QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO
PGS.TS LÊ BỘ LĨNH: QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA PHẢI TRỞ THÀNH CÔNG CỤ ĐỂ QUẢN TRỊ, PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ lần đầu tiên chúng ta làm, rất mới, rất khó, chưa có kinh nghiệm, song rất quan trọng và cấp thiết, các bộ, các ngành, các địa phương trong cả nước hiện đang rất mong đợi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết về Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Theo chương trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên phạm vi cả nước; Chính phủ có trách nhiệm tổ chức lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội khóa XV về giám sát tối cao công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đã yêu cầu phải hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm 2022.
Phóng viên: Theo quan điểm của ông, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 có vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?
Luật sư Nguyễn Ngọc Qúy-Trưởng văn phòng Luật sư Pearl Law: Tôi cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia đóng vai trò quan trọng cho Việt Nam từ nay cho tới năm 2050. Về kinh tế, Phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội; tập trung hình thành hai vùng và liên vùng theo trục Đông - Tây và Bắc – Nam với hai cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.
Tôi cho rằng, Đảng và Chính phủ đã nhận rõ mỗi vùng đều có khả năng phát triển nên từng vùng chỉ tập trung đầu tư vào những mảng có thế mạnh, tránh trường hợp đua nhau làm khu chế xuất , khu công nghệ cao không phù hợp với điều kiện của địa phương. Ví dụ vùng đô thị Hà Nội tập trung phát triển thành đô thị thông minh, dẫn đầu trong khoa học và công nghệ, trung tâm giao dịch quốc tế.
Dưới góc nhìn tổng quát của Nhà luật sư tôi cho rằng, Quy hoạch về kinh tế quốc gia tạo dựng mỗi vùng, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực là một bộ phận cấu thành nên cơ thể hoàn thiện, không còn hiện tượng mạnh ai ấy làm. Kinh tế Việt Nam phát triển cân đối và hài hoà hơn trước do đã được quy hoạch cụ thể những chương trình và dự án. Các ngành các cấp dựa vào đó để triển khai kế hoạch, sẽ tháo gỡ được vướng về chính sách của riêng từng ngành, từng vùng. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo dễ dàng đưa ra những quyết sách lớn để thay đổi kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế, vì chỉ cần nhìn vào những con số của bản đồ quy hoạch, do đã quy hoạch thống nhất trong cả nước, không còn hiện tượng mỗi tỉnh làm một kiểu.
Luật sư Nguyễn Ngọc Qúy- Trưởng văn phòng Luật sư Pearl Law
Thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, kết nối giữa đất liền và hải đảo cũng như vùng trời tạo thành một thể thống nhất. Những sân bay lớn, hải cảng như những chiếc cầu gắn kết ví dụ (phát triển các ngư trường lớn gắn với ngư trường trọng điểm Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hoà ...).
Tôi cho rằng, về xã hội, quy hoạch về phát triển từ con người cho đến môi sinh. Con người Việt Nam có cơ hội phát triển từ thể hình cho đến trí tuệ. Các chỉ tiêu và chỉ số phát triển đều được quy định rõ ràng trở thành đích đến của các kế hoạch," phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, tuổi thọ trung bình đạt 75 tuổi".
Phóng viên: Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã thảo luận và gợi mở một số định hướng xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đó, Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Kết luận 45-KL/TW ngày 17/11/2022 về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông có thể cho biết quan điểm xuyên suốt, nổi bật của Đảng về lĩnh vực này?
Luật sư Nguyễn Ngọc Qúy- Trưởng văn phòng Luật sư Pearl Law: Tôi cho rằng, Đảng thống nhất cao về Quy hoạch tổng thể quốc gia. Trung ương Đảng coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, lâu dài, vấn đề mới và nhạy cảm, liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương.
Trong quy hoạch lần này, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng khung, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng số, thích ứng biến đổi khí hậu. Phải hình thành những bộ phận cấu thành của từng ngành từng lĩnh vực để từ đó từng ngành, từng lĩnh vực đó góp thành tổng thể quốc gia như xây dựng từng tuyến cao tốc Bắc Nam theo từng thời kỳ sau một thời gian thì hệ thống này hoàn chỉnh kết nối giao thông xuyên suốt trong cả nước.
