KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ HAI THỂ HIỆN SỰ QUYẾT LIỆT, KHẨN TRƯƠNG CỦA QUỐC HỘI TRONG VIỆC HOÀN THIỆN THỂ CHẾ

04/01/2023

Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV họp phiên trù bị vào chiều 04/01 và chính thức khai mạc vào sáng 5/1. Chia sẻ tâm tư và kỳ vọng trước kỳ họp, một số đại biểu Quốc hội và cử tri cho rằng, việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ hai của nhiệm kỳ khóa XV nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, cần thiết đã cho thấy sự quyết liệt, khẩn trương của Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ HỌP BÁO VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2

họp báo Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào sáng 05/01 xem xét nhiều nội dung cần thiết, cấp bách.

Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống.

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, đại biểu Quốc hội khóa XII, XII cho rằng, việc tổ chức kỳ họp bất thường  cho thấy tính quyết liệt, khẩn trương của Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách.

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, sự cần thiết tổ chức kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Việc tổ chức kỳ họp là rất cần thiết để giải quyết những vấn đề hai kỳ họp thông thường chưa giải quyết, do yêu cầu của thực tế, do khối lượng công việc cần phải hoàn thành nên cần thiết tổ chức kỳ họp bất thường.

Cũng theo nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, việc tổ chức kỳ họp này cũng đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là trong giai đoạn những năm đầu triển khai nhiệm vụ của cả một nhiệm kỳ. Ngoài ra, việc tổ chức kỳ họp cũng cho thấy tính quyết liệt, khẩn trương của Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế và thúc đẩy việc triển khai các nhiệm vụ không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho cả thời kỳ đầu của Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030…

Một trong những nội dung quan trọng nhất của Kỳ họp bất thường lần thứ hai là Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan tâm đến nội dung này PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương mong muốn Chính phủ, Quốc hội cần tiếp thu tối đa chủ trương, quan điểm, định hướng chỉ đạo trong Kết luận 45-KL/TW ngày 17/11/2022 về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Trung ương vừa thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 để sớm ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia. Tại Kỳ họp bất thường, đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu đóng góp các ý kiến sâu sắc, toàn diện để Quốc hội ban hành bản Quy hoạch tổng thể quốc gia chi tiết, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện để các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện được ngay, mà không cần các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, Quốc hội cũng cần dành nguồn lực phù hợp để thực hiện quy hoạch một cách triệt để ngay từ đầu, tránh tình trạng quy hoạch chỉ nằm trên giấy.

 PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.

Đánh giá cao các nội dung của Kỳ họp, cử tri Nguyễn Thiện Thuật, quận Cầu Giấy, Hà Nội chờ đợi Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Ông Nguyễn Thiệt Thuật tin rằng, việc bàn thảo và quyết định nội dung này rất cần thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong việc triển khai một số chính sách  về chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tạo cơ sở tiếp tục bảo đảm việc cung ứng thuốc, sự ổn định của hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Ông Nguyễn Thiện Thuật cũng hy vọng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) kịp thời khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác khám bệnh, chữa bệnh; để cán bộ ngành y sống được với nghề, bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền, toàn tâm toàn ý chăm lo cho sức khỏe người bệnh.

 Cử tri Trần Thế Tân, tỉnh Bắc Giang đặt nhiều kỳ vọng việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Cùng quan điểm này, cử tri Trần Thế Tân, tỉnh Bắc Giang mong muốn dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được tiếp thu, hoàn thiện và đủ điều kiện thông qua tại Kỳ họp bất thường và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

Theo cử tri, đây là luật quan trọng không chỉ của ngành y tế nhằm định hướng công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, mà còn có tác động lớn đến người dân. Cử tri và Nhân dân mong chờ, đặt nhiều kỳ vọng nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng cần dành nhiều thời gian, tâm sức sửa đổi kỹ lưỡng để dự thảo Luật đảm bảo chất lượng, có tính ổn định lâu dài, giải quyết được yêu cầu trước mắt và lâu dài của ngành Y tế./.

Lan Hương

Các bài viết khác