LÀM RÕ NHỮNG GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM, THEN CHỐT NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

27/09/2022

Tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, thảo luận về báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chính phủ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cần làm rõ những giải pháp trọng tâm, then chốt, mang tính đột phá cần thực hiện ngay, những giải pháp cơ bản, lâu dài để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tăng cường vai trò của các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Toàn cảnh Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Vừa qua, tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong kỳ báo cáo vừa qua, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 14,1%, số vụ việc giảm 19,3%, số đoàn đông người giảm 32,7%. Đối với công tác tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, so với năm 2021, số đơn các loại giảm 4%, số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền tăng 5,3%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 0,6%.

Về giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Thanh tra Chính phủ đã ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch đôn đốc, kiểm tra tại các địa phương. Hiện nay đang trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, phối hợp rà soát, thống nhất phương án, trên cơ sở đó có lộ trình để các địa phương giải quyết dứt điểm từng vụ việc và đề xuất cấp có thẩm quyền có giải pháp phù hợp đối với những vụ việc cụ thể có nguyên nhân vướng mắc do chính sách, pháp luật.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Đối với kết quả xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến, trong kỳ báo cáo đã xem xét xử lý, giải quyết 737/971 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến, đạt 75,9%; 234 vụ việc còn lại đang tiếp tục xem xét xử lý, giải quyết.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương  thường xuyên theo dõi, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là những quy định liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, kịp thời phát hiện những bất cập, tồn tại, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật; có các giải pháp nâng cao chất lượng, bảo đảm việc ban hành các quyết định hành chính phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, xác định trách nhiệm, có biện pháp xử lý đối với người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính trái pháp luật là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo. Đồng thời có các biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, lấy kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những cơ sở thực tế để hoàn thiện chính sách, pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý triệt để các vi phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, cơ bản đạt mức chỉ tiêu phấn đấu đề ra, giải quyết kịp thời, có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật đối với gần 85% các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Đối với công tác tiếp công dân, so với năm 2021, năm 2022 dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, số địa phương và thời gian thực hiện giãn cách xã hội không nhiều, nhưng số người đến các cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh lại giảm mạnh cả về số lượt, số người, số vụ và số đoàn đông người; trong đó, ở các Bộ, ngành giảm rất mạnh (trên 50% về số lượt và số người, trên 65% về số vụ việc, 40% về số đoàn đông người). Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ phân tích làm rõ lý do của việc giảm này là do công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều đổi mới, hiệu quả cao hơn hay vì lý do nào khác để có giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, so với kỳ báo cáo năm 2021, tổng số đơn thư các loại giảm 4% nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước tăng 3,9%, trong đó đơn khiếu nại giảm 7% về số đơn nhưng tăng 5,3% về số vụ việc, đơn tố cáo tăng nhẹ cả về số đơn và số vụ việc; số lượng đơn thư do các Bộ, ngành trung ương tiếp nhận giảm rất mạnh (gần 50%), trong khi ở địa phương thì lại tăng đáng kể (hơn 11%). Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung, làm rõ nguyên nhân thực chất của việc thay đổi tích cực, có tính bước ngoặt về số đơn tiếp nhận ở các Bộ, ngành trung ương là do chất lượng công tác giải quyết đơn thư ở cả địa phương và các cơ quan trung ương được nâng lên dẫn đến người dân không tiếp tục khiếu nại tố cáo hay vì lý do khác để có giải pháp phù hợp, phát huy kết quả này.

Thảo luận về nội dung này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có nhiều nỗ lực, quyết tâm, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đổi mới, biện pháp chỉ đạo quyết liệt nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022. Những kết quả tích cực đạt được trong lĩnh vực công tác này đã góp phần duy trì sự ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Các đai biểu cơ bản nhất trí với những đánh giá, nhận định về tình hình khiếu nại, tố cáo, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp được nêu trong các Báo cáo của Chính phủ, , Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật. Báo cáo của các cơ quan được chuẩn bị nghiêm túc với nhiều số liệu cụ thể, có phân tích, so sánh với năm trước, cơ bản phản ánh đầy đủ tình hình và kết quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong kỳ báo cáo.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ, đánh giá sâu sắc hơn một số nội dung: Chỉ đạo tổng hợp, bổ sung, cập nhật số liệu về kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực phụ trách đầy đủ trong 12 tháng thuộc kỳ báo cáo để báo cáo Quốc hội theo đúng quy định. Đánh giá, làm rõ thêm về đặc điểm, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2022 và nguyên nhân; làm rõ việc tăng, giảm số lượng, số vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh so với năm 2021 và các năm trước, cả về số lượt, số người, số vụ việc, số đoàn khiếu kiện đông người đến trụ sở tiếp dân và các cơ quan nhà nước; phân loại, làm rõ những vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, những việc tồn đọng từ những năm trước, số vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài; chất lượng giải quyết tố cáo lần đầu, lần tiếp theo; kết quả tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do các cơ quan của Đảng, đoàn thể, Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, rà soát, bổ sung toàn diện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các tồn tại, hạn chế, trong đó cần làm rõ những giải pháp trọng tâm, then chốt, mang tính đột phá cần thực hiện ngay, những giải pháp cơ bản, lâu dài để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Có ý kiến đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo, có giải pháp quyết liệt, hiệu quả để giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, hạn chế tối đa việc phát sinh vụ việc mới gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao báo cáo cũng như kết quả công tác của Chính phủ, trong kỳ báo cáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, sự quyết tâm, các giải pháp, biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, những kết quả đạt được tương đối tích cực, đã góp phần duy trì sự ổn định của tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Minh Hùng