CHỦ TỊCH THƯỢNG VIỆN PHÁP THỰC HIỆN ''LỜI HỨA'' VỚI VIỆT NAM
CHỦ TỊCH THƯỢNG VIỆN CỘNG HÒA PHÁP GÉRARD LARCHER ĐẾN HÀ NỘI, BẮT ĐẦU CHUYẾN THĂM CHÍNH THỨC VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Lễ đón chính thức Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher thăm chính thức Việt Nam
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher và Đoàn đại biểu Thượng viện Pháp đã đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước ta từ ngày 8-9/12/2022.
Tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Lễ đón Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher và Đoàn đại biểu Thượng viện Pháp. Ngay sau Lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher.
Cùng dự hội đàm, phía Việt Nam có: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị hữu quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher
Tạo dấu mốc trong thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nồng nhiệt hoan nghênh Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher và các vị Nghị sĩ Thượng viện Pháp thăm chính thức Việt Nam. Nêu rõ, chuyến thăm là hoạt động đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Pháp kể từ khi hai nước bắt đầu nối lại các hoạt động trao đổi trực tiếp sau đại dịch COVID-19, là sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp và giữa hai nước. Khẳng định, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh bước sang năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973 - 2023) và 10 năm ngày hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược (2013 - 2023), Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là dịp để hai bên cùng điểm lại những kết quả đã đạt được trong quan hệ song phương và phương hướng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp trong thời gian tới. “Kết thúc một giai đoạn sẽ mở ra một giai đoạn mới tươi sáng hơn cho quan hệ hai nước nói chung và hai cơ quan lập pháp nói riêng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bày tỏ vui mừng trước sự đón tiếp nồng nhiệt, chu đáo, thân tình của Quốc hội Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Quốc hội dành cho Đoàn, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher cảm ơn lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lấy làm tiếc khi không thể đến thăm Việt Nam sớm hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến nhịp giao lưu, trao đổi đoàn của hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giới thiệu đến Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher về Phòng Truyền thống tại Nhà Quốc hội
Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher chia sẻ, không chỉ cá nhân mình mà cả người tiền nhiệm cũng đều dành nhiều tình cảm đối với Việt Nam. Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher cho biết, đây là chuyên thăm đầu của một Chủ tịch Thượng viện Pháp đến Việt Nam từ năm 2008 đến nay. Đây cũng là chuyến thăm châu Á đầu tiên của cá nhân Chủ tịch Thượng viện Pháp từ đầu nhiệm kỳ. Khẳng định Việt Nam có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp trong tất cả các lĩnh vực. Việt Nam cũng có vị trí quan trọng trên trường quốc tế nhất là trong bối cảnh có nhiều thách thức, xung đột, căng thẳng ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larchern nêu rõ, hợp tác nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Pháp được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận được ký kết từ năm 2003, tạo nền tảng cho hai bên trao đổi thường xuyên trên nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch Thượng viện Pháp cũng cho rằng trong bối cảnh mới, tình hình mới, hai bên có thể tăng cường trao đổi, hợp tác nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực như thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, năng lượng, y tế, giao lưu học tập chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và hoạt động Quốc hội. Đồng thời khẳng định Thượng viện Pháp chia sẻ với các mục tiêu của Quốc hội Việt Nam và sẵn sàng trao đổi hợp tác trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm như lập pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, nâng cao tính chuyên nghiệp của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher tại hội đàm
Bên cạnh đó, Chủ tịch Thượng viện Pháp cũng cho biết với vai trò là đại diện cho các chính quyền địa phương của Pháp theo Hiến pháp Cộng hòa Pháp, do đó một trong những trọng tâm hoạt động của Thượng viện Pháp là ủng hộ các hoạt động động hợp tác phi tập trung hay còn gọi là hợp tác giữa các địa phương hai nước.
Chủ tịch Thượng viện Pháp cho rằng hai bên cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương bởi nhu cầu của hai bên là rất lớn. Dự kiến vào tháng 4/2023, Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị hợp tác giữa các địa phương hai nước Pháp – Việt lần thứ 12 sẽ là cơ hội để hai bên tăng cường một cách mạnh mẽ trong lĩnh vực hợp tác đặc trưng này của quan hệ hai nước. Chủ tịch Thượng viện Pháp mong muốn trong chuyến thăm Việt Nam lần này, hai bên cùng nhau đưa ra các đề xuất, biện pháp để góp phần thúc đẩy hợp tác địa phương hai nước và cho biết sau khi trở về nước sẽ truyền tải thông điệp này đến các địa phương của Pháp.
