ĐBQH NGUYỄN QUANG HUÂN: NÊN ĐỔI ''LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC'' THÀNH ''LUẬT QUẢN LÝ NGUỒN NƯỚC''
Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012 tại Kỳ họp thứ 3, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đến nay.
Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 60% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn. Nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Thực tế đó đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần thiết phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện. Với sự cần thiết như vậy, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới (ảnh minh họa: Internet).
Một trong những nội dung đáng chú ý, nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội đối với việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước là các điều khoản của Luật phải có sự thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo với các luật khác.
Theo Trung Nghiên cứu pháp luật về Hành chính-Nhà nước (Viện Nghiên cứu lập pháp), mặc dù Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã quy định phạm vi, đối tượng quản lý và phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành, các cấp về quản lý tài nguyên nước và các hoạt động khai thác, sử dụng nước. Tuy nhiên, với sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, ban hành thay thế của nhiều luật có liên quan đã tác động trực tiếp đến tài nguyên nước, liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Mặt khác, nguồn nước đang được nhiều Bộ, ngành cùng tham gia quản lý, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành trong quản lý, khai thác sử dụng nước còn có mặt hạn chế dẫn đến có sự đan xen, thiếu đồng bộ trong quá trình triển khai, thực hiện các công việc cụ thể, đặc biệt ở địa phương...
Nguyên nhân của thực trạng trên là do có sự giao thoa, chồng chéo, không rõ ràng, thống nhất giữa các quy định của Luật Tài nguyên nước 2012 và một số luật có liên quan gây lúng túng, khó khăn, vướng mắc, không đồng bộ, hiệu quả; lãng phí nguồn lực của cả Nhà nước lẫn các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi, như: việc quản lý, vận hành các công trình, hệ thống công trình thủy lợi theo Luật Thủy lợi, nhiều trường hợp đã đồng nhất khái niệm hệ thống công trình thủy lợi bao gồm cả về nguồn nước, dòng sông dẫn đến việc không rõ đối tượng quản lý hoặc không rõ trách nhiệm trong quản lý công trình khai thác, sử dụng nước và quản lý tài nguyên nước. Công tác điều tra cơ bản được quy định tại Điều 9 Luật Thủy lợi có sự chồng lấn với nội dung về điều tra cơ bản trong lĩnh vực tài nguyên nước được quy định tại Điều 12 Luật Tài nguyên nước, gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Ngoài ra còn có sự chồng lấn về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi với hành lang bảo vệ nguồn nước; sự giao thoa trong công tác điều hòa; phân bổ nguồn nước trong mùa kiệt giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (khoản 3 Điều 54, điểm b khoản 2 Điều 70 và Điều 72 Luật Tài nguyên nước) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (điểm c Điều 56 Luật Thủy lợi).
Trước nhu cầu lớn về khai thác, sử dụng nguồn nước hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung. Chính vì vậy, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với các chính sách, nội dung trọng tâm, trọng điểm về cơ bản cần bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Kim Nhung.
Đề cập về bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Kim Nhung nêu quan điểm: Khoản 1 Điều 4 của dự án Luật quy định: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với các luật khác về thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước; điều tra cơ bản về tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống hạn hán thiếu nước, lũ lụt, ngập ủng nhân tạo; phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ thì thực hiện theo quy định của Luật Tài nguyên nước”.
Cách quy định này của dự án Luật là cách quy định về thứ tự ưu tiên áp dụng luật ngay trong văn bản mà không áp dụng theo quy định chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng về phương pháp xử lý xung đột pháp luật nêu trên ở khía cạnh trái với nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Việc quy định này có thể dẫn đến nguy cơ vô hiệu hóa các luật chuyên ngành khác điều chỉnh phù hợp hơn đối với một quan hệ xã hội cụ thể. Chẳng hạn, đối với việc ưu tiên áp dụng quy định của dự án Luật đối với nội dung về “phòng, chống hạn hán thiếu nước, lũ lụt, ngập úng nhân tạo” thì sẽ vô hiệu hóa các quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều... là những luật đang quy định đầy đủ, chặt chẽ liên quan đến việc phòng chống hạn hán, lũ, lụt... Nếu luật nào cũng xác định luật mình được ưu tiên thì sẽ dẫn đến trong một quan hệ xã hội cụ thể có hai luật cùng được ưu tiên cũng không thể xác định được văn bản luật cần áp dụng.
Với lý lẽ trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Kim Nhung đề nghị rà soát kỹ các quy định của dự án Luật này với các luật có quan, xử lý ngay các “quy định khác nhau” để tránh làm tiếp tục nảy sinh các liên xung đột trong quản lý nhà nước và trong áp dụng pháp luật, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật đã quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp đặc thù cần có quy định riêng thì quy định ngay tại điều, khoản đó và nói rõ không áp dụng quy định của luật cụ thể có liên quan mà áp dụng quy định của Luật này.
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Vũ Ngọc Hưng- Trưởng phòng Bảo vệ môi trường, Cục An toàn môi trường (Bộ Công Thương) cho rằng, cần rà soát toàn bộ các quy định để đảm bảo tính thống nhất từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư (pháp luật đầu tư, môi trường, xây dựng, tài nguyên nước, cấp thoát nước).
Ngoài ra, trong dự án Luật có nhiều nội dung quy định liên quan đến vấn đề nước thải và đây cũng là một nội dung chính trong các chính sách quản lý tài nguyên nước như: Cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Do vậy, ông Vũ Ngọc Hưng đề nghị xem xét việc đưa vào phạm vi hoặc định nghĩa về tài nguyên nước.
Ông Phùng Kim Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La.
Đề cập về hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về tài nguyên nước, ông Phùng Kim Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La nêu quan điểm: Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung các nhóm nội dung trọng tâm, trọng điểm về đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước, xã hội hóa ngành nước, các quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương. Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước.
Theo ông Phùng Kim Sơn, để thực hiện được các nhiệm vụ vụ trên, cần rà soát những bất cập, chồng chéo với các luật khác có liên quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về tài nguyên nước và các nội dung Luật Tài nguyên nước khác còn bất cập, thiếu khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn./.