Tổng thuật Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển bền vững
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Xã hội Việt Nam 2022
Tham gia đóng góp ý kiến hoạch định chính sách kinh tế trong tình hình mới tại Diễn đàn Kinh tế Xã hội Việt Nam 2022, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã viện dẫn các mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế điển hình trên thế giới, phân tích các ưu điểm, nhược điểm, độ tương thích với nền kinh tế nước ta, để từ đó rút ra những lựa chọn hợp lý, tối ưu cho Việt Nam. Theo đó, trên thế giới hiện nay đang phổ biến một số mô hình tăng trưởng, bao gồm: mô hình tăng trưởng bao trùm, mô hình tăng trưởng xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cơ cấu lại nền kinh tế theo chuỗi giá trị, cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cụ thể, các chuyên gia cho biết, mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống ít chú ý đến chiều cạnh xã hội, đặc biệt là vấn đề nghèo đói và bất bình đẳng về thu nhập trong xã hội mặc dù một nền kinh tế có thể có tăng trưởng nhanh. Nghiên cứu của một số nhà khoa học đã chỉ ra rằng, ảnh hưởng của bất bình đẳng đến tăng trưởng có dạng hình chữ U ngược theo nghĩa khi bất bình đẳng thu nhập còn ở mức thấp thì các nền kinh tế có thể tăng trưởng nhanh hơn bằng cách chấp nhận bất bình đẳng cao hơn, tuy nhiên khi bất bình đẳng thu nhập cao, vượt qua một ngưỡng nhất định sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng bao trùm được định nghĩa là mẫu hình tăng trưởng trong đó mọi người dân đều được tham gia vào quá trình tăng trưởng và hưởng lợi từ quá trình này. Một quốc gia có chỉ số tăng trưởng bao trùm cao là quốc gia đạt được tăng trưởng nhanh, bền vững và không để ai bị bỏ lại ở phía sau. Hay nói cách khác, quốc gia đó không những chỉ duy trì được tăng trưởng nhanh mà còn kiềm chế được sự gia tăng bất bình đẳng một cách có hiệu quả. Mô hình tăng trưởng bao trùm chú ý nhiều hơn tới sự bền vững trong dài hạn, trong đó đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội nhằm đảm bảo mục tiêu cuối cùng là phát triển con người. Mô hình tăng trưởng bao trùm nhấn mạnh đến cả kết quả lẫn sự tham gia. Mọi người được bình đẳng tham gia đóng góp và chia sẻ lợi ích có được từ tăng trưởng kinh tế, thay vì chỉ nhằm vào các nhóm dân cư có mức thu nhập thấp hơn (mô hình tăng trưởng vì người nghèo), mô hình tăng trưởng bao trùm hướng tới việc bao quát tất cả các thành viên trong xã hội, bao gồm cả người nghèo, cận nghèo, trung lưu và người giàu; cả nam và nữ; cả các dân tộc thiểu số; cả các cộng đồng tôn giáo khác nhau; cả những người có các nghề nghiệp khác nhau.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Xã hội Việt Nam 2022
Giới thiệu về mô hình tăng trưởng xanh, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tăng trưởng xanh là một quá trình toàn diện trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới vừa tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo gắn với việc phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mô hình tăng trưởng xanh là cốt lõi của con đường "tăng trưởng xanh carbon thấp" nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tăng trưởng kinh tế, nhưng phải đặt trong bối cảnh giảm phát thải khí nhà kính ở mức độ nhất định để giảm thiểu biến đổi khí hậu và tạo ra những động cơ tăng trưởng mới, như công nghệ xanh, công nghiệp xanh, việc làm xanh. Vì vậy, mô hình tăng trưởng xanh tạo ra một tiền đề là giảm phát thải khí nhà kính nhưng không làm cản trở sự tăng trưởng kinh tế, mà còn mở ra các cơ hội phát triển mới.
