí điểm trong việc xây dựng các tiêu chí riêng trong Khung tiêu chí.

Đề án cũng giao Bộ Tư pháp nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức thực hiện công tác đánh giá hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động nguồn lực xã hội tham gia, hỗ trợ tổ chức thực hiện đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng các phần mềm phục vụ đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Khung tiêu chí của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thí điểm và tổng kết thực hiện thí điểm, đề xuất định hướng hoàn thiện thể chế, các giải pháp khác về đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bên cạnh đó, Đề án phân công Bộ Tài chính tham mưu bố trí kinh phí và hướng dẫn cơ chế tài chính để thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn đóng góp, tài trợ hợp pháp khác. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp chỉ đạo, định hướng cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện thông tin, truyền thông về thực hiện đánh giá hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngoài ra, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thí điểm ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện thí điểm. Xây dựng và ban hành tiêu chí riêng thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, Ủy ban nhân dân. Bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị. Báo cáo kết quả thực hiện thí điểm về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đề án cũng nêu rõ, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thí điểm phối hợp Bộ Tư pháp tổng kết thí điểm, đề xuất hoàn thiện thể chế, các giải pháp khác về đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Cùng với đó tiếp tục thực hiện Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đồng thời với việc thực hiện thí điểm. Đồng thời đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, phổ biến vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, giám sát, phản biện xã hội và phối hợp tham gia đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…./.

Minh Thành

Các bài viết khác