Nhấn mạnh rằng Việt Nam đóng vai trò lớn ở ASEAN. Vào năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Pháp đã chính thức trở thành đối tác phát triển của ASEAN. Cùng với đó việc duy trì ổn định của khu vực, tự do hàng hải, hợp tác kinh tế cũng là những lĩnh vực phía Pháp quan tâm. Chủ tịch Thượng viện Pháp chia sẻ thêm rằng các doanh nghiệp Pháp mong muốn đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam nhất là từ khi có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Do đó, hai bên có thể trao đổi tiềm năng thúc đẩy áp dụng hiệp định này.
Toàn cảnh hội đàm
Chủ tịch Thượng viên pháp một lần nữa khẳng định năm 2023 sẽ là dịp có ý nghĩa trong quan hệ ngoại giao của hai nước, hai cơ quan lập pháp. Tới đây hai bên sẽ chứng kiến Lễ khởi động các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp là dịp để cùng nhau trao đổi nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn.
Thống nhất những ưu tiên hợp tác phát triển và chia sẻ những quan tâm chung
Chia sẻ với các ý kiến của Chủ tịch Thượng viện và Đoàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Pháp - một trong những cường quốc hàng đầu ở Châu Âu và có vai trò quan trọng ở khu vực và trên trường quốc tế. Việt Nam mong muốn làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Pháp cả trên kênh chính đảng, ngoại giao nghị viện, Chính phủ và đặc biệt là giao lưu văn hóa, giao lưu Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Quốc hội sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch Thượng viện thúc đẩy quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp; mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ tin cậy và đối tác chiến lược giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội đàm
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lời cảm ơn Nghị viện, Chính phủ cùng Nhân dân Pháp đã tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt tại Pháp làm ăn, sinh sống và trở thành một bộ phận đóng vai trò quan trọng ở Pháp; cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của Pháp với Việt Nam về vaccine, vật tư y tế qua đó giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế - xã hội; cảm ơn sự hỗ trợ của Pháp trong đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ bác sỹ, chuyên gia y tế - lực lượng tiên phong, tuyến đầu chống dịch của Việt Nam.
Để tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong hợp tác chính trị - ngoại giao, hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là Lãnh đạo cấp cao; phối hợp thúc đẩy các vấn đề mà hai bên quan tâm tại những diễn đàn đa phương, đặc biệt là các diễn đàn giữa ASEAN và EU. Đề nghị Pháp và EU tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề biển Đông, tăng cường vai trò trong việc đảm bảo tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Việt Nam mong muốn thắt chặt và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với lưỡng viện Pháp, cả Thượng viện và Hạ viện; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ở các cấp, giữa các Ủy ban chuyên môn của hai cơ quan lập pháp, hai Nhóm nghị sỹ hữu nghị ở mỗi nước, Nhóm Nữ nghị sĩ, Nhóm Nghị sỹ trẻ. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thêm, Quốc hội Việt Nam đang xem xét sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược; dự kiến xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế và xây dựng mới Luật về trang thiết bị y tế. Chủ tịch Quốc hội mong muốn phía Thượng viện Pháp quan tâm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về những vấn đề này.
Các đại biểu Việt Nam tại hội đàm
Cùng với đó, Quốc hội Việt Nam có 63 Đoàn đại biểu Quốc hội ở 63 tỉnh/ thành trong cả nước. Theo Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cơ quan thường trực của Quốc hội có trách nhiệm và thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các địa phương. Do đó, Quốc hội Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa các địa phương Pháp và Việt Nam không chỉ ở chính quyền mà ở cả cơ quan dân cử địa phương.
Nhất trí với Chủ tịch Thượng viện Pháp về hợp tác địa phương hai nước, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nhân dịp hai nước tổ chức Hội nghị hợp tác giữa các địa phương hai nước Pháp – Việt lần thứ 12 dự kiến vào tháng 4/2023 thì nghị viện hai nước cũng tăng cường các hoạt động hợp tác, giao lưu các đại biểu dân cử… song hành với sự kiện này.
