UBTVQH cho ý kiến Luật Đấu thầu (sửa đổi): Cần nhận diện rõ những vướng mắc do luật hiện hành và bất cập do khâu tổ chức thực hiện
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 119 điều
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bố cục lại cho rõ ràng, hợp lý, điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, bỏ 01 điều và bổ sung 14 điều.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung 01 chương về tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh và bổ sung 01 chương về Hội nghề nghiệp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa, bổ sung các nội dung này một cách phù hợp.
Phó Chủ thịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp
Về quy định thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh: Ban soạn thảo bổ sung một mục về thử nghiệm lâm sàng (mục 2, Chương VIII). Đây là chính sách mới đề xuất nhưng chưa có tổng kết, đánh giá tác động. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo khẩn trương tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động và hoàn thiện Hồ sơ theo quy định.
Về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh: Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát và bổ sung chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khoẻ đối với một số đối tượng và chính sách phát hệ thống cấp cứu tại cộng đồng, đầu tư cho y tế cơ sở.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung việc ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người lao động, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Tuy nhiên, tại điểm a, khoản 1 Điều 4 đã quy định về ưu tiên bố trí ngân sách cho việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, trong đó bao gồm cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho công nhân lao động. Ngoài ra, pháp luật hiện hành đã có quy định về việc tổ chức, phát triển công trình y tế tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị được giữ như dự thảo Luật.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật chưa quy định chính sách đặc thù cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người cao tuổi. Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp thu và sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật một cách phù hợp để thích ứng với tiến trình già hóa dân số ở Việt Nam.
Về các hành vi bị nghiêm cấm: Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý tên và bổ sung hành vi cấm nhũng nhiễu, hành vi lợi dụng uy tín của cá nhân tại Điều 6.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh
Liên quan đến Giấy phép hành nghề: Trên cơ sở ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung chức danh “tâm lý trị liệu” tại điểm h, khoản 1 Điều 19 và giữ quy định về cấp giấy phép hành nghề cho y sĩ và gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng, lộ trình đào tạo y sỹ trình độ cao đẳng.
Về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề và Hội đồng Y khoa quốc gia: Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành và do Hội đồng Y khoa thực hiện; lộ trình thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các chức danh hành nghề, đồng thời, dự thảo bổ sung 01 điều quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia.
Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý nhà nước như quy định tại Điều 28.
Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn việc giao cho Bộ Công an cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề đối với đối tượng thuộc thẩm quyền và đề nghị tiếp tục giao Bộ trưởng Bộ Y tế như hiện hành, nếu giao Bộ Công an thì cần quy định lộ trình. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa thể hiện được việc huy động các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hội chuyên môn như định hướng tại Nghị quyết 20-NQ/TW.
Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, các ý kiến góp ý này là xác đáng và sẽ tiếp tục cùng Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu phương án tiếp thu.
Về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến tiếp thu theo hướng quy định người hành nghề là người nước ngoài bắt buộc phải sử dụng thành thạo tiếng Việt nếu muốn khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam có lộ trình thực hiện và quy định được khám bệnh, chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ tại Việt Nam, đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể việc sử dụng ngôn ngữ khi khám bệnh, chữa bệnh cho một số đối tượng đặc thù.
Một số nội dung lớn của dự thảo Luật còn ý kiến khác nhau
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã có nhiều bổ sung, chỉnh lý đối với quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa; về y học gia đình; về cấp cứu; về giấy phép hoạt động và tiêu chuẩn chất lượng và đánh giá, chứng nhận chất lượng.…
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng đưa ra những phân tích/lập luận cụ thể đối với những vấn đề lớn vẫn còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước; về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;…
Theo đó đối với quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí như thể hiện tại Điều 106 của dự thảo Luật. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, còn ý kiến khác nhau về các nội dung sau:
Về các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: một số ý kiến cho rằng cần quy định nội hàm của 04 yếu tố cấu thành giá, ý kiến khác cho rằng 04 yếu tố cấu thành giá nêu tại dự thảo là chưa đủ và cần nghiên cứu bổ sung các yếu tố khác như lợi nhuận, các nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật và giá trị vô hình của thương hiệu.
Về thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở tư nhân cung cấp: có ý kiến cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp, tuy nhiên ý kiến khác đề nghị quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tự quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở phương pháp tính giá do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, đồng thời, phải thực hiện niêm yết, công khai và chịu sự kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá.
Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu chỉnh lý quy định cho phù hợp.
Nhấn mạnh đến thời điểm hiện tại, một số nội dung lớn của dự thảo Luật còn chưa nhận được sự đồng thuận giữa các cơ quan, chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động, một số nội dung của dự thảo cần có sự kết nối, liên thông, đồng bộ với các Luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cân nhắc việc xem xét dự án Luật này theo quy trình 03 kỳ họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, ngoài các vấn đề lớn nêu trên, Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý tại hơn 50 điều khác của dự thảo Luật với 22 nhóm nội dung; rà soát, tiếp thu, chỉnh lý về từ ngữ, văn phong, kỹ thuật lập pháp….
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin về nội dung Phiên họp