TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 09/5: KHAI MẠC PHIÊN HỌP LẦN THỨ 23 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ PHÁT BIỂU KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 23 CỦA UBTVQH: XEM XÉT KHỐI LƯỢNG LỚN CÁC NỘI DUNG CHUẨN BỊ CHO KỲ HỌP QUỐC HỘI
Hoàn thành toàn diện các mục tiêu thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2022 đã đề ra
Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2022, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế phục hồi tích cực sau dịch, kết quả thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2022 khả quan hơn so với báo cáo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng
Trong đó, chính sách tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, hỗ trợ tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ứng phó kịp thời với những diễn biến thực tế, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả thu NSNN không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân (chưa được tính trong dự toán) mà còn vượt so với dự toán, qua đó đảm bảo nguồn lực cho Chương trình phục hồi, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; triệt để tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công.
Đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; giảm bội chi NSNN so với dự toán và báo cáo Quốc hội, trong khi vẫn đảm bảo được nguồn lực cho chương trình phục hồi và bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho 05 dự án đường bộ cao tốc được chuyển từ vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN của VEC và VIDIFI theo Nghị quyết của Quốc hội.
Nợ công giảm và thấp hơn mức trần ngưỡng cảnh báo quy định tại Nghị quyết Quốc hội, tiếp tục cơ cấu bền vững nợ công.
Chủ động điều hành, giảm mức phát hành trái phiếu Chính phủ so với kế hoạch đầu năm phù hợp với tiến độ thu, chi NSNN và sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước.
Công tác triển khai dự toán chi NSNN một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm, phân bổ, kéo dài
Toàn cảnh Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Bên cạnh những mặt đạt được, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như công tác triển khai dự toán chi NSNN một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm, phân bổ, kéo dài; triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 còn nhiều vướng mắc, tỷ lệ giải ngân còn thấp. Việc ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong việc thanh toán, quyết toán một số khoản kinh phí, xử lý tài sản, viện trợ, tài trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn chậm. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm; tình trạng sai phạm trong việc đấu thầu, mua sắm; thất thoát, lãng phí vẫn còn xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị…
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do trong quá trình điều hành tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng không thuận lợi đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN (như áp lực tăng tỷ giá, lãi suất, lạm phát; nguyên nhiên liệu đầu vào,...) khiến nhiều dự án bị chậm, tăng vốn, đội vốn...
Một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong công tác triển khai dự toán chi NSNN được giao, chưa làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án và chưa xử lý kịp thời các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng,...; phản ứng, đề xuất ban hành một số chính sách và hướng dẫn, tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện còn chậm.
Về tình hình phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, dự toán NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết định với: tổng số thu là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tổng số chi là 2.076,2 nghìn tỷ đồng; bội chi NSNN là 455,5 nghìn tỷ đồng (4,42%GDP).
Đề xuất 6 giải pháp chủ yếu về thu, chi NSNN năm 2023
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu dự toán NSNN năm 2023 đã được Quốc hội quyết định, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương triển khai các nhiệm vụ, Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023, trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp sau:
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Một là, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Theo dõi sát sao tình hình kinh tế thế giới và trong nước; dự báo và đánh giá đúng tình hình, nhận diện kịp thời các rủi ro; đề xuất các giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tài khoá, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu NSNN.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời có giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, phấn đấu tăng thu để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Ba là, tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định. Thực hiện rà soát, cắt giảm các khoản kinh phí thường xuyên NSTW đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương nhưng đến ngày 30/6/2023 chưa phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ chi đột xuất, cấp bách phát sinh theo quy định.
Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN; tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu thầu, mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng tài sản, NSNN.
Bốn là, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép, các nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ công, nợ của chính quyền địa phương, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Bố trí thanh toán trả nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn.
Năm là, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Sáu là, tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đảm bảo dự toán thu NSNN. Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025./.