NHẬN DIỆN VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP ĐỂ SỬA ĐỔI, HOÀN THIỆN LUẬT ĐẤU THẦU

09/02/2023

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 và tiếp tục xem xét tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Sau 10 năm thi hành, việc sửa đổi luật là rất cần thiết, nhưng có ý kiến cho rằng cần nhận diện rõ nhưng vướng mắc, bất cập trong luật hiện hành, từ đó sửa đổi, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống.

ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC ĐẤU THẦU CHUYÊN NGHIỆP TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

TỔNG THUẬT SÁNG 15/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc của luật hiện hành.

Đấu thầu là công cụ quan trọng giúp Chính phủ quản lý chi tiêu, sử dụng nguồn vốn của Nhà nước có hiệu quả và chống thất thoát, lãng phí. Đấu thầu mang lại lợi ích to lớn đối với chủ đầu tư, nhà thầu và nền kinh tế quốc dân nói chung, nhất là trong lĩnh vực công. Đấu thầu góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đầu tư và xây dựng, hạn chế và loại trừ được tình trạng thất thoát, lãng phí vốn ngân sách nhà nước. Hoạt động đấu thầu cần công khai minh bạch, sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa các chủ thể tham gia. Vì vậy, Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu lần đầu vào năm 2005 và Luật Đấu thầu (sửa đổi) năm 2013 nhằm cải cách cơ bản và hiện đại hóa các quy định, thủ tục đấu thầu theo các nguyên tắc và tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận.

Khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu sau 10 năm thi hành, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu quan điểm cần phân tích rõ nguyên nhân, thực trạng về những bất cập, vướng mắc của luật hiện hành để đề xuất giải pháp sửa đổi luật hoàn thiện hơn.

Đại biểu nêu thực tế, quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Đặc biệt, quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư chưa thống nhất, quy định về hình thức lựa chọn thầu, chỉ định thầu trong trường hợp đặc biệt còn thiếu cụ thể, chưa đáp ứng được điều kiện lựa chọn nhà thầu trong việc mua sắm đặc thù, hoặc mua sắm phòng chống dịch bệnh…

Các quy định về phương thức đánh giá chưa thực sự tạo ra cơ chế hiệu quả linh hoạt trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ công trình có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu sử dụng, nhất là việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư trang thiết bị y tế. Ngoài ra, các quy định về đấu thầu còn thiếu quy định cụ thể về hồ sơ mời thầu trong khi đây là nội dung rất quan trọng, nếu quy định không chặt chẽ dẫn tới tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng, không lành mạnh trong quá trình tổ chức đấu thầu; một số quy định trong văn bản hướng dẫn thực thi luật chưa chặt chẽ, dẫn tới tình trạng tùy tiện trong phát hành hồ sơ mời thầu.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.

Một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Luật Đấu thầu chưa có quy định đầy đủ nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu; ưu đãi cho mua sắm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được cung cấp từ các nhóm yếu thế trong xã hội; mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh.

Bên cạnh đó, sau khi Luật Đấu thầu được ban hành, một số Luật liên quan đã sửa đổi hoặc có quy định khác so với Luật Đấu thầu. Điều đó đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật Đấu thầu nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thi hành Luật này.     

Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu còn một số mặt hạn chế, như hành vi “thông thầu”, “gian lận”… vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi; năng lực, kinh nghiệm của một số người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu chưa đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa, hiện nay, Việt Nam đã ký kết, tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó 03 Hiệp định có nội dung về cam kết mở cửa thị trường mua sắm công.

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu thực tế một số quy định trong luật hiện hành đã gây ra nhiều khó khăn khi áp dụng trong thực tế, có thể gây chậm trễ bởi cần phải tuân thủ đồng thời các luật, nghị định trong hệ thống pháp luật; hoặc khó khăn trong lựa chọn áp dụng luật nào, nghị định nào khi các điều khoản của các luật, nghị định mâu thuẫn với nhau, dẫn đến nguy cơ nhầm lẫn trong thực thi; thậm chí bị lợi dụng do thiếu quy định rõ ràng. Năm 2013, Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, theo đó đưa toàn bộ các quy định về đấu thầu xây lắp trong Luật Xây dựng vào Luật Đấu thầu, tạo sự đồng bộ, thống nhất và thuận tiện trong quá trình thực hiện công tác đấu thầu.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực thi, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đã bộc lộ một số bất cập, một số quy định không còn phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. Trong đó, trên thực tế, ngoài quy định về lựa chọn nhà đầu tư theo PPP như Luật Đấu thầu 2013, vẫn còn những phương thức lựa chọn nhà đầu tư khác với phương thức PPP chưa được luật hóa như lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh (dự án phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hoá, dự án có từ 02 nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án...).

Đối với hình thức chỉ định thầu, han mức chỉ định thầu trong một số trường hợp đặc biệt lại cao hơn so với thông lệ quốc tế, cần phải giảm ngưỡng chỉ định thầu để phù hợp với thông lệ quốc tế và đây cũng là giải pháp nhằm hạn chế việc chia dự án thành các gói thầu nhỏ, qua đó giảm số lượng và giá trị các gói thầu áp dụng chỉ định thầu.

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Mặc dù luật hiện hành quy định đầy đủ về cơ chế giải quyết kiến nghị nhưng hiệu quả giải quyết vẫn còn rất thấp, khiến niềm tin vào sự công bằng, minh bạch trong đấu thầu bị ảnh hưởng, vì vậy, cần có quy định để lấp lỗ hổng pháp luật, đảm bảo quyền của các bên tham gia đấu thầu…, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.

Có ý kiến cho rằng, một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đấu thầu và các luật chuyên ngành dẫn tới khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, có tình trạng nhà thầu có dấu hiệu không đủ năng lực nhân sự vẫn được Chủ đầu tư phê duyệt trúng thầu. Mâu thuẫn giữa Luật Đấu thầu 2013, Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 là nguyên nhân khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc áp dụng hai hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Theo quy định của Luật Đầu tư công 2019, thời gian bố trí vốn thực hiện dự án được quy định cụ thể: dự án nhóm A không quá 06 năm, nhóm B không quá 04 năm, nhóm C không quá 03 năm. Trong khi đó, thực hiện hoạt động đấu thầu các gói thầu theo Luật Đấu thầu của các dự án thuộc lĩnh vực xây lắp, thời gian bình quân từ 04 tháng đến 06 tháng cho mỗi gói thầu, chưa tính đến các công tác chuẩn bị đầu tư, đền bù GPMB, do đó phần nào đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án. Hơn nữa, hoạt động đấu thầu qua mạng hiện nay đã được áp dụng rộng rãi nhưng Luật Đấu thầu mới chỉ có các quy định mang tính nguyên tắc, chưa có quy định cụ thể nên chưa đảm bảo tính thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện.

Những vướng mắc, bất cập trong Luật Đấu thầu hiện hành sẽ được cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội, chuyên gia tiếp tục góp ý và đề xuất các phương án sửa đổi cho phù hợp, dự kiến Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, nếu đủ điều kiện thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây./.

Lan Hương