TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 10/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN CÁC BÁO CÁO LIÊN QUAN ĐẾN KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

10/05/2023

Sáng 10/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2023. Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 09/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 09/5: KHAI MẠC PHIÊN HỌP LẦN THỨ 23 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Phiên họp lần thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/5/2023

Theo đó, trước khi tiến hành thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo (tóm tắt) về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH trình bày báo cáo (tóm tắt) về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2023.

8h01: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu điều hành Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, sáng nay 10/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Dự phiên họp có Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng các bộ, ban, ngành hữu quan.

8h04: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự… 

Cử tri và Nhân dân ghi nhận sự cố gắng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành linh hoạt, hiệu quả; đề xuất để Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, Thường trực Chính phủ sâu sát thực tiễn, thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn trong phục hồi phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát… 

Phản ánh về những băn khoăn lo lắng của cử tri và Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân quan tâm, lo lắng về tình trạng nguyên vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng cao, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, sức mua giảm, nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra không tiêu thụ được ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống của người dân; kết quả triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn…

Cử tri và Nhân dân cũng lo lắng về các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài cầm đầu thông qua gọi điện, nhắn tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau hoạt động trên không gian mạng tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn của người dân... gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho xã hội.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết 5/5 kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. 

Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động ở các khu công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn; đồng thời chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của cử tri và Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi),  dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)…  và quan tâm đầu tư thêm để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội.

08h17: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri (KNCT) liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, 2.588 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8 %.

Cụ thể, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 91/91 kiến nghị. Cử tri hoan nghênh và rất đồng tình với sự đổi mới mạnh mẽ đem lại hiệu quả toàn diện trong hoạt động của Quốc hội thời gian vừa qua, tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Tiếp thu KNCT, Quốc hội đã không ngừng thay đổi phương thức hoạt động, đưa hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng kịp thời với mục tiêu đặt lợi ích của cử tri và Nhân dân lên hàng đầu. 

Một số vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm trong thời gian qua đã được UBTVQH tổ chức chất vấn trực tiếp và trực tuyến tới các Đoàn ĐBQH, gồm: giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng…

Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.466/2.469 kiến nghị. Nhìn chung, Chính phủ, các Bộ, ngành đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết KNCT, thể hiện tính cầu thị, tiếp thu KNCT khi thực hiện công tác quản lý, điều hành. Nội dung giải quyết, trả lời KNCT rõ ràng. Đối với những KNCT chưa thể giải quyết được ngay, các Bộ, ngành đều ghi nhận, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật trong thời gian tới.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 20/20 kiến nghị. Trong đó, TANDTC, VKSNDTC đã trả lời việc hướng dẫn thi hành và nghiên cứu, tham mưu trình Quốc hội sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015…

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã chỉ rõ một số hạn chế đối với việc tập hợp, tổng hợp KNCT là chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết; có kiến nghị ban hành hướng dẫn về một số nội dung mặc dù các nội dung đó đã được pháp luật quy định. 

Đối với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, còn gặp một số hạn chế, vướng mắc như sau: 

Thứ nhất, mặc dù quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do cơ quan nhà nước thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật nhưng đến nay KNCT vẫn chưa được giải quyết. 

Thứ hai, một số KNCT đã được các Bộ, ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.

Thứ ba, một số KNCT chưa được kịp thời giải quyết do công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành hoặc giữa Bộ, ngành với địa phương có lúc còn chưa chặt chẽ.
Thứ tư, một số quy định của Luật mặc dù đã được Quốc hội thông qua từ nhiều nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chưa được triển khai do một số Bộ chậm trình ban hành văn bản hướng dẫn; cá biệt có trường hợp đã tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn nhưng lại để xảy ra sai sót nên quy định không được tổ chức thực hiện.

Từ những hạn chế nêu trên, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành và thực hiện văn bản QPPL, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và chất lượng của hệ thống pháp luật, kịp thời phát hiện các sai sót để kiến nghị hoàn thiện.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.

8h38: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, nội dung về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành hữu quan. Tiếp tục nội dung phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình sẽ trình bày báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2023, nêu rõ tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, trả lời và thực hiện kiến nghị của người dân.

8h39: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2023

Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4 năm 2023, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân theo dõi và bày tỏ sự quan tâm về các chuyến thăm ngoại giao của Quốc hội Việt Nam đến do Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn tại 03 nước Mