DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): 107 ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐĂNG KÝ THẢO LUẬN

14/11/2022

107 Đại biểu Quốc hội đã đăng ký thảo luận tại Hội trường vào ngày 14/11 cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các vị ĐBQH đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là đạo luật quan trọng, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân.

TỔNG THUẬT SÁNG 14/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

TỔNG THUẬT CHIỀU 11/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

 

Toàn cảnh Phiên thảo luận

Phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai diễn ra sôi nổi, đã có 38 đại biểu phát biểu, có 07 đại biểu tranh luận, các vị ĐBQH đã đăng ký phát biểu do không đủ thời gian sẽ gửi văn bản góp ý. Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai để thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo không gian, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, khắc phục bất cập, hạn chế của luật hiện hành.

Theo đại biểu K` Nhiễu, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một đạo luật có tác động sâu sắc đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, cần thiết phải sớm sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá bày tỏ thống nhất rất cao với sự cần thiết phải sửa Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời, đánh giá cao công tác chuẩn bị rất công phu và đánh giá dự án luật lần này có nhiều điểm mới, đã tháo gỡ được nhiều bất cập từ thực tiễn thực hiện Luật Đất đai năm 2013, cụ thể hóa theo tinh thần Nghị quyết 18.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội rất hoan nghênh Quốc hội đã quyết định sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, vì cuộc sống đã thay đổi quá nhiều. “Luật Đất đai năm 2013 đã xuất hiện rất nhiều vấn đề không phù hợp. Chúng ta thấy đất đai là vấn đề mà nhân dân, cử tri phản ánh, than phiền, khiếu kiện nhiều nhất. Ở Việt Nam, hầu hết các tỷ phú giàu lên rất nhanh là nhờ đất hoặc liên quan đến đất. Nhiều vụ tham ô, tham nhũng lớn và rất lớn có liên quan đến xà xẻo đất đai đã nói lên sự cấp thiết phải sửa đổi luật này…”, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình

Phát biểu thảo luận, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình cũng nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Đất đai (sửa đổi), nhằm khắc phục những bất cập hiện hành trong quản lý, sử dụng đất đai và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa đất nước ta phát triển, có thu nhập cao. Đồng thời, đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, một số dự án luật phức tạp, phạm vi tác động rộng và vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tại Phiên thảo luận, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật như: Thể chế hóa rõ ràng, cụ thể hơn 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết 18/NQ-TW; rà soát phạm vi và đối tượng điều chỉnh; quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mối quan hệ vị trí của quy hoạch sử dụng đất trong hệ thống quy hoạch quốc gia; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án sử dụng đất; trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất; điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Nguyên tắc xác định phạm vi quỹ đất phụ cận, cơ chế cho phép tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư để thực hiện các dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phát triển quỹ đất; tài chính về đất đai, giá đất, nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất, bảng giá đất. Cụ thể, hội đồng thẩm định giá đất, quỹ phát triển đất, ngân hàng đất nông nghiệp, xử lý chênh lệch về địa tô, cơ chế tự thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Thanh tra, kiểm tra và giải quyết các tranh chấp về đất đai.

Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý vào chế độ sử dụng đất, tập trung và tích tụ đất nông nghiệp, đất sử dụng đa mục đích; đất nông, lâm trường; đất xây dựng công trình ngầm, đất xây dựng công trình trên không; đất dành cho lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, đất tôn giáo, tín ngưỡng. Hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Việc chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất hằng năm. Tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác, quy định để dẫn chiếu, kết nối với các luật có liên quan. Rà soát các quy định áp dụng luật, điều khoản thi hành.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu thảo luận và tranh luận và vấn đề xác định giá đất. Theo đại biểu, Đoàn Thị Hảo, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, việc bỏ quy định khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá thị trường là bước đột phá về tư duy và mang ý nghĩa lịch sử. Đại biểu đề nghị, giải thích rõ cụm từ "phù hợp với giá trị thị trường" tại điểm c khoản 1 Điều 163, vì hiện nay việc xác định giá đất phù hợp với giá thị trường gặp nhiều khó khăn, do cơ sở dữ liệu về giá đất chưa đầy đủ, giá đất luôn biến động. Ngoài ra, đại biểu đề nghị, cần có phương pháp để xây dựng giá trị bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan trong xác định giá đất; cần quy định cơ chế hoạt động độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất và các thành viên của Hội đồng thẩm định; bổ sung quy định tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trung ương trong định giá đất;…

Đoàn Thị Hảo, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Cho ý kiến về nội dung này đại biểu Trần Đình Văn, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng lưu ý, dự thảo luật sửa đổi cần có định nghĩa giải thích về khái niệm “giá trị thị trường của quyền sử dụng đất”, làm căn cứ xây dựng, thực hiện các chính sách quản lý. Đại biểu tỉnh Lâm Đồng đề nghị, cần xem xét bổ sung, phân biệt khái niệm về giá cả thị trường và giá trị thị trường của quyền sử dụng đất. Theo đó, giá cả thị trường của quyền sử dụng đất là giá mua bán, trao đổi, người mua và người bán thỏa thuận với nhau khi mua bán, trao đổi quyền sử dụng đất trên thị trường. Giá cả thị trường của đất đai phụ thuộc vào giá trị thị trường của loại đất đó và các yếu tố cá nhân riêng của người mua, người bán khi thực hiện giao dịch về đất đai.

Cũng theo đại biểu Trần Đình Văn, dự thảo luật chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá đất, trong khi đây là một nội dung có ý nghĩa then chốt quyết định đến việc xác định được giá đất theo nguyên tắc thị trường. Đề nghị có quy định mang tính nguyên tắc trong dự thảo luật về phương pháp xác định giá đất cụ thể, để đảm bảo khi xác định giá đất theo phương pháp nào thì cũng ra kết quả phù hợp với giá thị trường.

Để xác định giá đất phù hợp với giá thị trường, đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần phải quy định, thể chế thật kỹ về tiêu chí, các điều kiện, các căn cứ về cơ sở pháp lý, căn cứ vào thực tiễn. Ngoài ra, quy định cụ thể về  Hội đồng định giá, các thành phần,… để đảm bảo định giá sát với giá thị trường.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội nhấn mạnh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương nêu rõ "giá đất nhà nước quyết định phải phù hợp với giá đất thị trường". Nhất trí với thiết kế của dự luật là bỏ khung giá đất và trao quyền quyết định bảng giá và mức giá cụ thể hàng năm cho chính quyền các địa phương, đại biểu đề nghị, cần phải phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn định giá và Hội đồng thẩm định giá và quyền quyết định thuộc về Ủy ban nhân dân….

Tại Phiên thỏa luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã phát biểu giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh các ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý đều hết sức tập trung, phong phú, là những nội dung hết sức cốt lõi, quan trọng của dự thảo Luật. Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định các ý kiến của đại biểu Quốc hội được ghi chép đầy đủ cụ thể là cơ sở để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục được hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thảo luận vào kỳ họp tháng 5/2023 và dự kiến thông qua với quy trình 3 kỳ họp./.

Lê Anh