Toàn cảnh phiên họp
Giảm một số tiêu chuẩn cho đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, làm cơ sở pháp lý cho việc phân loại, thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và sắp xếp đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ở các địa phương.
Đến nay, sau hơn 05 năm thực hiện, một số quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 đã bộc lộ hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, Nghị quyết chưa quy định rõ tiêu chuẩn của đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù vùng, miền và di sản văn hóa, chưa có quy định nhằm khắc phục việc các đơn vị hành chính đô thị sau khi thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới có diện tích tự nhiên lớn nhưng chưa bảo đảm về chất lượng đô thị; chưa làm rõ việc áp dụng tiêu chuẩn đối với từng trường hợp nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính...
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 đã có nhiều chủ trương mới của Đảng và quy định mới của pháp luật về tổ chức đơn vị hành chính cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và để kịp thời thể chế hóa các chủ trương mới của Đảng và cụ thể hóa các quy định mới của pháp luật về tổ chức đơn vị hành chính. Việc xây dựng Nghị quyết nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, đặc biệt là các đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù. Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi các quy định về áp dụng để việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và sắp xếp đơn vị hành chính đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của đất nước. Sửa đổi, bổ sung các quy định về cách xác định tiêu chuẩn, thời hạn và trình tự, thủ tục phân loại đơn vị hành chính để phù hợp với quy định mới của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình
Đi vào các nội dung cụ thể, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù, theo đó, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn và đơn vị hành chính đô thị có yếu tố đặc thù theo hướng giảm một số tiêu chuẩn cho các đơn vị hành chính này. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng sửa đổi, bổ sung quy định cách tính tổng số điểm phân loại đơn vị hành chính và hồ sơ, trình tự, thủ tục phân loại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân theo quy định của Quốc hội. Sửa đổi, bổ sung làm rõ quy định về cách tính điểm tăng thêm của các tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính khi đạt trên mức tối thiểu và cách thức tổ chức thẩm định Hồ sơ phân loại đơn vị hành chính để thống nhất với việc phân loại đô thị (theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13).
Đối với quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, thực hiện chủ trương của Đảng và quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính và thúc đẩy phát triển đô thị, khắc phục việc các đơn vị hành chính đô thị sau khi thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới có diện tích tự nhiên lớn nhưng chưa bảo đảm về chất lượng đô thị, dự thảo Nghị quyết sửa đổi Điều 31 (điều khoản áp dụng) đối với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo hướng: Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải đạt các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng, trừ một số trường hợp đặc biệt. Đối với quy định về phân loại đơn vị hành chính, dự thảo Nghị quyết cũng bổ sung quy định về thời hạn thực hiện phân loại đơn vị hành chính sau khi thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và quy định rõ việc áp dụng loại của các đơn vị hành chính này trong thời gian chưa tiến hành phân loại.
Cần khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 với những lý do như đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết này sẽ kịp thời thể chế hóa chủ trương, chỉ đạo mới trong Nghị quyết Trung ương về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh các vùng kinh tế - xã hội, các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đô thị, sắp xếp, tổ chức hợp lý các đơn vị hành chính.
Ủy ban Pháp luật tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung như đề xuất của Chính phủ là chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết liên quan đến, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù, điều chỉnh một số tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể chưa thực sự phù hợp nhằm bảo đảm tính nhất quán, ổn định trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý và nâng cao chất lượng đô thị như đã được nêu trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình đã bảo đảm đầy đủ, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm các yêu cầu nêu trong các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội. Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung đều có lý giải cụ thể về cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, số liệu chứng minh về tính hợp lý và khả thi của nội dung quy định.
Để xác định thế nào là ĐVHC miền núi, vùng cao làm cơ sở áp dụng tiêu chuẩn đối với đơn vị hành chính có tính đặc thù, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Nghị quyết Điều 31a giao Ủy ban Dân tộc trình Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận đơn vị hành chính miền núi, vùng cao. Ủy ban Pháp luật nhận thấy, hiện nay, Nghị quyết số 69/2018/QH14 ngày 08/11/2018 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 26 (tháng 8/2018), Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 2 (tháng 8/2021) đều đã giao Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ nhiệm vụ xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao.
Do đó, trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại các kết luận, nghị quyết nói trên, Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục yêu cầu Chính phủ khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao theo yêu cầu đã nêu trong các văn bản nói trên để việc triển khai thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính cũng như các chính sách, pháp luật, nội dung quản lý nhà nước khác được thuận lợi, thống nhất và không bổ sung Điều 31a vào Nghị quyết này.
Về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc bổ sung quy định về tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính nông thôn, đô thị có yếu tố đặc thù như thể hiện tại Điều 3a, Điều 9a của dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, liên quan đến xác định thế nào là đơn vị hành chính đô thị có yếu tố đặc thù quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9a, một số ý kiến còn băn khoăn về việc đơn vị hành chính đô thị chỉ cần có 01 trong các yếu tố có di sản văn hóa được cấp có thẩm quyền công nhận hoặc được xác định là trung tâm du lịch quốc gia/quốc tế trong các quy hoạch đã được phê duyệt là đã được áp dụng tiêu chuẩn đối với đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù.
Để bảo đảm chặt chẽ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh sửa quy định tại các khoản này theo hướng phải bảo đảm đồng thời cả 2 yếu tố là có di sản văn hóa vật thể và được quy hoạch là trung tâm du lịch, đồng thời đề nghị Chính phủ cụ thể hóa hơn nữa về loại quy hoạch được nêu tại các quy định này để có cơ sở cho việc áp dụng sau này.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục phản ánh chi tiết nội dung phiên họp.