LUẬT SƯ GIANG HỒNG THANH: CẦN CHÚ TRỌNG ĐẾN QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT ĐAI CỦA NGƯỜI DÂN

11/10/2022

Theo chương trình lập pháp, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Đóng góp ý kiến về dự án luật này, Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần chú trọng đến việc giải quyết các vướng mắc thủ tục hành chính tiến tới đơn giản hoá các thủ tục hành chính về đất đai cũng như chú trọng đến quyền được tiếp cận các thông tin liên quan đến đất đai của người dân.

ĐỀ XUẤT XEM XÉT LẠI VIỆC BẢO ĐẢM ỔN ĐỊNH QUY HOẠCH ĐẤT NÔNG NGHIỆP ĐÃ TẬP TRUNG 

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: PHẢI XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN NGUYÊN TẮC ĐỊNH GIÁ ĐẤT PHÙ HỢP, BẢO ĐẢM TÍNH ĐỘC LẬP 

Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh

Phóng viên: Theo chương trình lập pháp, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, Luật sư có đánh giá như nào sau gần 10 năm triển khai thực hiện?

Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh: Luật Đất đai 2013 đã có rất nhiều quy định đầy đủ, cụ thể về quản lý, sử dụng đất đai so với Luật cũ 2003, tạo điều kiện cho việc thực thi luật được đi vào thực tế dễ dàng, thuận lợi. Trên cơ sở Luật đất đai 2013, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất cũng được chi tiết hóa. Điều này giúp phát huy hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất trong thực tiễn đời sống, sản xuất kinh doanh.

Công tác quản lý hành chính về đất đai được chú trọng và quan tâm nhiều hơn. Cụ thể là quy trình, thủ tục về lĩnh vực đất đai được quy định rõ ràng, chi tiết, các bước được tinh giảm, thời gian được rút ngắn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Hệ thống hồ sơ địa chính tại các địa phương cũng được chú trọng hơn, các địa phương cũng đã và đang vận hành cơ sở dữ liệu địa chính nhằm tạo sự thống nhất thông tin giữa cơ quan hành chính nhà nước và người dân nhằm tối ưu hóa các công tác hành chính về đất đai. Các chính sách tài chính về đất đai, giá đất cũng ngày càng được hoàn thiện dựa trên nên tảng quy định tại Luật đất đai 2013. Từ đó góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, khuyến khích các cá nhân, tổ chức sử dụng đất một cách tiết kiệm và hiệu quả tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước.

Về việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính về đất đai được quy định cụ thể và liên kết chặt chẽ với quy định pháp luật liên quan như Luật khiếu nại, tố cáo, luật xử lý vi phạm hành chính, bộ luật tố tụng dân sự, bộ luật dân sự hiện hành. Từ đó, giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân đồng thời các công tác giải quyết được nhanh chóng, rõ ràng và minh bạch.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những bất cập tồn tại của Luật Đất đai 2013, chẳng hạn việc xác định giá đất theo quy định pháp luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức có đất bị thu hồi. Việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân khi có đất bị thu hồi tuy rằng đã có quy định cụ thể nhưng trên thực tế vẫn có nhiều bất cập chưa được giải quyết triệt để từ đó dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện còn nhiều. Công tác về đấu giá quyền sử dụng đất còn thiếu tính minh bạch, chính xác điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân có liên quan.

Phóng viên: Luật Đất đai được đánh giá là đạo luật quan trọng, phức tạp và có tác động đến mọi mặt trong đời sống và kinh tế - xã hội. Tuy vậy, đây cũng là đạo luật có tần suất sửa đổi khá nhiều. Theo Luật sư, vì sao tính ổn định của Luật Đất đai vẫn còn hạn chế như vậy?

Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh: Cần phải khẳng định rằng pháp luật nói chung và Luật đất đai nói riêng luôn đi sau sự phát triển của xã hội, hay nói cách khác là không thể lường hết được các tình huống, sự kiện xảy ra. Có thể trong văn bản luật đã có những quy định dự liệu được tương lai, nhưng điều đó không có nghĩa không phát sinh những sự kiện mới mà luật chưa quy định. Bên cạnh sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, xã hội, tính ổn định của Luật Đất đai tại Việt Nam còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khác, bao gồm từ quá trình xây dựng pháp luật, sự thay đổi của hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan... Dù rằng, Luật đất đai 2013 trong quá trình thực thi đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng so với sự phát triển nhanh chóng hiện nay thì quy định pháp luật đất đai trước đây sẽ có những điều khoản không đáp ứng được sự phát triển đó, dẫn đến sự thiếu ổn định của văn bản luật này.

Phóng viên: Luật sư có nhìn nhận tổng quan như thế nào về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này?

Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh: Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều, sửa đổi, bổ sung 153 điều, bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Luật đất đai (sửa đổi) có 10 nội dung đổi mới gồm có: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung hương và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng bảng giá đất; Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; Hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý sử dụng đất nông nghiệp; Quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mai dịch vụ; Đổi mới cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.

Có thể thấy những vấn đề được đề cập trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi đều là những vấn đề quan trọng cần được tập trung đổi mới nhằm tăng tính công khai, minh bạch, bình đẳng trong công tác quản lý và sử dụng đất. 

