Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (10/2022). Tới đây, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra từ ngày 5-7/4, dự thảo Luật sẽ được tập trung thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dự án luật trước khi trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tới đây (5/2023).
Nhiều quy định mới về vai trò của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Quan tâm tới quy định tại Dự thảo về vai trò của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Pha cho biết, về cơ bản những chủ trương, quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 18-NQ/TW về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu để thể chế hóa vào dự thảo Luật Đất đai lần này. Cụ thể: Dự thảo Luật lần này có 9 điều liên quan đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Ba điều hoàn toàn mới là các điều 68, 84 và 156. Đặc biệt, vấn đề giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Luật Đất đai hiện hành quy định ở gần cuối (Điều 198 chung với giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân) thì nay được đưa lên Chương II (Điều 20) với nội dung thể chế hóa khá đầy đủ quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 18- NQ/TW về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Ngoài ra, 03 điều luật mới cũng là những nội dung rất quan trọng ghi nhận vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đó là: Điều 68. Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Điều 84. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất đã được thu hồi: Có quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thành viên của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; và Điều 156. Hội đồng thẩm định giá đất: Có quy định Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện là thành viên của Hội đồng thẩm định giá đất.
Cần quy định một số tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam có quyền tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai,...
Để phát huy được vai trò thực chất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên Mặt trận trong việc giám sát, tham vấn ý kiến của người dân về quản lý, sử dụng đất, TS. Nguyễn Văn Pha kiến nghị tiếp tục hoàn thiện một số nội dung sau:
TS. Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Thứ nhất, quy định Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… là một quy định hoàn toàn mới, thể hiện sự kỳ vọng cao của Đảng cũng như cơ quan soạn thảo vào vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, quy định chỉ có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền này là chưa phản ánh đầy đủ tính chất của tổ chức Mặt trận, chưa huy động được sức mạnh trí tuệ của hệ thống Mặt trận vào hoạt động quan trọng này của Nhà nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Trong các tổ chức thành viên của Mặt trận lại được phân thành các tổ chức: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội… Trong đó 05 tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Cựu chiến binh) có lực lượng hội viên, đoàn viên rất đông đảo với hệ thống từ trung ương đến cơ sở. Bên cạnh đó, một số liên hiệp thành viên của Mặt trận có lực lượng các chuyên gia, nhà khoa học, là lực lượng rất quan trọng trong hoạt động góp ý, phản biện chính sách pháp luật về đất đai.
Trong thực tế tổ chức và hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay, nếu giao cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyền “tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; tham gia ý kiến đối với dự án có sử dụng đất do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư” (khoản 1 Điều 20 Dự thảo Luật) thì việc thực hiện là khả thi bởi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có bộ máy cán bộ chuyên nghiệp, có lực lượng chuyên gia tư vấn hùng hậu, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động góp ý, phản biện các dự án luật lớn thời gian qua.
Tuy nhiên, nếu giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cùng cấp; tham gia ý kiến về trường hợp cần thiết phải thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất; tham gia xây dựng bảng giá đất, hội đồng thẩm định giá đất; tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp về đất đai… (khoản 2 Điều 20 dự thảo Luật) thì e là hơi “quá sức” của Mặt trận. Bởi lẽ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã có lực lượng cán bộ chuyên trách rất hạn chế cả về số lượng và năng lực làm công tác góp ý, phản biện. Cùng với đó, việc huy động các chuyên gia tư vấn cũng gặp nhiều khó khăn cả về người có đủ năng lực, cả về kinh phí thực hiện. Nếu chúng ta quá kỳ vọng vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương mà không có những điều kiện đảm bảo cần thiết thì chắc sẽ khó có chất lượng tốt trong hoạt động góp ý, phản biện, nếu không muốn nói sẽ chỉ là hình thức.
Vì vậy đề nghị, Điều 20 dự thảo Luật cần quy định ngoài Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì cần có một số tổ chức thành viên có quyền tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc quy định thêm các đối tượng này sẽ tạo thêm sức mạnh cho hệ thống Mặt trận, để sự tham gia của khối Mặt trận vào các hoạt động quản lý, sử dụng đất đai của nhà nước thực sự có chất lượng, tránh hình thức.
Thứ hai, Điều 156 Dự thảo Luật quy định về Hội đồng thẩm định giá đất có quy định Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện là thành viên Hội đồng định giá đất cùng cấp. Đây là quy định hoàn toàn mới, nếu được Quốc hội thông qua thì trách nhiệm của Mặt trận sẽ rất nặng nề.
Thẩm định giá đất từ trước đến giờ vỗn dĩ là công việc thuần túy chuyên môn của các cơ quan nhà nước. Luật Đất đai hiện hành quy định “cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể” (khoản 3 Điều 114).
Vì thế, để thực hiện được nhiệm vụ (cũng là quyền) quan trọng này, cần bổ sung các quy định bên cạnh Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn phải có thêm một số tổ chức thành viên khác, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội. Trong Hội đồng thẩm định giá đất, Mặt trận và các tổ chức thành viên không thể làm việc theo lối hành chính. Để có ý kiến thực sự xác đáng, mang hơi thở của cuộc sống thì cần phải có quy định bắt buộc các tổ chức này phải tham vấn ý kiến người dân, nhất là người dân chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của dự án. Có như vậy, việc tham gia của Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong Hội đồng thẩm định giá đất mới thực sự có ý nghĩa.
Thứ ba, tại Điều 219 Dự thảo Luật quy định về giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai có quy định “công dân tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai”. Dù Luật Đất đai hiện hành cũng có quy định về giám sát của công dân đối với việc quản lý và sử dụng đất đai, song trong thực tiễn hiện nay, hoạt động giám sát các cơ quan hữu quan trong quản lý và sử dụng đất của công dân chủ yếu vẫn thông qua các tổ chức đại diện như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số tổ chức thành viên của Mặt trận như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… Hình thức tự công dân tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát thường là tự phát, nhỏ lẻ và hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, khái niệm “các tổ chức đại diện” khá rộng và đa nghĩa, có thể bị vận dụng sai trong thực tiễn, gây khó dễ cho chính quyền cũng như các cơ quan hữu quan. Nên chăng quy định rõ là “tổ chức đại diện hợp pháp”./.