TỔNG THUẬT CHIỀU 21/12: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050
Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của đất nước như: Phát triển vùng, liên kết vùng chuyển biến tích cực, hình thành nhiều vùng kinh tế lớn có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước; Bước đầu đã hình thành các hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, liên vùng, nhất là các hành lang gắn với các đô thị lớn; Không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế;...
Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức: Không gian phát triển bị chia cắt nhiều theo địa giới hành chính; liên kết vùng tuy đã được chú trọng nhưng vẫn còn nhiều bất cập; Đầu tư phát triển vẫn còn dàn trải theo các vùng, miền; chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của đất nước;...
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế trong tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua là do thiếu quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia, dài hạn để xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ trên phạm vi cả nước.
Thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương liên quan triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Theo đó, việc tổ chức lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên các căn cứ pháp lý như: Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030; Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
Đồng thời, trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, đã nghiên cứu, cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của Đảng và nhà nước: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;...
Quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai theo đúng quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 1, Điều 16, Luật Quy hoạch; nội dung quy hoạch được lập theo đúng quy định tại Điều 20, Luật Quy hoạch và Điều 22, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ, tuân thủ Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04/10/2020.
Trong quá trình lập Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có trình độ phát triển tương tự Việt Nam như mô hình quy hoạch không gian cấp quốc gia của Hàn Quốc và Malaysia.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy hoạch không gian ở cấp quốc gia trên thế giới được thực hiện khá đa dạng ở các châu lục và các nước có trình độ phát triển khác nhau. Các quy hoạch cấp quốc gia ở các nước có tên gọi khác nhau như: quy hoạch không gian, quy hoạch vật thể, quy hoạch lãnh thổ, quy hoạch tổng thể…; những quy hoạch này đều mang tính tích hợp, tổng hợp rất cao, bao gồm tổ chức lãnh thổ, bố trí sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực và có sự kết hợp chặt chẽ với yếu tố phi không gian (định hướng phát triển kinh tế - xã hội).
Mục tiêu của các quy hoạch tập trung vào: Nâng cao năng lực cạnh tranh của lãnh thổ; Kết nối thông suốt giữa các vùng, địa phương bên trong quốc gia; Kết nối thông suốt giữa quốc gia và quốc tế; Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thịnh vượng, tạo ra nhiều sinh kế, phù hợp với bối cảnh mới; bảo vệ môi trường; bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên. Các nội dung chính của các quy hoạch tập trung nghiên cứu phân vùng chức năng, bố trí không gian cho các ngành kinh tế chính, các đô thị lớn, các hành lang kinh tế; xác định vùng trung tâm (động lực) tăng trưởng; các khu vực bảo tồn; các khu vực phòng ngừa thảm họa; hài hòa mối quan hệ đô thị - nông thôn.
Quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam cũng đã nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc và Malaysia để xác định không gian phát triển đất nước gắn với hình thành các trục, hành lang phát triển, phân vùng kinh tế và định hướng bố trí không gian các ngành, lĩnh vực.
Trước đó, ngày 16/12/2022, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể về nội dung thẩm tra đối với hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia. Tiếp đó, ngày 21/12/2022, tại Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia. Căn cứ Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Thông báo số 1882/TB-TTKQH ngày 22/12/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và toàn bộ hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia.