TỔNG THUẬT SÁNG 11/10: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023
Theo chương trình, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Toàn cảnh phiên họp
Cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022, đặc biệt là việc từng bước mở cửa phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, việc triển khai và tác động của chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các quyết sách của Quốc hội, việc điều hành của Chính phủ, việc thực hiện 15 chỉ tiêu Quốc hội giao đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh, tài chính, năng lượng, lương thực, kiểm soát lạm phát, triển nông nghiệp, công nghiệp; việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chất lượng nguồn nhân lực lao động việc làm; thực hiện các chính sách văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội; đấu tranh chống phòng tội phạm, đảm bảo an ninh quốc phòng; nhiệm vụ giải pháp cuối năm và để hoàn thành tốt nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về đánh giá bối cảnh tình hình trong nước và thế giới, căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong kế hoạch, tính toàn diện, đầy đủ, bao quát của các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu, các vấn đề. Ủy ban Kinh tế lưu ý trong báo cáo thẩm tra như việc tiếp tục triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, chỉ tiêu bác sĩ - giường bệnh trên số dân, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá triển khai các chính sách an sinh xã hội.
Đồng hành của Quốc hội và Chính phủ chưa bao giờ tốt như bây giờ, chưa bao giờ cấp bách mà gắn bó như bây giờ
Đánh giá tình hình của năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, trong năm, Quốc hội, Chính phủ cùng với các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai thực hiện rất quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, rất chủ động, tích cực trong việc triển khai nhiệm vụ. Nhiều nội dung Quốc hội đã rất chủ động đề nghị với Chính phủ trong việc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch và và những nội dung liên quan kinh tế - xã hội. Nếu như trước đây, thông thường phải đợi Chính phủ trình sang rồi Quốc hội mới xem xét thì nay có những vấn đề liên quan đến quốc tế, dân sinh, đến phục hồi phát triển kinh tế, những vấn đề thực tiễn nổi lên thì Quốc hội đã chủ động có những văn bản để đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo đúng thẩm quyền, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Cùng với đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022, với sự tham gia rất tích cực của các bộ, ngành, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan, những vấn đề thực tiễn đặt ra đều được chỉ đạo giải quyết. Từ đó, nước ta đã có những kết quả phấn khởi, tăng trưởng vượt kỳ vọng có thể đạt tới 8%, trong khi dự báo ban đầu chỉ khoảng 6% đến 6,5%. Đây là một điểm sáng rất đáng ghi nhận, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Có chung đánh giá, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết với những đặc thù của năm 2022, nước ta thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước với những kết quả rất tốt, với 13 kết quả nổi bật, vượt 6 chỉ tiêu, đạt 8 chỉ tiêu, chưa đạt 1 chỉ tiêu về tăng năng suất lao động do tác động nhiều mặt trong nước và quốc tế; đặc biệt là GDP tăng cao, dự kiến là tăng 8%; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, thu ngân sách tăng cao, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, chính trị xã hội ổn định, niềm tin vào đời sống của Nhân dân thì tăng lên. Nhất trí với các tồn tại, hạn chế báo cáo đã nêu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng Báo cáo đã bảo đảm tương đối đầy đủ, khái quát và cũng rất nghiêm túc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nhấn mạnh thêm về bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh và thực hiện mục tiêu kép. Đề nghị trong phân tích nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân kết quả đạt được cần làm rõ hơn sự lãnh đạo của Đảng, cả Trung ương, cả địa phương; sự tham gia của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vai trò của từng đại biểu, của Đoàn đại biểu Quốc hội, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trước đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân tích, trong xây dựng thể chế, lần đầu tiên là Quốc hội bố trí một kỳ họp bất thường để thông qua Nghị quyết về kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế; quyết định kế hoạch đầu tư công; dùng 1 luật sửa 9 luật và các luật đó đi vào thực hiện và có tác dụng ngay. Hay như trong việc quyết định giảm thuế xăng dầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gợi nhớ, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, ngày 30/8, Chính phủ trình và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để giảm thuế xăng dầu trong phiên họp thường kỳ tháng 9, tức là ngày 10/9 mới họp, nhưng Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách họp thẩm tra ngay trong tối và đến 31/8 Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và yêu cầu ký ban hành Nghị quyết về giảm thuế đối với xăng dầu trước ngày nghỉ lễ, từ đó góp phần giảm giá xăng dầu.