Nhất trí tăng cường mạnh mẽ lĩnh vực hợp tác đặc thù và khai thác tối đa tiềm năng
Tại hội đàm, hai Chủ tịch đã thống nhất và chia sẻ cùng nhau về tiềm năng hợp tác hai nước, hai cơ quan lập pháp, những vấn đề quan tâm chung để đẩy mạnh trao đổi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Hai bên nhất trí phát huy vai trò của cơ quan lập pháp mỗi nước trong thúc đẩy Chính phủ thực hiện các cam kết, các chương trình hợp tác đầu tư, giám sát thực hiện các dự án trọng điểm; ủng hộ lẫn nhau và phát huy vai trò của mỗi nước trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Nhất trí cùng nhau tăng cường trao đổi thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược và cùng mở ra giai đoạn hợp tác phát triển mới của hai nước, hai Quốc hội.
Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher tại hội đàm
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, nêu rõ đây làm một trong những trụ cột hợp tác chiến lược của hai nước, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh với Pháp thông qua tăng cường trao đổi tiếp xúc ở các cấp, dưới nhiều hình thức; tăng cường hơn nữa hợp tác trao đổi chiến lược theo cơ chế phù hợp; triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác chuyên ngành đã ký; tiếp tục thúc đẩy những nội dung, lĩnh vực mới như về hợp tác trao đổi và bảo vệ thông tin mật, nghiên cứu bệnh nhiệt đới...
Nhấn mạnh mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống, ứng phó với biến đổi khí hậu, ủng hộ và đánh giá cao vai trò của Pháp trong triển khai Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ tại COP 26, Việt Nam đưa ra cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với mục tiêu đó, các vấn đề về hợp tác chuyển đổi số, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng là những vấn đề Việt Nam có nhu cầu rất lớn. Cùng với đó, chủ quyền số, niềm tin số, an ninh an toàn hệ thống mạng quốc gia là những vấn đề Việt Nam mong muốn được học tập, chia sẻ kinh nghiệm của Pháp, nhất là những vấn đề mang tính toàn cầu.
Về kinh tế, thương mại và đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai bên cùng tăng cường thúc đẩy hợp tác song phương, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch theo hướng khai thác tối đa những lợi ích từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Các đại biểu Thượng viện Cộng hòa Pháp tại hội đàm
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, sau đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam có sự phục hồi mạnh mẽ, dự báo cả năm 2022 tăng trưởng 8,5% là mức cao trong khu vực và thế giới. Đặc biệt kiểm soát lạm phát dưới 4%. Kim ngạch xuất khẩu vượt qua mộc 700 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với EU cũng như với Pháp chưa phát huy được hết tiềm năng, chưa thực sự khai thác triệt để những lợi ích mà EVFTA mang lại. Bày tỏ “sốt ruột” trước thực tế này, Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai bên sớm tháo gỡ những rào cản, tạo thuận lợi thương mại, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng để từ đó đưa quan hệ hợp tác kinh tế Việt – Pháp ngày càng phát triển thực chất và hiệu quả ở cả Trung ương và giữa các địa phương hai nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chủ tịch và Thượng viện Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) với những cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư, cùng với những cam kết quan trọng về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ nhằm tăng cường thu hút đầu tư hai bên. Cùng với đó là cùng nhau xử lý những tồn đọng phát sinh, đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư do Pháp tài trợ tại Việt Nam; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Thượng viện và thúc đẩy Chính phủ trong thực hiện các dự án trọng điểm.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chủ tịch Thượng viện và Thượng viện Pháp ủng hộ, thúc đẩy Uỷ ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với Việt Nam. Cho biết thời gian qua, phía Việt Nam đã nỗi lực trong sửa đổi pháp luật và tổ chực thực thi nghiêm minh trong lĩnh vực này, do đó, mong muốn phía EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng, giúp thúc đẩy trao đổi thương mại hai bên.
Về giáo dục - đào tạo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Pháp tăng số lượng học bổng du học tại Pháp cho sinh viên, thực tập sinh Việt Nam nhằm giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo điều kiện tổ chức các đoàn học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh đi giao lưu, trao đổi học tập tại Pháp. Nhấn mạnh rằng, hợp tác giáo dục không chỉ giúp đào tạo nguồn nhân lực còn là sợi dây văn hóa, nhịp cầu hữu nghị kết nối hai dân tộc, hai đất nước.