Đối với mô hình kinh tế tuần hoàn, các nhà nghiên cứu cho biết, theo ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính (dựa trên quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường), nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường. Thực tế đó dẫn đến yêu cầu cấp bách phải tìm ra mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững hơn về sử dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Từ đó cho thấy kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. Các hiệp định, thỏa thuận toàn cầu về môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đề ra nhiều quy định về tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.
Bên cạnh đó, chia sẻ về mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, các học giả, nhà quản lý cho biết, các nghiên cứu về mô hình tăng trưởng nội sinh (lý thuyết tăng trưởng mới) thường được phân làm hai nhóm mô hình nghiên cứu chính: Mô hình tăng trưởng dựa vào tích lũy (accumulation-based models) và Mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới (innovation based models), theo đó mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo và coi các doanh nghiệp là trung tâm của quá trình tăng trưởng với mô hình này dựa trên ba ý tưởng chính: Tăng trưởng dài hạn dựa trên đổi mới sáng tạo.
Theo đó, quá trình đổi mới sáng tạo bao gồm tăng năng suất của các nhân tố sản xuất (lao động, vốn), đổi mới sản phẩm (giới thiệu sản phẩm mới), đổi mới tổ chức; Đổi mới là kết quả của đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư của doanh nghiệp vào đào tạo kỹ năng, tìm kiếm thị trường mới, với sự cân nhắc về vai trò can thiệp của Nhà nước như một nhà đồng đầu tư trong nền kinh tế tri thức, nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong quá trình tăng trưởng và phát triển. Đổi mới có tác động tích cực đến lan tỏa tri thức, tuy vậy không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đầu tư cho R&D, đào tạo; (Tăng trưởng sẽ liên quan đến xung đột giữa cái cũ và cái mới: Những người đổi mới ngày hôm qua chống lại những đổi mới mới làm cho hoạt động của họ trở nên lỗi thời. Điều này cho thấy một vai trò thứ hai của Nhà nước nhằm tạo sự cân bằng hài hòa giữa cái cũ và cái mới.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các sản phẩm thường được chia ra nhiều công đoạn (chuỗi giá trị). Các công đoạn có thể được thực hiện ở nhiều quốc gia khác nhau. Những quốc gia phát triển thường là nơi tập hợp những công đoạn có giá trị cao, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và trình độ kỹ thuật cao, trong khi các nước đang phát triển thường được chọn để thực hiện những khâu có giá trị gia tăng thấp (như lắp ráp) vì có nguồn lao động rẻ và dồi dào. Tuy nhiên, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, việc chuyển dịch từ những công đoạn có giá trị thấp trong chuỗi giá trị lên các công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị là rất quan trọng. Việc các quốc gia đang phát triển như Việt Nam mong muốn tiến lên những công đoạn cốt lõi hơn trong chuỗi giá trị là một xu thế tất yếu.
Ngoài ra, các chuyên gia còn nêu rõ vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là một xu hướng cơ cấu lại kinh tế tương đối mới. Quá trình cơ cấu lại này diễn ra dựa trên nền tảng công nghệ số. Khi một phần hoặc phần lớn hay toàn bộ các hoạt động kinh tế được diễn ra dựa trên nền tảng công nghệ số thì sẽ dẫn đến sự chuyển dịch của nền kinh tế theo hướng số hóa. Nói cách khác, tất cả các mặt của đời sống kinh tế xã hội từ các hoạt động kinh doanh tới quản lý xã hội sẽ được thực hiện trên nền tảng công nghệ số. Quá trình cơ cấu lại này không nhất thiết kéo theo cơ cấu lại về ngành, vùng hay sở hữu, nhưng sẽ nâng cao năng suất lao động xã hội với tốc độ chưa từng có, cũng như tạo ra những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao hơn, giá rẻ hơn, tính năng hoàn hảo hơn. Trong bối cảnh của kỷ nguyên số, cơ cấu lại nền kinh tế có thể mang đến những nội dung hoàn toàn mới, thách thức và phá bỏ những nguyên tắc truyền thống.