PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ TÁM, ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI

14/11/2022

Cuối giờ chiều ngày 14/11, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ tám, cho ý kiến bước đầu về dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).

ỦY BAN TƯ PHÁP HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 7

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ Tám, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Tại phiên họp, các đại biểu nghe đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao trình bày tờ trình dự án Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi); nghe ý kiến nghiên cứu bước đầu của nhóm nghiên cứu (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) về dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Về sự cần thiết ban hành pháp lệnh, báo cáo nghiên cứu bước đầu của Nhóm nghiên cứu (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Hoàng Văn Liên trình bày khẳng định, qua tổng kết thi hành Pháp lệnh 09 và kết quả khảo sát tại một số địa phương cho thấy, nhiều quy định bất cập, hạn chế hoặc cần sửa đổi, bổ sung, quy định mới cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, các luật, pháp lệnh liên quan và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Báo cáo của Nhóm nghiên cứu cũng nêu một số nội dung còn ý kiến khác nhau nêu trong Tờ trình của cơ quan soạn thảo liên quan đến phạm vi sửa đổi, bổ sung dự thảo Pháp lệnh; phạm vi điều chỉnh của dự thảo pháp lệnh; bổ sung căn cứ hoãn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Theo đó, về phạm vi sửa đổi, bổ sung dự thảo Pháp lệnh, nhóm nghiên cứu tán thành với phương án thứ hai do cơ quan chủ trì soạn thảo nêu, trong đó sửa đổi cơ bản Pháp lệnh 09, bổ sung 5 điều mới. Ngoài 3 biện pháp xử lý hành chính, dự thảo Pháp lệnh còn bổ sung quy định điều chỉnh biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi.

Về bổ sung căn cứ hoãn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với quy định không mở rộng trường hợp được hoãn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng đối với người đủ điều kiện và đã đăng ký tham dự hoặc đang tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc phải tham gia thi tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cơ sở giáo dục nơi người đó học tập xác nhận. Theo nhóm nghiên cứu, Điều 111 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các căn cứ được hoãn chấp hành quyết định xử lý hành chính của Tòa án. Do đó, dự thảo Pháp lệnh không mở rộng thêm các trường hợp khác để đảm bảo phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về một số nội dung cụ thể của dự thảo Pháp lệnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Hoàng Văn Liên cho biết, để đảm bảo tiến độ và chất lượng dự thảo Pháp lệnh, Thường trực Ủy ban Tư pháp và Nhóm nghiên cứu đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo từ sớm, từ xa. Theo đó, cơ bản thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Pháp lệnh, tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung về thẩm quyền của Tòa án (Điều 3); thời hạn xem xét, quyết định (Điều 8); việc tham gia của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã đối với việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng; về tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; việc trừ thời gian tạm giữ hoặc quản lý vào thời hạn phải chấp hành quyết định…

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Thảo luận về dự thảo Pháp lệnh, đa số đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Về thời hạn xem xét quyết định, dự thảo Pháp lệnh quy định: Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ… Tòa án phải ra một trong các quyết định quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, đại biểu Lê Thanh Phong – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng việc sửa đổi là phù hợp, vì thực tiễn đối với các vụ việc thông thường, thời hạn giải quyết 15 ngày là quá ngắn, các Tòa án phải giải quyết khối lượng công việc lớn trong cùng một thời gian. Vì vậy, việc nâng thời hạn giải quyết từ 15 lên 20 ngày là phù hợp.

Đối với quy định về việc tham gia của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã đối với việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định người làm công tác cấp xã tham gia việc xem xét, quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng tại các điều khoản có liên quan của dự thảo Pháp lệnh để đảm bảo thống nhất với Luật trẻ em.

Về tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nhiều ý kiến đồng tình với quy định tạm đình chỉ việc xem xét quyết định trường hợp người bị đề nghị đủ điều kiện và đã đăng ký tham dự hoặc đang tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc phải tham gia thi tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cơ sở giáo dục nơi người đó học tập xác nhận. Quy định như vậy tạo điều kiện cho người bị đề nghị là người chưa thành niên được tham dự kỳ thi tốt nghiệp là một trong những mốc quan trọng trong cuộc đời, để sau đó có thể tiếp tục học tập, sớm trở thành người tốt cho xã hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc lại quy định này cho phù hợp để tránh bị lạm dụng trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, cần sửa lại một số thuật ngữ nhằm đảm bảo tính pháp lý để tránh cách hiểu khác nhau, áp dụng không rõ ràng, không thống nhất. Đồng thời, nội dung của pháp lệnh liên quan đến quyền con người, mang tính nhân văn cao vì vậy cần thiết kế câu chữ phản ánh được tính chất đặc biệt…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu kết thúc Phiên họp toàn thể lần thứ Tám

Phát biểu kết thúc Phiên họp toàn thể lần thứ Tám, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết đa số ý kiến đồng tình với Tờ trình về cần thiết sửa đổi Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Các ý kiến đã được ghi chép đầy đủ, Thường trực Ủy ban Tư pháp sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội cho ý kiến.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu điều hành Phiên họp toàn thể lần thứ 8.

Các đại biểu tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ Tám, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Thảo luận về dự thảo Pháp lệnh, đa số đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh góp ý vào dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa góp ý về sự tham gia của luật sư tham gia trợ giúp pháp lý.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu tại Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu kết thúc Phiên họp toàn thể lần thứ tám.

Lan Hương - Nghĩa Đức