CỬ TRI KỲ VỌNG VỀ XÂY DỰNG PHÙ HỢP MỘT THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH VÀ NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ
Phóng viên: Ông/ bà có đánh giá như thế nào về quy mô và sự cần thiết của Hội thảo? Ông/bà có kỳ vọng gì ở Hội thảo Văn hóa 2022 năm nay?
Nhà báo Nguyễn Thu Sâm – Trưởng Ban Phóng viên Báo Văn Hoá (Cơ quan ngôn luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Nhà báo Nguyễn Thu Sâm – Trưởng Ban Phóng viên Báo Văn Hoá (Cơ quan ngôn luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Kể từ sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc được tổ chức vào tháng 11/2021 và sau lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến về nhận thức và hành động để quan tâm đầu tư nhiều hơn cho văn hoá. Ví dụ cụ thể như Hà Nội, lần đầu tiên đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hoá hay như Bắc Ninh lần đầu tiên tổ chức Hội nghị văn hoá toàn tỉnh; tỷ trọng đầu tư cho văn hoá cũng được nâng cao hơn so với trước.
Dù có nhiều tiến bộ tích cực nhưng để văn hoá thực sự được đầu tư ngang hàng với chính trị, kinh tế - xã hội, tôi cho rằng, chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa. Việc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội thảo Văn hoá 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” là rất cần thiết và có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta đang đề cao vai trò của văn hoá – “sức mạnh mềm” cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Về quy mô, tôi nhận thấy, Hội thảo có sự tham gia của gần 1000 đại biểu tham dự trực tiếp và được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp chủ trì. Nếu tôi nhớ không nhầm trong khoảng vài chục năm trở lại đây, đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức một Hội thảo với quy mô lớn như vậy về văn hoá. Việc Chủ tịch Quốc hội trực tiếp chủ trì cũng cho thấy Quốc hội thực sự đánh giá cao vai trò, vị trí của văn hóa và khẳng định những nỗ lực của Quốc hội trong việc đưa Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước, để văn hoá thực sự trở thành pháp luật, góp phần làm nên sức mạnh nội sinh, nền tảng cho sự phát triển bền vững đất nước.
Một điểm đáng ấn tượng nữa tại Hội thảo Văn hóa 2022 lần này là dự kiến trực tiếp được livestream trên các nền tảng số của Truyền hình Quốc hội Việt Nam, cũng như tổng thuật trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam. Các tuyến bài tuyên truyền về Hội thảo được cập nhật, công khai rất sớm trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội cũng như Trang web chính của Hội thảo. Điều đó cho thấy Quốc hội thực sự cởi mở, muốn lan toả những thông điệp tích cực từ Hội nghị này tới toàn thể cử tri và nhân dân cả nước. Cũng như trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 4 vừa qua. Tôi cho rằng, điều đó sẽ giúp cho những chủ trương, đường lối, những nội dung của Kỳ họp hay Hội thảo Văn hóa 2022 được tiếp cận gần hơn, nhiều hơn tới đông đảo bạn đọc, thể hiện tinh thần dân chủ, minh bạch và gần gũi với truyền thông trong hoạt động của Quốc hội.
Dưới góc độ của một nhà báo, tôi mong muốn với một Hội thảo mở đầy ý nghĩa về văn hóa như thế này, giới báo chí sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp một cách tối đa, chẳng hạn như các thành viên của Ban tổ chức Hội thảo sẽ cởi mở hơn để sẵn sàng trả lời các câu hỏi của báo chí. Gương mặt tiêu biểu có thể thấy rõ nhất là PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Phó Trưởng Tiểu ban nội dung của Hội thảo). Anh ấy đã sớm có những bài trả lời phỏng vấn và những bài viết lý luận rất hay, sâu sắc về văn hóa trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam. Qua đó, giới báo chí chúng tôi có thể khai thác, tiếp nhận và được truyền cảm hứng về những nội dung, chủ đề của Hội thảo.
Ngoài ra, tôi mong rằng, việc cung cấp tài liệu, hình ảnh liên quan đến Hội thảo Văn hóa 2022 cho các phóng viên thông qua các kênh truyền thông chính thống của Quốc hội cũng cần được thực hiện sớm để kịp thời tuyên truyền tinh thần của Hội nghị tới đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.
