THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH HỌP MỞ RỘNG ĐỂ CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN TRONG GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)
Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Tạ Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh; Nguyễn Hữu Lợi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Kim Tuyến cho biết, năm 2021, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), hạch toán thu NSNN tại địa phương cơ bản được thực hiện theo trình tự, thủ tục và bao quát các nguồn thu phát sinh trên địa bàn.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thu NSNN trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, không đạt dự toán được Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh giao, thu NSNN trên địa bàn tỉnh năm 2021 giảm thu trên 1.900 tỷ đồng.
Mặc dù thu NSNN không đạt dự toán được giao nhưng địa phương phải cân đối ngân sách, huy động tất cả nguồn lực tài chính để bố trí chi các nhiệm vụ đã được HĐND tỉnh quyết nghị. Ngoài ra, địa phương huy động nguồn kinh phí để bố trí chi phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covdi-19, với tổng số tiền trên 2.800 tỷ đồng.
Trước những khó khăn nêu trên, địa phương đã ban hành văn bản báo cáo Bộ Tài chính về tình hình giảm thu NSNN tỉnh Tiền Giang năm 2021, đề nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ hỗ trợ khoản giảm thu ngân sách địa phương năm 2021. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định hỗ trợ bù giảm thu ngân sách tỉnh Tiền Giang năm 2021 với số tiền là 567 tỷ đồng.
Việc Trung ương kịp thời hỗ trợ kinh phí giảm thu cho ngân sách tỉnh Tiền Giang đã giải quyết được khó khăn trong cân đối thu, chi ngân sách tỉnh năm 2021. Địa phương đã bố trí kinh phí này để chi chính sách an sinh xã hội, phân bổ các công trình cấp thiết tại địa phương nhằm phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo nhanh chóng phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tổng thu ngân sách tỉnh Tiền Giang năm 2022 là 10.920,744 tỷ đồng, đạt 123,71% dự toán năm, bao gồm: Thu nội địa là 10.499,371 tỷ đồng, đạt 123,33% dự toán năm; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 392,576 tỷ đồng, đạt 124,63% so với dự toán.
Đối với chi NSNN, tổng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2022 là 14.903,207 tỷ đồng, đạt 121,28% dự toán năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển là 6.442,394 tỷ đồng, đạt 163,48% dự toán năm; chi thường xuyên là 8.449,262 tỷ đồng, đạt 104,99% dự toán năm.
Đồng chí Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu tại buổi làm việc.
Bên cạnh đó, năm 2022, các cơ quan, đơn vị và địa phương và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc chấp hành pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, từ đó có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, đã khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn NSNN, tài sản công tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương trên địa bàn tỉnh...
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã đặt nhiều vấn đề thảo luận, đề nghị tỉnh Tiền Giang làm rõ các nội dung liên quan đến triển khai thực hiện các chính sách trong công tác thu, chi NSNN; đấu giá quyền sử dụng đất, giảm tiền thuê đất năm 2022; chuyển nguồn, phân bổ vốn đầu tư công trung hạn; giải ngân vốn đầu tư công; quản lý các nguồn quỹ; chính sách về đất đai, tỷ lệ phân bổ, điều tiết nguồn thu tiền sử dụng đất; bất cập trong tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dịch vụ công, việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 75 của Quốc hội; tình hình thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; đồng thời, làm rõ những khó khăn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; những vấn đề địa phương còn vướng do cơ chế chính sách trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội...
Các vấn đề Đoàn giám sát đặt ra đã được lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tiền Giang giải trình làm rõ; đồng thời, kiến nghị đến Đoàn giám sát xem xét, trình Quốc hội ban hành bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về xác định các khoản loại trừ khi tính tăng thu ngân sách địa phương; việc sử dụng tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương; việc chuyển nguồn NSNN sang năm sau…
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tiếp thu ý kiến Đoàn giám sát.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Phú Hà đánh giá cao báo cáo của tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị kỹ lưỡng, bám sát mục đích, nội dung, yêu cầu giúp Đoàn giám sát có cơ sở phục vụ thẩm tra báo cáo của Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Đồng thời, biểu dương kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua, nhất là năm 2022 đã có nhiều chi tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đồng chí yêu cầu tỉnh tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc, chi tiết toàn bộ các khoản chuyển nguồn theo Nghị quyết 74 của Quốc hội; bổ sung số liệu về báo cáo tài chính nhà nước; lưu ý tỉnh rà soát, bổ sung thông tin liên quan đến kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đất đai và một số nội dung trọng tâm khác. Liên quan đến các quỹ đầu tư phát triển, tỉnh cần rà soát lại trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu quỹ đầu tư phát triển, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các quỹ này.
Đối với những kiến nghị của tỉnh, Đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cảm ơn Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã quan tâm hỗ trợ cho tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua, nhất là tham mưu Trung ương, Quốc hội hỗ trợ nguồn kinh phí hụt thu của tỉnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2021, đã giúp cho tỉnh điều hành tốt công tác an sinh xã hội của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang mong muốn, Đoàn giám sát tiếp tục quan tâm, giúp đỡ để tỉnh tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong công tác dự toán, quyết toán NSNN, báo cáo tài chính nhà nước, thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong những năm tiếp theo. Qua đó góp phần đưa tỉnh Tiền Giang trở thành điểm sáng trong tăng trưởng, phát triển kinh tế trong thời gian tới.