Phóng viên: Từ những mặt tích cực và bất cập đã chỉ ra, qua nghiên cứu, Luật sư quan tâm đến vấn đề nào của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022)?

Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh: Có lẽ không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người dân quan tâm đặc biệt đến chính sách xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Điều đó trước hết là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân mà Luật đất đai 2013 cũng như các văn bản trước đó đều chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, việc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường cũng làm minh bạch hóa, lành mạnh hóa công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, loại bỏ được tình trạng “thu thấp bán cao” – Nguyên nhân chính của tình trạng khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai hiện nay.

Ngoài ra, nội dung sửa đổi liên quan đến công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất cũng là vấn đề tôi quan tâm. Điều này giúp người dân được giải quyết các thủ tục hành chính đất đai một cách nhanh chóng, thuận lợi, giảm thời gian, công sức, tiền bạc khi thực hiện thủ tục này.

Phóng viên: Một số chuyên gia chỉ ra rằng, Chương II dự thảo Luật trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 09/2022 quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân với đất đai có tất cả 18 Điều nhưng lại dành 16 Điều quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước và chỉ có 02 Điều về quyền và nghĩa vụ của công dân, quan điểm của Luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh: Chương II dự thảo Luật trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 09/2022 quy định Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, Công dân đối với đất đai đã thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về sở hữu toàn dân đối với đất đai, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp, quyền của nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững, ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của Hiến pháp về sở hữu đất đai và quyền con người.

Điều 53 Hiến pháp năm 2013 và Điều 4 Luật Đất đai 2013 quy định đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đây là thành quả của mục tiêu cuộc đấu tranh cách mạng, giành chính quyền về tay nhân dân, Nhà nước nhân danh đại diện cho ý chí và quyền lợi của nhân dân. Khi xác định chế độ sở hữu đối với đất đai là thuộc về toàn dân, thực hiện chính sách “người cày có ruộng”, Nhà nước nắm vai trò quy hoạch, điều tiết, phân bổ lợi ích của loại tài nguyên đặc biệt là đất đai vì lợi ích của nhân dân là điều hiển nhiên phù hợp với đường lối của Đảng và đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013.

Cụ thể, dự thảo Luật đã bổ sung 01 mục mới (Mục 3) quy định về quyền và nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai, bao gồm: quyền tiếp cận đất đai, quyền tiếp cận thông tin đất đai, quyền tham gia, giám sát việc quản lý, sử dụng đất và các nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai nhằm thể chế quan điểm của Đảng về “Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững” và làm rõ nội hàm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” đã được khẳng định trong Hiến pháp. Theo tôi, phần mục 3 cần bổ sung và làm rõ thêm quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin, minh bạch thông tin, quyền được trả lời và xử lý các thủ tục hành chính đúng hạn; quyền được khiếu nại, tố cáo, các trường hợp khiếu nại, tố cáo, phương thức và thời gian, cơ quan tiếp nhận… như vậy sẽ nâng cao được quyền của người dân xuyên suốt quá trình sử dụng đất và thực hiện các thủ tục về quyền sử dụng đất trong thực tế.

Dự thảo quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân với đất đai có tất cả 18 Điều nhưng lại dành 16 Điều quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước và chỉ có 02 Điều về quyền và nghĩa vụ của công dân bởi lẽ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước bao quát và rộng hơn; Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai đồng thời thống nhất quản lý nhà nước về đất đai còn người dân chỉ với tư cách là chủ sử dụng đất.

Phóng viên: Để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tại lần sửa đổi này, theo Luật sư đâu là những nội dung trọng tâm cần chú trọng?

Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh: Luật Đất đai là bộ luật có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng, tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) dựa trên chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW sẽ là kim chỉ nam quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai để đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội.

Để hoàn thiện dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), tại lần sửa đổi này cần chú trọng đến việc giải quyết các vướng mắc thủ tục hành chính tiến tới đơn giản hoá các thủ tục hành chính về đất đai như: thủ tục cấp mới, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nghiêm chỉnh về thời hạn xử lý hồ sơ cấp đất và có các chế tài xử lý sai phạm mạnh tay hơn; thủ tục khiếu nại, giải quyết tranh chấp về đất đai… Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất, tăng khả năng tiếp cận đất cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư về đất cũng như tạo đà phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, chú trọng đến quyền của người dân được tiếp cận các thông tin liên quan đến đất đai như: Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; bảng giá đất đã được công bố; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; Thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong nỗ lực đơn giản hoá thủ tục hành chính đồng thời tránh nguy cơ phát sinh tham nhũng khi người dân không nắm được thông tin và giám sát nhà nước trong quản lý đất đai.

Phóng viên: Qua thực tiễn triển khai thực hiện gần 10 năm qua, Luật sư có kỳ vọng như nào trong lần sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW?

Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh: Cũng như đa số người dân, tôi kỳ vọng vào một bộ luật có thể bảo đảm quyền lợi của người dân một cách tối đa, giúp người dân an tâm, ổn định khi sử dụng đất. Bởi có “An cư” thì mới “Lạc nghiệp”.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Vũ Hà - Minh Thành

Các bài viết khác