RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI THU HỒI ĐẤT ĐẢM BẢO CỤ THỂ, DỄ ÁP DỤNG

10/04/2023

Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm góp ý của Nhân dân với tỷ lệ cao (chiếm tỷ lệ 9.93% - số liệu thống kê của Bộ TN và MT tính đến ngày 02/4/2023). Hiện nay, nội dung này tiếp tục được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến trên nhiều phương diện về: nguyên tắc bồi thường; phương án bồi thường, hỗ trợ; việc lập và thực hiện dự án tái định cư,.. nhằm đảm bảo quy định sau khi ban hành có tính khả thi cao.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG NGÀY 07/4: HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH TIẾP TỤC CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy đinh các cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong đó có những quy định đổi mới mang tính đột phá về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế luôn có sự vận động phát triển nên cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Vì vậy, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã có nhiều quy định mới được chỉnh sửa, bổ sung nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Góp ý nhằm tiếp tục hoàn thiện quy định tại dự thảo, luật gia Nguyễn Văn Hợp, Hội luật gia Việt Nam kiến nghị, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi; nghiên cứu bổ sung hoàn thiện cơ chế tạo quỹ đất, huy động các nguồn vốn xây dựng các khu dân cư để bố trí chỗ ở mới cho người có đất thu hồi.

Cũng theo luật gia Nguyễn Văn Hợp, cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy định về giá đất tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đảm bảo phù hợp với giá thị trường, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Người có đất bị thu hồi được tham gia vào quá trình định giá đất thu hồi, người có đất bị thu hồi phải là một bên trong quy trình định giá đất. Trường hợp các bên không thống nhất được giá đất thu hồi thì người có đất bị thu hồi có quyền yêu cầu cơ quan thẩm định giá độc lập thẩm định lại, giá đất được xác định theo giá của cơ quan thẩm định giá đưa ra.

Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung hoàn thiện quy định trong pháp luật đất đai về chia sẻ giá trị gia tăng từ đất không phải do nhà đầu tư mang lại cho người có đất thu hồi, đảm bảo phân phối công bằng giá trị gia tăng từ đất giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách tái định cư tại chỗ khi xây dựng mới hoặc chỉnh trang, cải tạo khu đô thị, khu dân cư nông thôn;...

PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

Nêu quan điểm về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, các quy định về tái định cư trong dự thảo Luật Đất đai năm 2023 về cơ bản đã phù hợp với thực tiễn tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, để các quy định về tái định cư được đầy đủ, phù hợp, có tính khả thi hơn, cần phải tiếp tục sửa đổi bổ sung và hoàn thiện.

 PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý đề nghị, nên bổ sung điều khoản liên quan đến việc “phải tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu kỹ dự án tái định cư để đảm bảo an toàn sống cho các hộ gia đình và cá nhân”. Bởi vì, vừa qua có những dự án tái định cư, điều tra khảo sát không kỹ, bố trí gần sông, suối nên bị ngập lụt, bị lũ quét hoặc có những dự án nằm sát vách núi bị sạt lở đất đe dọa tới an toàn sống của các hộ gia đình, cá nhân.

Ngoài ra, khi xác định thẩm quyền quyết định giá đất để tính tiền sử dụng đất và giá nhà tái định cư, cần quy định cụ thể thẩm quyền; cần làm rõ nội hàm cộng đồng dân cư; bổ sung quy định thời gian chậm trả tối đa là bao nhiêu ngày;...

Nghiên cứu về nội dung này, ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga, Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết, nhà nước thu hồi đất là một vấn đề gây tranh cãi trên toàn thế giới. Mặc dù là một thành phần quan trọng của phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị hóa, nhưng cũng có thể dẫn đến việc di dời và xáo trộn cuộc sống của người dân và cộng đồng, dẫn đến một loạt các thách thức kinh tế và xã hội. Một trong những mối quan tâm chính trong bối cảnh thu hồi đất là bồi thường cho người sử dụng đất, đặc biệt trong trường hợp quyền của họ không được bảo vệ đầy đủ.

Để hóa giải vướng mắc trong tạo sinh kế cho người dân yên tâm di dời đến nơi ở mới, ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga đề xuất, nhà nước có thể xem xét cơ chế chia sẻ lợi ích giữa chính quyền địa phương, nhà đầu tư và người dân khi thu hồi đất.