Từ hệ thống cao tốc hoàn chỉnh đó, các khu công nghiệp, khu đô thị, khu kinh tế, khu dân cư được quy hoạch theo tuyến được xây dựng. Các mục tiêu, chỉ tiêu, các định hướng lớn phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu, định hướng phát triển đô thị và nông thôn phải được xác định rõ ràng đúng với quan điểm chỉ đạo.
Như vậy, quan điểm nổi bật của Đảng về vấn đề Quy hoạch tổng thể quốc gia không chỉ nằm ở những con số, những dự án lớn, những liên kết vùng và liên vùng, những chỉ tiêu, mà vượt lên trên đó là phát huy từng ngành từng lĩnh vực ở mức tối đa kết hợp lại với nhau để trở thành sức mạnh tổng hợp ...kinh tế hỗ trợ cho sự bảo vệ độc lập chủ quyền, biển đảo gắn chặt với vùng trời và đất liền, vùng kinh tế Tây nguyên bổ trợ cho sự phát triển của thành phố Hà Nội, phát triển các khu độ thị nhưng không quên các khu vực nông thôn, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Phóng viên: Hiện nay, Chính phủ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp bất thường tới đây. Theo ông, Chính phủ cần tiếp thu, cụ thể hóa quan điểm của Đảng như thế nào để xây dựng được một Quy hoạch tổng thể quốc gia có chất lượng và đảm bảo tính khả thi cao?
Luật sư Nguyễn Ngọc Qúy-Trưởng văn phòng Luật sư Pearl Law: Theo tôi, Chính phủ cần lên những kế hoạch cụ thể sát với thực tế để đưa Quy hoạch tổng thể quốc gia vào cuộc sống. Chính phủ vừa có cái nhìn tập trung nhưng cũng cần quan tâm đến đặc trưng của từng vùng, từng lĩnh vực, từng ngành. Nếu dập khuôn trong quy hoạch và cứng nhắc trong chính sách thì có thể bóp nghẹt sự sáng tạo và cái riêng của họ. Nếu để các ngành, các lĩnh vực tự do thực hiện quy hoạch thì có khả năng "vỡ trận", không kiểm soát được quá trình thực hiện gây lãng phí nguồn đầu tư công và làm cho quy hoạch bị méo mó.
Do vậy, Chính phủ cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, quyết định của Bộ chính trị về Quy hoạch tổng thể quốc gia để nắm bắt được yêu cầu và định hướng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thành lập 01 ban quản lý chung về Quy hoạch tổng thể quốc gia, ban này cho trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo sát sao quá trình thực hiện để nhanh chóng điều chỉnh, sửa chữa những sai sót và có những kiến nghị với Đảng về những vấn đề khó mới phát sinh.
Đây là dự án lớn nhất từ trước cho tới nay, liên quan đến mọi lĩnh vực đời sống của cả nước, Chính phủ cần có những cán bộ hiểu rộng và sâu nhiều lĩnh vực để có thể quản lý và điều hành quá trình quy hoạch được nhịp nhàng. Bởi vì, trong cùng một thời điểm, cán bộ quản lý phải xử lý cả vấn đề về kinh tế nhưng phải đảm bảo an ninh quốc gia. Nếu chỉ biết chuyên sâu về 1 lĩnh vực thì dễ xảy ra trường hợp làm được việc này thì hỏng việc kia.
Khi triển khai quá trình quy hoạch, sự xáo trộn trong cuộc sống xã hội, phát triển kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tâm lý người dân sẽ bị ảnh hưởng. Chính phủ cần có những kế hoạch cụ thể để an dân, làm những nhà đầu tư yên tâm về điều kiện kinh tế xã hội được nâng lên, điều kiện về đầu tư - kinh doanh được thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần giao nhiệm vụ rõ ràng và cụ thể cho từng ngành, từng địa phương và người đứng đầu. Không thể có chuyện để dự án chậm tiến độ từ năm này sang năm khác, vì chậm ở ngành này sẽ làm ảnh hưởng tới ngành khác. Xét cho cùng, yếu tố con người là yếu tố quan trọng nhất trong trình thực hiện quy hoạch này.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!