Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bố cục lại cho rõ ràng, hợp lý, điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, bỏ 01 điều và bổ sung 14 điều.
Liên quan đến quy định về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề (Điều 22) và Hội đồng Y khoa quốc gia (Điều 23), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật dự kiến quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành và do Hội đồng Y khoa thực hiện như thể hiện tại Điều 22 của dự thảo Luật; đồng thời, lộ trình thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sỹ chậm nhất từ ngày 01/01/2029, đối với các chức danh khác chậm nhất từ ngày 01/01/2032 và bổ sung 01 điều quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia như tại Điều 23 của dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, tại Khoản 2 Điều 23 dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức độc lập do Chính phủ thành lập, có nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu cho Bộ Y tế trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.
Phân tích dưới góc độ pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, Hội đồng Y khoa quốc gia là một tổ chức mang tính chất tư vấn, không phải cơ quan quản lý nhà nước. Đối chiếu với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ: "Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập các tổ chức có tính chất tư vấn các Hội đồng, Ủy ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành", quy định tại khoản 10, Điều 28, đây là thẩm quyền của Thủ tướng. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc về thẩm quyền thành lập. Để thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương, Thủ tướng đã có Quyết định 956 ngày 6/7/2020 thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia, đó là Hội đồng Y khoa quốc gia mà hiện nay chúng ta đang có và đang muốn luật hóa, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Từ thẩm quyền Thủ tướng chuyển sang thẩm quyền của Chính phủ cần lý giải rõ và đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ…”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Nghị quyết số 56 ngày 24/11/2017 nêu rõ, từ năm 2018 trở đi rất hạn chế thành lập các Ban chỉ đạo, các Hội đồng liên ngành, nếu thành lập phải xác định rõ thời gian hoạt động và kiên quyết không thành lập các tổ chức xã hội ngoài mà phát sinh bộ máy chuyên trách và tăng biên chế.
Đồng thời, Luật Tổ chức Chính phủ khoản 10 Điều 28 cũng quy định, Thủ tướng thành lập, cho nên vấn đề này không nhất thiết phải ghi vào luật mà hiện nay Thủ tướng thành lập rồi, Thủ tướng thành lập trên cơ sở nghị quyết của Chính phủ triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. “Hội đồng Y khoa quốc gia này là Thủ tướng thành lập, không phải Chính phủ thành lập. Ngoài ra, Thủ tướng thành lập để giúp Thủ tướng Chính phủ, không phải như dự luật ghi là Chính phủ thành lập để giúp Bộ trưởng Bộ Y tế,…” Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Tham gia thảo luận tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, nếu quy định như dự thảo hiện tại thì có sự chưa thống nhất với quy định về tổ chức bộ máy, đặc biệt là theo Luật Tổ chức Chính phủ và chưa phù hợp với Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chỉ rõ, theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Chính phủ chỉ có thẩm quyền trình Quốc hội để quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ, thành lập, bãi bỏ cơ quan ngang bộ, các bộ v.v.. quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan trực thuộc Chính phủ. Đối với việc thành lập các hội đồng thì đây thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, cũng tương tự như việc Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng giáo sư nhà nước thì cũng là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, chứ không phải là thẩm quyền của Chính phủ.
Do vậy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị để kế thừa các quy định hiện hành, tức là Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập hội đồng để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng phối hợp liên ngành, trong đó có Hội đồng Y khoa quốc gia đã được thành lập năm 2020. Đồng thời, để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, đề nghị sửa đổi thẩm quyền từ Chính phủ sang Thủ tướng Chính phủ đối với việc tổ chức Hội đồng Y khoa Quốc gia. Bên cạnh đó, để có cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết nội dung thì nội dung dự thảo luật cần phải xác định rõ vị trí pháp lý cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của hội đồng để bao quát các nhiệm vụ, từ việc đánh giá, việc tổ chức thực thi, cấp giấy phép hành nghề hay cập nhật kiến thức y khoa liên tục và đặc biệt xác định rõ mối quan hệ với các bộ, ngành quản lý lĩnh vực.
Trước đó, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách do UBTVQH tổ chức, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần xác định rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Theo đại biểu Nguyễn Trí Thức, Đoàn ĐBQH Tp. HCM, việc giao Hội đồng Y khoa quốc gia cấp giấy phép hành nghề là không phù hợp. “Giấy phép hành nghề không phải là bằng cấp chuyên môn, không thể hiện là chuyên môn cao hay chuyên môn thấp. Nhưng giấy phép hành nghề bao gồm hai vế gồm có bằng cấp chuyên môn cần thiết cộng thêm hiểu biết pháp luật nước sở tại để sử dụng chuyên môn áp dụng vào phục vụ khám, chữa bệnh cho đúng pháp luật, quy định của địa phương và của quốc gia. Do đó, quy định chỉ có Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra, cấp giấy phép hành nghề là không hợp lý….”, đại biểu Nguyễn Trí Thức cho biết.
Lý giải quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Trí Thức cũng cho biết, chỉ có một tổ chức cho cả nước thì khối lượng công việc sẽ rất lớn, có thể gây ra quá tải, ách tắc và khó khăn trong việc cấp giấy phép hành nghề. Đại biểu cũng nêu rõ, Hội đồng Y khoa quốc gia không phải cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan hành chính, mà là một tập thể nên không phù hợp để cấp giấy phép hành nghề.
Do đó, đại biểu đề nghị Hội đồng Y khoa quốc gia có trách nhiệm xây dựng chuẩn năng lực hành nghề, xây dựng ngân hàng câu hỏi để công khai; xây dựng quy chế tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh, xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở y tế đủ năng lực để cấp giấy phép hành nghề, kiểm tra, đánh giá giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh, trên cơ sở là các cơ sở đủ điều kiện do Bộ Y tế thẩm định tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực. Các cơ sở đó sẽ được tổ chức kiểm tra để đánh giá năng lực hành nghề và thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề sẽ do Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Sở Y tế cấp như hiện nay.
Đồng tình với đại biểu Nguyễn Trí Thức, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị, quy định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia. Đại biểu nhấn mạnh, đây là chính sách mới, đề nghị cần phải có lộ trình bảo đảm tính khả thi và có một quy trình đủ chặt chẽ để bảo đảm nghiêm túc, chính xác, khách quan và tránh hình thức, cần có đủ chế định về cơ cấu tổ chức bộ máy.
Góp ý về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đại biểu cho rằng quy định giao Hội đồng Y khoa quốc gia cấp và thu hồi giấy phép hành nghề là một mô hình lý tưởng. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để Hội đồng Y khoa quốc gia có thực quyền, để hoạt động và cấp giấy phép hành nghề phải thực chất, tránh hình thức.
Điều này phụ thuộc vào cơ cấu, thành phần và địa vị pháp lý của tổ chức này. Trên thực tế, từ khi chính thức được thành lập vào cuối năm 2020 đến nay, Hội đồng Y khoa quốc gia mang tính chất cơ quan giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Y tế, do Bộ trưởng Bộ Y tế giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng, 1 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hoạt động chuyên trách, còn các chức vụ kiêm nhiệm.
Như vậy, nếu vẫn duy trì cơ cấu và địa vị pháp lý này, thì việc quy định Hội đồng Y khoa quốc gia trong luật chỉ mang tính hình thức và không khả thi. Do đó, để có căn cứ lựa chọn phương án, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ địa vị pháp lý việc thành lập, tổ chức hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia, với tư cách là một cơ quan độc lập với Bộ Y tế và hoạt động thuần túy về chuyên môn./.