PGS.TS LÊ BỘ LĨNH: QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA PHẢI TRỞ THÀNH CÔNG CỤ ĐỂ QUẢN TRỊ, PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

05/01/2023

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan tâm đến nội dung này, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh nêu quan điểm, bản Quy hoạch là công cụ rất quan trọng để quản trị phát triển, vì vậy khi xây dựng cần mang tính chất bao quát cao nhưng cũng đủ cụ thể để triển khai thực hiện.

TỔNG THUẬT SÁNG 05/01: KHAI MẠC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch. Nội dung Quy hoạch xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.

Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ lần đầu tiên chúng ta làm, rất mới, rất khó, chưa có kinh nghiệm, song rất quan trọng và cấp thiết, các bộ, các ngành, các địa phương trong cả nước hiện đang rất mong đợi.

Theo chương trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với sự quan trọng, cấp thiết đó, nội dung này đã được đưa vào chương trình của Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội khóa XV. Chia sẻ với Cổng TTĐT Quốc hội, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kỳ vọng tại Kỳ họp bất thường, đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng,đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết,trách nhiệm, sâu sắc để Quy hoạch tổng thể quốc gia thực sự trở thành một công cụ quan trọng để quản trị phát triển.

Phóng viên: Thưa ông, theo quan điểm của ông, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 có vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh: Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 căn cứ vào Luật Quy hoạch; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội... về phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới.

Tôi cho rằng, đây là một công cụ rất quan trọng để quản trị phát triển, bởi quy hoạch tổng thể là khuôn khổ chung cho việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; là cơ sở để xây dựng và triển khai các quy hoạch quốc gia khác, cũng như quy hoạch phát triển của các ngành, của các địa phương. Đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, sẽ đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài của đất nước một cách bài bản và có căn cứ khoa học.

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Phóng viên: Quy hoạch Tổng thể quốc gia có vai trò định hướng, dẫn dắt cho các quy hoạch cấp dưới, hiện nhiều quy hoạch khác đang chờ Quy hoạch Tổng thể quốc gia, nên việc thông qua Quy hoạch này là hết sức quan trọng, cấp bách. Theo ông, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần đảm bảo các yếu tố nào để vừa mang tính khái quát, vừa mang tính cụ thể nhưng cũng không quá chi tiết, gây ra sự chồng chéo, trùng lắp với quy hoạch vùng, địa phương?

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh: Vai trò của Quy hoạch tổng thể rất quan trọng nhưng để phát huy tác dụng trong thực tế phụ thuộc vào chất lượng của bản quy hoạch. Theo quan điểm của tôi, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải dựa trên những căn cứ khoa học, dựa trên kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng,lợi thế, hiện trạng kinh tế - xã hội; dự báo, những yếu tố bên trong và bên ngoài tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ quy hoạch.

Đã có nhiều ý kiến nêu lên phạm vi, mối quan hệ của Quy hoạch tổng thể với các quy hoạch khác và đặc biệt là những bất cập nảy sinh khi Quy hoạch tổng thể được xây dựng và thông qua sau khi đã có các quy hoạch cụ thể. Vì vậy, theo tôi Quy hoạch tổng thể giai đoạn 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cần tích hợp được các quy hoạch đã được xây dựng nhưng không phải là con số cộng đơn thuần của các quy hoạch đó, phải tránh được khả năng xảy ra các xung đột trong hệ thống quy hoạch. Quy hoạch tổng thể cần phải mang tính chất khái quát, bao quát cao nhưng cũng đủ cụ thể để triển khai thực hiện. Hiện chúng ta đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn 2045. Vì vậy, điều quan trọng, chúng ta cần xác định rõ quy hoạch là một công cụ để thực hiện chiến lược, những nét cơ bản của quy hoạch phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhưng không quá chung chung như là chiến lược và định hướng. Quy hoạch tổng thể quốc gia phải thể hiện các nội dung để có thể thực hiện được những mục tiêu và định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn 2045

Ngoài Quy hoạch tổng thể quốc gia, chúng ta có nhiều bản quy hoạch quốc gia khác như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển, quy hoạch các ngành quốc gia... Khi xây dựng Quy hoạch tổng thể cần chú trọng đến sự đồng bộ giữa các bản quy hoạch này, để Quy hoạch tổng thể vừa là khuôn khổ tổng thể, vừa là nền tảng chung nhưng đồng thời phù hợp với các quy hoạch quốc gia khác, cũng như các quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển của địa phương, quy hoạch phát triển vùng.

Theo tôi, để bảo đảm yêu cầu trên, một số vấn đề cần được quan tâm xem xét trong quy hoạch tổng thể là tính hệ thống, tính liên kết, tính ưu tiên và lộ trình thực hiện để sử dụng một cách tối ưu nhất nguồn lực phát triển quốc gia. Quy hoạch tổng thể phải thể hiện cả nước có một nền kinh tế thống nhất chứ không phải 63 nền kinh tế; phải thể hiện được mối liên kết giữa các quy hoạch các ngành, các lĩnh vực chẳng hạn như mối quan hệ giữa quy hoạch giao thông với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các ngành kinh tế kỹ thuật với quy hoạch vùng. Quy hoạc tổng thể cũng thể hiện rõ sự phân cấp giữa trung ương và địa phương, trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch. Đặc biệt, cần rõ lộ trình và những ưu tiên trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, các dự án quan trọng tránh phân tán, dàn trải, chồng chéo.

Phóng viên: Tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050. Ông có kỳ vọng như thế nào về việc triển khai thực hiện, đi vào cuộc sống nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Việt Nam?

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Quốc hội đã được xây dựng khá công phu, cụ thể hóa một bước Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm. Quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện theo đúng quy trình theo quy định, đã huy động sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước...  Đặc biệt, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Quy hoạch tổng thể cần phải mang tính chất khái quát, bao quát cao nhưng cũng đủ cụ thể để triển khai thực hiện

Việc xem xét, thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là thẩm quyền của Quốc hội. Do vậy, tôi mong muốn đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc hoàn thiện Quy hoạch, để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là một công cụ để quản trị phát triển đất nước. Muốn vậy, trong nghị quyết của Quốc hội cũng cần chỉ rõ những nhiệm vụ, lộ trình mang tính chất pháp quy để triển khai thực hiện trong thực tế. Trong nghị quyết của Quốc hội cũng cần nêu rõ yêu cầu, nội dung, các bước để giám sát việc triển khai thực hiện trong thực tế; bố trí nguồn lực để thực hiện quy hoạch; đồng thời chú trọng công tác dự báo, đánh giá và sự điều chỉnh cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện.

Sau khi Quy hoạch tổng thể được phê duyệt, chắc chắn sẽ có một khối lượng công việc lớn trong việc triển khai, đặc biệt là việc bảo đảm tính thống nhất, liên thông của hệ thống quy hoạch đã có, các quy hoạch sắp được thông qua cũng như quá trình rà soát, điều chỉnh nội dung các quy hoạch đó. Nếu xây dựng và thông qua quy hoạch là 1 thì việc quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch đòi hỏi nỗ lực và nguồn lực gấp 5-10 lần.

Tôi kỳ vọng vào tính khả thi, tính thực tiễn và quá trình quản lý quy hoạch, đặc biệt là công tác phối hợp liên ngành, phối hợp giữa Trung ương với địa phương trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Quốc hội phê duyệt. Tôi cũng kỳ vọng Quốc hội khóa XV và các khóa tiếp theo sẽ thường xuyên giám sát chặt chẽ việc thực hiện Quy hoạch này.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Hương

Các bài viết khác