QUY ĐỊNH QUỸ PHÒNG THỦ DÂN SỰ TRONG LUẬT HAY THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ THÀNH LẬP TRONG TRƯỜNG HỢP CẤP BÁCH?

15/02/2023

Quy định như thế nào về Quỹ phòng thủ dân sự trong dự án Luật Phòng thủ dân sự là một trong những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 20.

TỔNG THUẬT CHIỀU 14/02: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Toàn cảnh Phiên họp 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Dự án Luật Phòng thủ dân sự được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Để hoàn thiện dự thảo luật, sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ và hội trường, hoàn thiện dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.

Trong đó, Quy định về Quỹ phòng thủ dân sự tại dự án Luật Phòng thủ dân sự là một trong những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Trong báo cáo tóm tắt về một số nội dung của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày tại Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Quỹ phòng thủ dân sự (Điều 44), một số ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định Quỹ Phòng thủ dân sự hay hợp nhất các quỹ, vì dễ trùng lắp nguồn thu, chồng chéo với các quỹ đã có trong luật chuyên ngành; có ý kiến đề nghị chỉ quy định việc thành lập quỹ, còn các nội dung khác giao cấp có thẩm quyền quy định chi tiết. Về vấn đề này, có 02 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình, vì cho rằng, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân; Quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc; được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời, trong khi yêu cầu tài chính, nguồn lực khi có sự cố, thảm họa xảy ra là rất lớn, cấp thiết để góp phần hạn chế ảnh hưởng của sự cố, thảm họa; hiện nay có nhiều dạng sự cố hiện không có nguồn quỹ để sử dụng khi xảy ra.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị bỏ quy định này với lý do: Hàng năm ngân sách thường xuyên đã bố trí gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi cho phòng chống thiên tai, dịch bệnh… Nhiệm vụ chi của Quỹ Phòng thủ dân sự trong một số trường hợp có thể trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Hiệu quả của Quỹ này không cao vì khi xảy ra thiên tai sẽ cần kinh phí rất lớn, nên nếu để số dư ở mức nhỏ sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nếu dư Quỹ lớn sẽ lãng phí vì không thường xuyên sử dụng; việc khắc phục hậu quả vẫn chủ yếu là ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, nguồn thu của Quỹ chỉ do điều tiết từ các quỹ khác là không phù hợp; việc hình thành Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ dẫn đến chấm dứt sự tồn tại của Quỹ phòng chống thiên tai và Quỹ phòng chống dịch, trong khi tính chất của Quỹ phòng chống thiên tai và Quỹ phòng chống dịch khác nhau. Do đó, việc thành lập Quỹ là không cần thiết và chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước và quy chế hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị giữ quy định như dự thảo Chính phủ trình, có chỉnh lý một số nội dung. Bên cạnh đó, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh đề nghị không quy định Quỹ Phòng thủ dân sự, mà thiết kế phương án hình thành quỹ trong trường hợp thật sự cần thiết. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội xây dựng 02 phương án xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Phương án 1: Giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình (tại điểm b khoản 2 Điều 43 và Điều 44).

Phương án 2: Bỏ Điều 44 dự thảo Luật Chính phủ trình và sửa điểm b khoản 2 Điều 43 (Tài chính, lực lượng, phương tiện, dữ trữ cho phòng thủ dân sự) thành: “b) Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố”. Việc chỉnh sửa này xuất phát từ kinh nghiệm của việc thành lập Quỹ Vắc xin thời gian qua, thể hiện sự linh hoạt trong huy động kịp thời nguồn lực cho các tình huống đặc biệt cấp bách.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Qua nghiên cứu dự thảo luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phân tích, thời gian qua hoạt động của một số Quỹ chưa thực sự hiệu quả, có sự chồng chéo giữa phần ngân sách, đặc biệt trong quá trình quản lý và khi sử dụng. Điều này cũng tạo tâm lý cho đại biểu Quốc hội về sự cần thiết xây dựng Quỹ Phòng thủ dân sự trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự hay không. Đại biểu nêu quan điểm, với tính chất của Luật Phòng thủ dân sự này cần Quy định quỹ và ủng hộ với phương án đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, nên kết hợp giữa phương án 1, phương án 2 để thiết kế nội dung quy định về cách huy động, cách quản lý, nguồn, các nguyên tắc để đảm bảo quỹ vừa có thể huy động vừa quản lý và sử dụng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của luật đề ra.

