CẦN QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ TRÊN CƠ SỞ XÁC ĐỊNH NHU CẦU THỰC TIỄN

18/10/2022

Qua các phiên tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri và nhân dân đã phản ánh hiều vấn đề liên quan đến tình trạng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư, hoặc thậm chí chuyển nghề. Đóng góp ý kiến về chính sách khôi phục, phát triển thị trường lao động y tế, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý cho rằng cần quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo nhân lực y tế trên cơ sở xác định nhu cầu thực tiễn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội

Qua các phiên tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri và nhân dân đã phản ánh hiều vấn đề liên quan đến tình trạng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư, hoặc thậm chí chuyển nghề. Đây cũng là vấn đề sẽ được bàn luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.

Đóng góp ý kiến về chính sách khôi phục, phát triển thị trường lao động y tế, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, trong phát triển thị trường lao động y tế, bên cạnh việc xây dựng khung khổ pháp lý thống nhất; xây dựng mạng lưới y tế đồng bộ trong toàn quốc; đầu tư nguồn lực tài chính một cách thỏa đáng để ngành y tế có thể làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Nhà nước còn phải xây dựng, đào tạo đủ và phân bổ hợp lý nguồn nhân lực cho ngành y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Theo các đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia, nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nguồn nhân lực y tế có đủ năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức… có vai trò quan trọng dẫn đến thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các chính sách của nhà nước trong lĩnh vực y tế có đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn hay không, việc thực hiện các chính sách ấy có hiệu quả hay không, có phát huy được tác dụng hay không… phụ thuộc phần lớn vào năng lực, phẩm chất, đạo đức của nguồn nhân lực y tế.

Cac đại biểu nghiên cứu tài liệu tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đội ngũ nhân lực y tế đa chuyên ngành, có chuyên môn tốt có khả năng cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao và lấy người dân làm trung tâm là vô cùng cần thiết để đáp ứng nhu cầu y tế đang thay đổi tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm và già hóa dân số. Trong những năm gần đây, khi dịch COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, nhận thức của các cấp lãnh đạo và của người dân về vai trò của nhân lực y tế càng được nâng cao hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, hiện nay, thị trường lao động y tế nước ta đang có sự phân bổ nguồn nhân lực mất cân đối, bất hợp lý theo vùng, miền, lĩnh vực. Số lượng bác sĩ chủ yếu tập trung tại tuyến huyện trở lên, số lượng làm việc tại các trạm y tế xã chỉ chiếm 15,1% tổng số bác sĩ. Đồng thời, số lượng bác sĩ cũng tập trung nhiều hơn ở các tuyến trên, đặc biệt là khu vực đồng bằng, tập trung dân cư.

Chất lượng nguồn nhân lực y tế ở tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Năng lực của cán bộ y tế, kể cả bác sĩ của tuyến xã yếu. Nhiều trạm y tế khang trang, không thiếu trang thiết bị nhưng cán bộ y tế nơi đây lại không biết sử dụng. Đây là vấn đề mà Nhà nước cần ưu tiên giải quyết trong những năm tới. Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ làm việc tăng hàng năm, nhưng bác sĩ ở tuyến xã đa phần là học tại chức, hoặc chuyên tu nên năng lực chuyên môn thấp. Tỷ lệ cán bộ y tế xã có kiến thức và kỹ năng đạt yêu cầu trong sơ cấp cứu, chẩn đoán và điệu trị một số bệnh, cũng như kiến thức về xử lý bệnh dịch rất hạn chế.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, có tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc và làn sóng chuyển việc từ khu vực công lập sang khu vực tư. Theo đó, hiện nay nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là sau hơn 02 năm phòng, chống dịch COVID-19.  Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế thống kê và báo cáo số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 01/01/2021 đến 30/6/2022, kết quả cụ thể như sau:

Trên cả nước, có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc (3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác). Trong đó có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.

Đưa ra một số giải pháp để phục hồi thị trường lao động y tế, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu cho rằng, cần quan tâm đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nhân lực y tế. Cụ thể, Nhà nước cần quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo nhân lực y tế trên cơ sở xác định nhu cầu thực tiễn. Đẩy mạnh tự chủ đại học để phát huy tính tự chủ, sáng tạo của các trường, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa. Cần có đánh giá, xác định chính xác nhu cầu về nhân lực y tế theo giai đoạn và hằng năm để xây dựng kế hoạch đào tạo kịp thời, phù hợp, không để cung vượt quá cầu hoặc cung không đủ cầu. 

Bên cạnh đó, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế (kiểm định chất lượng đào tạo, cải tiến chương trình, tài liệu giảng dạy, nâng cao năng lực giảng viên về giảng dạy và nghiên cứu…). Do đặc thù của ngành y với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, liên quan đến tính mạng con người, đòi hỏi Nhà nước phải giữ vững yêu cầu, chất lượng cao trong công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực y tế. Xây dựng năng lực về đào tạo lại/ đào tạo liên tục về lĩnh vực chuyên môn, chuyển giao công nghệ, cơ chế quản lý các chương trình đào tạo lại để tránh chồng chéo hoặc thiếu hụt, chú ý đào tạo lại đối với một số chuyên ngành: quản lý bệnh viện, y pháp, dự phòng…

Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, cần tạo cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực y tế. Sự phát triển của các cơ sở khám, chữa bệnh cả công và tư, đặc biệt là tại tuyến cơ sở, các khu vực vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa vừa là cơ hội việc làm cho nhân lực ngành y tế vừa là để đáp ứng cho nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, tạo điều kiện cho tất cả nhân dân được tiếp cận với dịch vụ y tế và được chăm sóc y tế.

Minh Hùng