Nhà báo Thu Trang, Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam
Nhà báo Thu Trang, Kênh truyền hình Quốc Phòng Việt Nam: Hội thảo văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” dự kiến được tổ chức vào một thời điểm hết sức có ý nghĩa khi chúng ta đang nỗ lực triển khai tinh thần kết luận Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, là dịp để chúng ta củng cố quyết tâm, có thêm hành động cụ thể, phù hợp hơn với bối cảnh mới. Các chủ đề của hội thảo đề cập đến 3 vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển văn hóa là thể chế, chính sách và nguồn lực.
Tôi mong rằng tại Hội thảo về văn hóa lớn như thế này sẽ gỡ được bài toán khó về mức đầu tư cho văn hóa. Một câu chuyện mà chúng ta đã nói rất nhiều là cần đầu tư cho văn hóa xứng tầm, ngang hàng với kinh tế và chính trị. Nhưng để thực hiện được, nhất định chúng ta phải có sự vào cuộc của Quốc hội để gỡ những điểm nghẽn về pháp lý. Từ khoá IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 30 ngày 20/7/2004 về đầu tư văn hoá trong đó có mục tiêu tăng đầu tư cho văn hoá, phấn đấu đến năm 2010, ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách Nhà nước nhưng cuối cùng mục tiêu trên vẫn chưa đạt được. Tôi mong rằng, sau Hội thảo Văn hóa 2022, sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ về pháp lý, để đầu tư cho xứng tầm cho văn hóa, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Để chuẩn bị một Hội thảo lớn như vậy, Ban tổ chức trong giai đoạn này chắc chắn cũng rất bận rộn trong công tác chuẩn bị hậu cần, nội dung… Tuy nhiên, để có thể tạo điều kiện cho giới báo chí tiếp cận các thông tin về Hội thảo, tuyên truyền sâu rộng sự cần thiết và ý nghĩa của Hội thảo, tôi mong muốn Ban tổ chức cung cấp thêm nhiều bài luận, bài viết hay từ các chuyên gia về lĩnh vực văn hóa lên các kênh truyền thông chính thức của Hội thảo như Cổng Thông tin điện tử Quốc hội hay Trang thông tin chính thức của Hội thảo.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Báo Vietnamnet
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Báo Vietnamnet: Hội thảo Văn hóa 2022 với quy mô lên đến gần 1.000 đại biểu tham dự trực tiếp, có thể thấy đây là một trong những hội thảo quy mô rất lớn đối với những người làm văn hóa. Điều này cho thấy tầm vóc và tính chất quan trọng của sự kiện này.
Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm, tạo điều kiện nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội. Tuy vậy, thực tế cho thấy công tác quản lý văn hóa ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề thể chế. Tại nhiều địa phương, nhận thức của người dân và chính quyền về tầm quan trọng của văn hóa cũng như việc bảo vệ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn chưa được quan tâm đúng mức. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy thông qua một số vụ việc việc các di tích bị xâm phạm một cách ngang nhiên dưới danh nghĩa trùng tu, cụ thể như vụ các tấm bia ma nhai ở Thanh Hóa bị tô vẽ, thậm chí khoan đục khiến dư luận bức xúc thời gian gần đây.
Tôi hi vọng tại Hội thảo Văn hóa 2022 lần này, các nhà khoa học, các nhà làm chính sách sẽ đưa ra nhiều ý kiến, đóng góp để hoàn thiện hơn nữa các quy định về việc bảo vệ và trùng tu di sản, cũng như làm rõ trách nhiệm của những người có hành vi xâm phạm các di sản văn hóa. Bên cạnh đó, từ hiệu ứng của câu chuyện về chiếc ấn Hoàng Đế Chi Bảo, tôi mong muốn tại Hội thảo lần này, sẽ tìm ra được giải pháp tối ưu nhất trong công tác thống kê, kiểm đếm và có kế hoạch, biện pháp, từ ngoại giao, đến kinh tế để hồi hương các cổ vật Việt Nam bị thất lạc, giống như rất nhiều nước khác như Ai Cập, Trung Quốc, Campuchia đã làm.
Ngoài ra việc Hội thảo được livestream trực tuyến trên các nền tảng của truyền hình quốc hội là một sáng kiến rất hay. Điều này sẽ giúp những người quan tâm đến lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam dù ở bất kỳ đâu, trong hay ngoài nước đều có thể tham gia vào sự kiện. Điều này cũng sẽ giúp hội nghị được lan tỏa tốt hơn, đặc biệt là tới thế hệ trẻ, các bạn genz - nhóm đối tượng có cách tiếp cận rất khác với các thế hệ đi trước, do được sinh ra và lớn lên trên thời kỳ bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể tiếp cận.
Tôi cũng muốn Ban tổ chức hỗ trợ chúng tôi tốt hơn trong quá trình tác nghiệp. Ban tổ chức nên lắp đặt hệ thống phát Wifi tốc độ cao và gắn mã QR tại những vị trí dễ thấy. Trong mã QR này là đường link dẫn tới thư mục chứa file tài liệu (có thể sử dụng Google Drive). Trong file tài liệu có thể bao gồm ảnh, text ghi lại phát biểu của các đại biểu và một danh sách số điện thoại, địa chỉ email của các đại biểu để phóng viên có thể liên lạc, làm các tuyến bài sâu hơn sau sự kiện. Các tài liệu này nên được cập nhật liên tục xuyên suốt quá trình diễn ra sự kiện.
Với text ghi lại lời diễn giả, Ban tổ chức có thể liên hệ phối hợp với VAIS - công ty chuyên áp dụng công nghệ AI để biến giọng nói thành văn bản. Công cụ này đã từng được sử dụng rất hiệu quả trên nghị trường Quốc hội.
Nhà báo Nguyễn Thảo, Báo Quân đội nhân dân Việt Nam
Nhà báo Nguyễn Thảo, Báo Quân đội nhân dân Việt Nam: Tôi cho rằng, Hội thảo Văn hóa 2022 lần này một Hội thảo lớn về văn hóa, đặc biệt từ tính chất, quy mô đến hình thức từ trước đến nay của Quốc hội; thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội và Lãnh đạo cao nhất của Quốc hội đối với sự nghiệp phát triển văn hóa đất nước. Chủ đề hội thảo rất thời sự và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hướng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như đề ra các giải pháp khơi thông các điểm nghẽn và cơ chế huy động nguồn lực cho phát triển bền vững ngành văn hóa, tạo điểu kiện thực hiện đầy đủ chủ trương đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế trong tiến trình phát triển đất nước.
Hiện nay, công nghiệp văn hóa ở Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.
Nhiều quốc gia đã phát triển thành công công nghiệp văn hoá và văn hoá đã trở thành “sức mạnh mềm” quan trọng trong chiến lược phát triển nhằm củng cố vị thế, hình ảnh, tầm ảnh hưởng của họ đối với các quốc gia khác. Một số quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, công nghiệp văn hóa đóng góp nguồn thu nhập lớn cho tổng sản phẩm trong nước (GDP). Cụ thể, Nhật Bản đầu tư có trọng điểm vào các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu hằng năm khoảng 7%, thu hút 5% nhân công lao động của toàn quốc; nhấn mạnh vào các lĩnh vực nổi bật đặc trưng của đất nước là truyện tranh Manga, Anime, phim hoạt hình với doanh thu hợp đồng bản quyền và các sản phẩm có liên quan. Hàn Quốc thì nổi tiếng với chiến lược xuất khẩu lớn về văn hóa đại chúng, phim ảnh và ca nhạc từ những năm 1990, sau đó tạo hiệu ứng thu hút phát triển du lịch mạnh mẽ cùng với các sản phẩm văn hóa liên quan như ẩm thực, trang phục, mỹ phẩm... mang thương hiệu Hàn Quốc; qua đó đóng góp của lĩnh vực công nghiệp văn hóa cho GDP là hơn 6% và có xu hướng tăng trong những năm sau.
Hiệu ứng lan tỏa từ sản phẩm công nghiệp văn hóa trực tiếp đến người dùng đã đóng góp lợi nhuận cao, đặc biệt hiệu ứng gián tiếp thông qua các sản phẩm văn hóa cũng có đóng góp đáng kể như mỹ phẩm “Made in Korea” xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc cũng góp phần nâng cao uy tín quốc gia và khẳng định vai trò đóng góp quan trọng của công nghiệp văn hóa vào sự phát triển của nền kinh tế - tiềm lực phát triển bền vững đất nước.
Qua Hội thảo này, tôi kỳ vọng Ban Tổ chức sẽ tìm được những giải pháp hiệu quả, thiết thực, mà đặc biệt về thể chế, để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Về công tác truyền thông cho hội thảo, tôi nhận thấy Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng như Ban Tổ chức cũng đã có những hoạt động từ sớm, từ xa để tuyên truyền các nội dung chính, ý nghĩa của Hội thảo. Đây cũng là điểm tích cực, mà Tiểu ban Truyền thông của Hội thảo Văn hóa 2022 nên tiếp tục duy trì và triển khai.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các Nhà báo!