Đại biểu bày tỏ đồng thuận với phương án 1 là có quỹ nhưng thiết kế một số nội dung của phương án vào phương án 1 về nguyên tắc huy động, cách quản lý và việc xác định các nguồn hình thành Quỹ Phòng thủ dân sự. Việc giao Thủ tướng Chính phủ thành lập quỹ khi có trường hợp cấp bách là phù hợp, bởi ở Việt Nam sự cố, thiên tai, địch họa, dịch bệnh… thường xuyên xảy ra, nên việc huy động không chỉ ở trong nước mà còn huy động nguồn tài trợ qua các tổ chức từ thiện xã hội, các quỹ khác.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đồng tình với quan điểm của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh an ninh đề xuất 2 phương án, trong đó đề nghị không quy định Quỹ Phòng thủ dân sự, mà thiết kế phương án hình thành quỹ trong trường hợp thật sự cần thiết, tương tự như Quỹ COVID.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giám sát về các quỹ tài chính ngoài ngân sách cho thấy rất nhiều quỹ hoạt động không hiệu quả, không huy động được các nguồn và cuối cùng vẫn dựa vào ngân sách; nhiều quỹ có nội dung chi, nhiệm vụ chi trùng với nhiệm vụ chi ngân sách. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng nếu thành lập Quỹ theo phương án 1 có thể sẽ không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước. Theo quy định hiện hành, hàng năm ngân sách bố trí (bao gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng) để thực hiện nhiệm vụ chi phục vụ công tác phòng thủ dân sự. Do đó, Quỹ Phòng thủ dân sự nếu có nhiệm vụ chi cho hoạt động phòng thủ dân sự sẽ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Hơn nữa, việc quy định Quỹ Phòng thủ dân sự hình thành trên sự điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan, ví dụ Quỹ phòng, chống thiên tai, Quỹ bảo vệ môi trường... cũng không phù hợp với yêu cầu về khả năng tài chính độc lập của việc thành lập quỹ và không phù hợp với quy chế hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Bên cạnh đó, nội dung chi của Quỹ Phòng thủ dân sự trùng với nội dung chi của Quỹ phòng, chống thiên tai, trong khi theo tinh thần dự thảo luật là tiếp tục duy trì Quỹ phòng, chống thiên tai, Quỹ môi trường và một số quỹ khác, quỹ tài chính ngoài ngân sách… như vậy sẽ chồng chéo và không hiệu quả. Vì vậy, việc xây dựng luật nên tiếp cận theo phương án củng cố các quỹ hiện có hiện nay về các lĩnh vực mà thảm họa, sự cố cụ thể theo các luật chuyên ngành. Trong trường hợp cần thiết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền có thể thành lập các quỹ để đáp ứng yêu cầu cấp bách tại thời điểm phòng, chống dịch bệnh hay thiên tai cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

Đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nên quy định khi cần thì Chính phủ thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh ủng hộ phương án 2, như vậy sẽ có cơ sở để thành lập Quỹ trong trường hợp cần thiết, tạo ra sự linh hoạt, chủ động; đồng thời quy định chi tiết về huy động, điều tiết từ các quỹ khác sang Quỹ phòng thủ dân sự.

Cho ý kiến về quy định này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá, đây là một trong những chính sách đã được cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng chính sách và đánh giá tác động và thảo luận rất kỹ để trình Quốc hội, vì vậy đề nghị quy định trong luật về Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo của Chính phủ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng tán thành việc nên có Quỹ Phòng thủ dân sự để có sẵn nguồn lực dự phòng cho công tác hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, địch họa, phục hồi kinh tế sau sự cố, thảm họa. Việc phục hồi cần thu hút nguồn lực rộng lớn, Luật cần có quy định chặt chẽ, khả thi để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh thống nhất cần lập Quỹ phòng thủ dân sự và cho rằng nguồn vốn căn bản cho Quỹ cần ưu tiên trong 10% ngân sách dự phòng của các địa phương, nên Luật hóa quy định này trong dự thảo. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu quan điểm, dù theo phương án nào cũng cần có quỹ để thực hiện phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, vấn đề đại biểu quan tâm là làm thế nào để minh bạch, công khai trong sử dụng Quỹ.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Giải trình ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, trong dự thảo quy định có quỹ và đề nghị chọn phương án 1. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương lý giải, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, khi đã xảy ra sự cố, thảm họa thì ảnh hưởng rất lớn. Nếu chúng ta có một nguồn lực sẵn có, khi xảy ra có điều kiện sử dụng nguồn đó để giải quyết được những vấn đề cấp thiết ban đầu. Chúng ta không phải chỉ sử dụng quỹ lúc đầu, mà trong quá trình xảy ra có thể tiếp tục huy động tiếp vì vậy, có thể thiết kế tích hợp thêm một số ý của phương án 2 vào phương án 1.

Lấy ví dụ về thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho rằng một thảm họa lớn như vậy nếu không có nguồn lực ngay lúc đầu thì rất khó có thể đáp ứng được ngay. các quốc gia, các tổ chức quốc tế viện trợ cũng cần thời gian chứ không thể thực hiện ngay được. Vì vậy, đề nghị nên có quỹ này thành lập ngay lúc đầu và trường hợp khi xảy ra sự cố thảm họa sẽ huy động tiếp nguồn lực từ bên ngoài. Điều này cũng phù hợp với Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Ban chấp hành Trung ương về Phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Kết luận nội dung thảo luận về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự tại Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh phối hợp chặt chẽ với ban soạn thảo, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật, sớm hoàn thiện dự thảo, báo cáo giải trình tiếp thu, chuẩn bị các phương án đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau để xin ý kiến hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội. Việc Quỹ Phòng thủ dân sự có trước hay có sau thì tiếp tục xin ý kiến, tinh thần là thành lập nhưng phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và sử dụng có hiệu quả./.

Lan Hương