TỔNG THUẬT SÁNG 11/10: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023
Toàn cảnh phiên họp
Phản ánh đầy đủ, khách quan, toàn diện tình hình và có điểm nhấn nội dung
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, năm 2022 có đặc thù đặc biệt và thành quả đạt được cũng đặc thù đặc biệt, do đó cách báo cáo của năm nay cũng có những khác biệt so với mọi năm. Bên cạnh đó, để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu, rà soát số liệu về tình hình cho chuẩn xác, thông nhất trong nhận định, đánh giá và thực tế. Nhấn mạnh số liệu báo cáo là linh hồn, là sự sống của nhận định, đánh giá và chủ trương tiếp theo, do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ các số liệu về tỷ trọng lao động trong nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, về tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị, về mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, về tỷ lệ xã chuẩn nông thôn mới vẫn đạt.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý bài học sâu sắc về giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định bao hàm cả văn hóa, quốc phòng, an ninh, xã hội và đối ngoại trong bối cảnh xung đột địa chính trị diễn biến phức tạp như hiện nay. Trong thế giới đầy biến động thì môi trường hòa bình, ổn định và bảo đảm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc là tiền đề, là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh yêu cầu báo cáo cần phản ánh một cách rất thực tiễn, khách quan, “không tô hồng cũng không bôi đen”. Bởi nếu tô hồng quá nhiều không nói thực tế ở địa phương, cơ sở thì đó là chưa cầu thị, chưa phản ánh đúng thực tế và ngược lại, nếu bôi đen quá thì cũng không được. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị cần phải nói thêm về tồn tại, khó khăn về việc giải gần vốn đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, việc triển khai Nghị quyết 43 về gói kích thích kinh tế về tài khóa, tiền tệ rất chậm, nhất là về tiền tệ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết trong đó thống nhất bù lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp để kích thích cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên thực tế hiện nay lại ngược lại. Lãi suất vay của ngân hàng có những gói doanh nghiệp phải vay tới 15%. Cùng với việc siết room tín dụng thì một số doanh nghiệp rất khó khăn trong tiếp cận vốn. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo Tổng Thư ký Quốc hội, việc các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai cũng chậm; tình trạng cháy nổ nghiêm trọng; quản lý thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tình trạng nghỉ việc của công chức, viên chức…là những vấn đề cần phải được nhắc đến.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Trên cơ sở các phân tích, đánh giá tình hình trên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị mỗi hạn chế, tồn tại được chỉ ra cần phải có giải pháp chỉ đạo mang tính cụ thể để giải quyết. Tổng Thư ký Quốc hội dẫn chứng như hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công chậm, cần làm rõ nguyên nhân và có giải pháp để thay đổi, phải gắn trách nhiệm. Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh phải có những giải pháp rất cụ thể để khả thi và tạo được sự thay đổi, còn nếu mãi là những giải pháp “tăng cường”, “đẩy mạnh”, “nâng cao” thì tình hình sẽ vẫn như vậy.
Cùng quan điểm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, các báo cáo này sẽ được trình bày công khai trước Quốc hội và được truyền hình trực tiếp để người dân được biết. Do đó ngoài để thảo luận trong Quốc hội thì các báo cáo còn có tính chất tuyên truyền và tạo cảm hứng cũng như tạo sự quan tâm, sự động viên, khích lệ Nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, các lực lượng toàn xã hội. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cân nhắc các thể hiện báo cáo vừa chặt chẽ, cân đối và có điểm nhấn nội dung để thể hiện tính quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội, Chính phủ dưới sự chỉ đạo Trung ương, Bộ Chính trị.
Khai thác hiệu quả tiềm năng, dư địa để tăng trưởng, phát triển
Liên quan đến các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn dư địa để đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của 3 tháng cuối năm để làm sao cả năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, bù đắp và đỡ gánh nặng cho những năm còn lại của nhiệm kỳ. Theo đó, nếu làm tốt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, gói phục hồi kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia và tiếp tục khai thác lợi thế trong lĩnh vực xuất khẩu thì tốc độ tăng trưởng của Quý 4/2022 vẫn có thể được đẩy cao hơn.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh
Đồng tình với các giải pháp của Chính phủ và các điểm nhấn trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, trước nhất là tiếp tục kiên trì, lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững làm căn cứ để đưa ra định hướng chính sách. Nhất quyết không vì mục tiêu tăng trưởng trước mắt mà hy sinh ổn định kinh tế vĩ mô; có tính toán đo lường kịch bản lạm phát để có các giải pháp phù hợp, thích ứng. Liên quan đến vấn đề phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, Trưởng Ban Công tác đại biểu quan tâm đến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý theo hướng thận trọng, hiệu quả; nhấn mạnh là tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý, an toàn nhưng đặc biệt chú trọng đến chất lượng tăng trưởng tín dụng để làm sao dòng vốn dẫn dắt được đến ngành sản xuất và xuất khẩu.
Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế và thủ tục để thực hiện tốt nhất giải ngân đầu tư công. Trong đó, cần quan tâm đến đầu tư cho các danh mục xây dựng hạ tầng chiến lược, cơ sở vật chất và công nghệ số để nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế và hướng tới mục tiêu tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam. Đề nghị với Chính phủ nhấn mạnh hơn về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển vùng; đẩy mạnh hơn chiến lược tổng thể ngành du lịch Việt Nam; quan tâm đến chất lượng giáo dục đại học, tiếp tục theo dõi, đánh giá sát chất lượng giáo dục tiểu học; cần phải quan tâm, đánh giá một cách thật khách quan tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc để có giải pháp phù hợp.
Cần phải có giải pháp mạnh mẽ giải quyết vướng mắc về thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cần phải rất tiếp tục chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch phù hợp với tình hình chung của thế giới và bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quan tâm giám sát chặt chẽ các dịch bệnh truyền nhiễm khác để chủ động có giải pháp ngăn chặn kịp thời. Đề nghị đánh giá kỹ lưỡng thực trạng chuyển dịch nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư hoặc thôi việc, bỏ việc, trong đó có ngành y tế. Từ đó đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài và chỉ đạo có bộ, ngành có liên quan nghiên cứu ban hành chính sách đặc thù hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền, nhằm đảm bảo quyền lợi đối với nhân viên y tế, nhất là nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chỉ đạo quyết liệt, khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, không để tiếp diễn xảy ra tình trạng người dân phải tự mua thuốc, vật tư y tế, bên cạnh đó cũng có giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp dược và sản xuất sản thuốc trong nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, khắc phục vướng mắc trong đầu tư các dự án thuộc ngành y tế và đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia như dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, hoặc đề xuất ứng xử đối với 2 dự án này. Chỉ đạo nghiên cứu lộ trình phù hợp, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp, có giải pháp khắc phục tình trạng bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ nhưng thu không đủ bù chi; khẩn trương tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và việc huy động nguồn lực xã hội, liên doanh, liên kết, thuê tài sản, đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Có cùng vấn đề quan tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng trong năm 2023 tới cần phải có giải pháp mạnh mẽ nhằm giải quyết vướng mắc trong đầu tư thuốc, vật tư y tế, nhằm chấm dứt tình trạng thiếu trang thiết bị vật tư.
Kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, năm 2023 dự báo có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó như tình hình kinh tế chính trị thế giới có biến động nhanh, phức tạp, bất định. Sản xuất, kinh doanh, sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt dòng tiền. Giá xăng dầu, vật tư đầu vào tăng cao, đã có tình trạng người dân hạn chế đầu tư, mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ sản xuất nông nghiệp; sản lượng khai thác thủy sản giảm; du lịch đối diện với nhiều thách thức, lượng khách quốc tế giảm; chất lượng lao động hạn chế. Tình hình xung đột Nga - Ukraine, đà suy giảm kinh tế, nguy cơ suy thoái tại Mỹ, EU, Trung Quốc và nhiều nước phát triển trở nên rõ ràng hơn. Lạm phát tăng cao kỷ lục ở một số nước. Rủi ro thu hẹp thị trường, đảo chiều của dòng vốn gia tăng, nguy cơ bất ổn định an ninh năng lượng, lương thực sẽ tác động tiêu cực đến nước ta do độ mở của nền kinh tế lớn. Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn khó khăn. Diễn biến dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh là những vấn đề cần hết sức lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như Chính phủ đã trình. Tuy nhiên, đề nghị thuyết minh rõ hơn căn cứ xác định một số chỉ tiêu, chỉ số, đồng thời, tiếp tục đề nghị tập trung thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Lưu ý theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn để triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá lại một số chính sách cho phù hợp với tình hình mới, ứng phó kịp thời với dịch bệnh, tháo gỡ các vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực hệ thống y tế, tăng cường khả năng điều trị bệnh. Tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao chất lượng lao động, năng suất lao động xã hội, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia, hệ thống các quy hoạch, sớm phê duyệt Quy hoạch Điện VIII.