Về văn hóa, du lịch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Pháp tạo điều kiện thuận lợi tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa của Việt Nam tại Pháp và dự án cải tạo Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp; hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tham gia các sự kiện du lịch do phía Pháp tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Được biết, trong chương trình hoạt động tại Việt Nam, Chủ tịch Thượng viện Pháp đã có ghé thăm cầu Long Biên – biểu tượng trong quan hệ Việt – Pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phía Pháp quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong việc cải tạo cầu Long Biên trở thành cầu đi bộ, trở thành không gian văn hóa ở Hà Nội.
Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher thăm cầu Long Biên
Sớm nghiên cứu, xem xét ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước
Về hợp tác nghị viện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các ủy ban nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin về hoạt động nghị viện mỗi nước; tiếp tục phát huy cơ chế tham vấn và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương như IPU, ASEP, APF. Khẳng định, dư địa hợp tác hai nước, hai Quốc hội là rất lớn, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng chắc chắn rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Pháp trở thành dấu mốc làm sâu sắc, toàn diện, hiệu quả và thực chất hơn nữa quan hệ hai nước, hai Quốc hội.
Nhất trí với những đề xuất cụ thể của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher mong muốn hai bên cùng vượt qua thăng trầm lịch sử, xây dựng tương lai. Chia sẻ có chung mong muốn trùng tu, tôn tạo cầu Long Biên – cây cầu di sản để làm vững chắc mỗi nhịp cầu như nhịp kết nối hai đất nước, Chủ tịch Thượng viện Pháp nhấn mạnh ý chí, mong muốn chung đã có và điều quan trọng và cần làm lúc này là hai nước bắt tay vào cùng thực hiện các công việc cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Nhất trí các vấn đề trong hợp tác đa phương, Chủ tịch Thượng viện Pháp nêu rõ Pháp ủng hộ Việt Nam trong việc đề cao Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng pháp luật quốc tế. Chia sẻ thêm rằng trong bối cảnh châu Âu gặp nhiều khó khăn do xung đột địa chính trị, chiến tranh nên đây cũng là thời điểm quan trọng để tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh ý nghĩa của hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng Hiến chương liên hợp quốc và pháp luật quốc tế. Đồng thời khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam trong đảm bảo tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cho biết thêm những vấn đề Việt Nam quan tâm cũng là những nội dung hiện nay Thượng viện Pháp trao đổi nhiều như về năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân dân sự, kết nối hệ thống năng lượng quốc gia hướng đến phát triển đa dạng các nguồn để tự chủ về năng lượng; tăng cường hợp tác giao dục, trao đổi học sinh, sinh viên, trao đổi giải quyết các vấn đề về y tế, bệnh viện và nhiều lĩnh vực khác. Do đó, Chủ tịch Thượng viện Pháp đề xuất hai bên cùng nhau thảo luận, xem xét để có thể ký mới thỏa thuận hợp tác hai Quốc hội thay thế cho thỏa thuận đã có từ năm 2003. Đồng thời hai Quốc hội cần tăng cường phối hợp trao đổi trước thềm các sự kiện, diễn đàn nghị viện đa phương để cùng nhau thể hiện vai trò lớn hơn, mạnh mẽ hơn trong các quyết định mang tính quốc tế.
Chủ tịch Thượng viện Pháp
Nhân dịp này, Chủ tịch Thượng viện Pháp đã gửi lời mời Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sớm dành thời gian thăm chính thức Pháp, lưỡng viện Pháp.
Vui vẻ nhận lời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ cùng các cơ quan của Việt Nam sắp xếp, bố trí thời gian thích hợp để có thể thăm chính thức Pháp để cùng nhau trao đổi về những lĩnh vực ưu tiên, cập nhật sửa đổi thỏa thuận hợp tác 2003 phù hợp hơn với tình hình mới, thúc đẩy hợp tác toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp, vì lợi ích thiết thực của người dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của mỗi nước, của khu vực và thế giới.
* Trước đó, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher cùng các nghị sỹ đã thăm Phòng Truyền thống Nhà Quốc hội, ký sổ lưu niệm.
Sau hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher dự Lễ khởi động các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp.
Một số hình ảnh tại Lễ đón và hội đàm:
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chào đón Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher tại Nhà Quốc hội
Hai Chủ tịch giới thiệu các đại biểu hai bên
Chủ tịch Thượng viện Pháp ký sổ lưu niệm tại Phòng Truyền thống, Nhà Quốc hội
Các đại biểu sau Lễ khởi động các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp
Chủ tịch Thượng viện Pháp rời Nhà Quốc hội để tiếp tục các hoạt động trong chương trình hoạt động tại Việt Nam