Theo ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga, trả tiền một lần vốn dĩ không thể giải quyết được vấn đề sinh kế bền vững vì chỉ là kho của cải chứ không phải là dòng thu nhập. Để hỗ trợ sinh kế lâu dài cho họ, cần có các hình thức tạo lập dòng thu nhập trong tương lai. Chia sẻ lợi ích có thể được thực hiện bằng tiền (Giảm giá dịch vụ, nhận cổ phần từ các dự án, chia lợi nhuận thu được từ việc khai thác đất bị thu hồi...) và/hoặc không bằng tiền (làm việc tại các dự án sử dụng đất thu hồi, bảo hiểm an sinh xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng cho cộng động địa phương có đất thu hồi như trường học, bệnh viện, cấp thoát nước, đường xá, công viên, chợ…). Việc chia sẻ lợi ích này phải mang tính chất lâu dài, bền vững; đáp ứng được các mục tiêu tạo cơ chế bổ sung thu nhập dài hạn cho người dân bị thu hồi, tạo nguồn lực để địa phương phát triển; đồng thời góp phần tạo quan hệ đối tác giữa nhà đầu tư và cộng đồng dân cư địa phương dựa trên việc chia sẻ tiền thuê tài nguyên.

Đây cũng là cách tiếp cận được nhiều các quốc gia phát triển đang sử dụng để giúp người bị thu hồi đất khắc phục thiệt hại lâu dài, như ở Colombia từ những năm 1990 đã áp dụng hình thức phân chia lợi ích theo tỷ lệ phần trăm doanh thu của các nhà máy thủy điện cho người dân phải di dời; hay cộng đồng bị thu hồi đất để làm các dự án thủy điện ở Canada là những cổ đông, những nhà đầu tư trực tiếp của dự án ... Cách tiếp cận này đã tránh được sự dịch chuyển kinh tế của địa phương, cải thiện sinh kế lâu dài cho người bị thu hồi đất và hạn chế được rủi ro bần cùng hóa của hình thức bồi thường bằng tiền một lần.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội

Để nâng cao tính khả thi của Điều khoản tại dự thảo, tránh việc quy định theo kiểu chung chung và mang nặng tính hình thức, PGS.TS Bùi Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội đề nghị, quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất cần cụ thể, dễ áp dụng. Cụ thể: đối với khoản 1 và khoản 2 Điều 105 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới chỉ chú trọng đến nhóm người trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong độ tuổi lao động, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường; theo đó, ngoài việc được bồi thường bằng tiền, họ còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm mới. Quy định này là cần thiết, bởi lẽ, những người bị thu hồi đất nông nghiệp hết tuổi lao động thì khó có thể tìm kiếm được việc làm mới cho dù được đào tạo, chuyển đổi nghề.

Do vậy, Dự thảo Luật nên bổ sung quy định những người bị thu hồi đất nông nghiệp hết tuổi lao động khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền còn được hưởng trợ cấp từ quỹ thất nghiệp, quỹ bảo trợ xã hội. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng hỗ trợ, tư vấn cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi 106 đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường về phương án, cách thức sử dụng có hiệu quả số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài cho họ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Quang Tuyến cũng đề xuất, cơ quan soạn thảo cân nhắc làm rõ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải tổ chức lấy ý kiến của người có đất bị thu hồi về phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm thông qua các phương thức cụ thể nào; trình tự, thủ tục tổ chức lấy ý kiến thực hiện như thế nào. Trong trường hợp người bị thu hồi đất không đồng ý với phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm thì phương án này có được điều chỉnh, sửa đổi theo ý kiến góp ý của họ không? Tỷ lệ cụ thể bao nhiêu % ý kiến của người bị thu hồi đất không đồng ý thì được coi là không đồng thuận với phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm và ngược lại… Có như vậy thì việc lấy ý kiến của người bị thu hồi đất vào phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc mới đem lại hiệu quả thực chất, tránh tính hình thức hoặc quy định chỉ nằm trên giấy mà không có tính khả thi, không phát huy được tính tích cực trên thực tế./.

Lê Anh