RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ TẠI DỰ THẢO LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI) BẢO ĐẢM CHẶT CHẼ, KHẢ THI

13/03/2023

Dự kiến tại phiên họp thứ 21 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi). Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Tài chính – Ngân sách để cho ý kiến về một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), các đại biểu đề nghị rà soát kỹ lưỡng các quy định về thẩm định giá và Hội đồng thẩm định giá để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG, BÁM SÁT MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM SỬA ĐỔI LUẬT GIÁ

SẼ XIN Ý KIẾN ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH VỀ QUỸ BÌNH ỔN GIÁ TRONG DỰ THẢO LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo để thống nhất định hướng giải trình, tiếp thu và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã bám sát mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật đặt ra ban đầu và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, khắc phục vướng mắc, xác định rõ sự điều tiết của Nhà nước, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý là về thẩm định giá và Hội đồng thẩm định giá như thống nhất các quy định về thẩm định giá; rà soát các quy đinh về dịch vụ thẩm định giá như bổ sung nguyên tắc khi xây dựng kết quả thẩm định giá; bổ sung nguyên tắc thẩm định thương hiệu uy tín của cơ sở khám chữa bệnh khi đưa vào những đề án liên doanh, liên kết; quy định rõ hơn về nghĩa vụ của thẩm định viên về giá; rà soát các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong thẩm định giá của Nhà nước, vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng định giá Nhà nước, đối tượng của thẩm định giá Nhà nước; Hội đồng thẩm định giá…

Báo cáo một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu về thẩm định giá, để làm rõ cơ sở pháp lý và bảo đảm tính bao quát, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã thống nhất bổ sung quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá; chỉnh lý quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức liên quan trong đào tạo, thi, cấp, quản lý, thu hồi chứng chỉ và thẻ thẩm định viên về giá, đăng ký hành nghề thẩm định giá.

Về dịch vụ thẩm định giá, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý quy định về thuyền dịch vụ thẩm định giá nhằm bảo đảm chặt chẽ, khả thi trong thực hiện và thể hiện tại Mục 2 Chương VI (từ Điều 45 đến Điều 59). Chỉnh sửa điều kiện được thi thẩm định viên về giá; quy định về đăng ký hành nghề thẩm định giá; quy định về quyền, nghĩa vụ của thẩm định viên về giá; quy định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá, người chịu trách nhiệm về doanh nghiệp thẩm định giá ...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai báo cáo một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi)

Về thẩm định giá của Nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, dự thảo Luật đã quy định rõ nguyên tắc và cơ chế thực hiện thẩm định giá nhà nước. Đối với các trường hợp cụ thể phải thẩm định giá của Nhà nước, để bảo đảm tính hợp lý, đầy đủ, do đó, các đạo luật chuyên ngành sẽ xác định cụ thể; đồng thời quy định tăng cường phân cấp, phân quyền cho các Bộ, ngành, địa phương.

Dự thảo Luật xây dựng theo nguyên tắc từng cá nhân, tổ chức, cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với công việc mà mình thực hiện. Như, tổ chức thẩm định (Hội đồng thẩm định giá của Nhà nước) phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính chính xác, trung thực, khách quan với kết quả thẩm định đưa ra. Kết quả thẩm định giá mang tính chất cung cấp căn cứ, thông tin, tư vấn cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định giá tài sản. Mặc dù kết quả thẩm định giá không mang tính bắt buộc phải thực hiện mà là một trong những cơ sở để Cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, phê duyệt giá tài sản, song Hội đồng thẩm định, từng thành viên Hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả thẩm định không chính xác, trung thực. Cơ quan cơ thẩm quyền quyết định giá xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Để tiếp tục cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã rà soát, chỉnh lý, quy định cụ thể nhiều nội dung về hoạt động thẩm định giá của Nhà nước, theo đó đã bổ sung 02 Điều về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập Hội đồng thẩm định giá, quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá; chỉnh lý làm rõ quy định về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước “Hoạt động thẩm định giá của Nhà nước không áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá”; bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định giá tại khoản 2 Điều 61 Dự thảo Luật; bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thẩm định giá “xem xét, quyết định sử dụng kết quả của đơn vị tư vấn, doanh nghiệp thẩm định giá” và “Rà soát, đánh giá việc tuân thủ về thu thập, phân tích thông tin, lựa chọn phương pháp thẩm định giá, lập Báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá trong trường hợp thuê thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc thẩm định giá”... Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ, những quy định trên nhằm vừa tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, vừa bảo đảm tính khả thi, giúp các cá nhân, tổ chức liên quan yên tâm thực hiện đúng chức trách được giao.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu tại phiên họp

Cơ bản nhất trí với nội dung dự kiến tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị tiếp tục rà soát để quy định cụ thể hơn về địa vị pháp lý của Hội đồng thẩm định giá để bảo đảm khách quan và bảo vệ cán bộ. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng dự thảo Luật không nên quy định quá cứng về Hội đồng thẩm định giá tránh khó thực hiện trên thực tế.

Khoản 1 Điều 61 dự thảo Luật hiện quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định giá quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật này quyết định thành phần tham gia Hội đồng thẩm định giá trong số người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng. Hội đồng thẩm định giá phải có tối thiểu 3 thành viên, trong đó có ít nhất 50% thành viên bao gồm Chủ tịch Hội đồng có một trong các chứng nhận chuyên môn sau: a) Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành giá, thẩm định giá; b) Thẻ thẩm định viên về giá; c) Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá; d) Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng quy định cứng số lượng và tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng thẩm định giá sẽ khó khăn cho các địa phương khi thực hiện. Bởi tại địa phương có rất nhiều hội đồng thẩm định giá trong các lĩnh vực, nhưng số người được đào tạo chuyên môn lĩnh vực định giá là rất ít, số các cơ sở đại học số ít tại các trường kinh tế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách V Tuấn Anh phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Tuấn Anh đề nghị rà soát quy định về điều kiện thành lập Hội đồng thẩm định giá. Dẫn chứng thực tế khi một đơn vị bán tài sản công và phải thành lập Hội đồng thầm định giá với các yêu cầu điều kiện phải có chứng chỉ sẽ là vướng mắc tại cơ sở. Mặt khác thẩm định giá trong các lĩnh vực khác nhau đòi hỏi chuyên môn khác nhau như thẩm định giá trong lĩnh vực y tế khác với thẩm định giá đất…Nếu chỉ cần có chứng chỉ bồi dưỡng liệu có đảm bảo yêu cầu chuyên môn kinh nghiệm để đưa ra quyết định phù hợp. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc quy định về Hội đồng thẩm định giá cần gắn với chuyên ngành thay vì các tiêu chuẩn chung như có bằng đại học/cao đẳng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng./.

Bảo Yến