Từ thực tiễn hoạt động trên, đưa ra đánh giá về sự đồng hành, quyết liết của Quốc hội và Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: “Chưa bao giờ tốt như bây giờ, chưa bao giờ cấp bách mà gắn bó như bây giờ”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng ghi nhận về sự năng động của các địa phương, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội từ bài học chống dịch đưa vào bài học về điều hành kinh tế, cố gắng nêu ra được hoặc có phụ lục về một số địa phương, một số bộ, ngành làm tốt như Bắc Giang dù chịu tác động của dịch nặng nề nhưng tăng trưởng đạt hơn 23%; Khánh Hòa tăng trưởng cũng hơn 22%. Nêu ra như vậy để các địa phương thấy được động viên, những địa phương còn yếu kém có cách để vươn lên.
Phấn khởi nhưng không chủ quan
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh
Ghi nhận những kết quả đạt được, song theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh “chúng ta phấn khởi nhưng cũng không chủ quan” và đề nghị quan tâm một số vấn đề trong năm 2023. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh lưu ý về các các yếu tố rủi ro về suy giảm kinh tế và bất ổn tài chính thế giới đang hiện hữu như dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, nguy cơ của dịch đậu mùa khỉ, bất ổn thương mại thị trường tài chính toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng thế giới, những ngân hàng có tính chất toàn cầu, nguy cơ khủng hoảng năng lượng và lương thực, rủi ro nghĩa vụ nợ quốc gia do ảnh hưởng của lãi suất và tỷ giá ở các nước trên thế giới; cùng với đó là chi phí đẩy sẽ ảnh hưởng đến lạm phát của những tháng cuối năm và 6 tháng đầu năm 2023. Trên thế giới, các nền kinh tế lớn ở châu Âu, Mỹ, Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc đang phải đối diện với thách thức khó khăn, suy giảm kinh tế, tác động đến cán cân thương mại với Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Chính phủ bám sát quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị về không lơ là, chủ quan, không nóng vội nhưng cần phải bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, quyết liệt, nghiêm túc triển khai nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, ... chắc chắn vẫn còn phù hợp trong bối cảnh năm 2023 và các năm tiếp theo.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn nữa nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp đột phá đối với 04 vấn đề. Một là việc không đạt chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Hai là đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn. Ba là kết nối của doanh nghiệp trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài, lối ra cho việc tận dụng đầu tư nước ngoài để phát triển doanh nghiệp trong nước. Bốn là giải pháp cải thiện chất lượng FDI, thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ có sự tập trung trong các giải pháp tháo gỡ trước mắt và năm 2023 về tình trạng lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp ra nước ngoài; tình trạng giá xăng giảm mạnh song các mặt hàng thiết yếu hầu như giảm không đáng kể; công tác rà soát, kiểm tra việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc chuyển sang khu vực tư nhân; vấn đề tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục; thời điểm nâng mức học phí…
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; ghi nhận năm 2022 vượt qua khó khăn, thách thức kinh tế - xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Theo đó, GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83% dự kiến cả năm khoảng 8% đạt cận dưới về kỳ vọng tăng trưởng khi có gói chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình mục tiêu và chương trình phục hồi phát triển kinh tế -xã được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng; 14/15 chỉ tiêu đạt vượt kế hoạch; phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều giữa các địa phương; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ước cả năm; thu ngân sách nhà nước vượt cao so với dự toán…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Đồng thời, đề nghị Báo cáo cần phân tích rõ thêm phần nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của các thành tích. Trong đó đề cập tới vai trò lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ, chính quyền các cấp. Vai trò của đổi mới thể chế, giám sát, cải cách thủ tục hành chính, sự năng động của các ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số hạn chế, bất cập như sau tồn tại, cố hữu trong nội tại của nền kinh tế chậm được cải thiện cần quan tâm có giải pháp cụ thể, hiệu quả./.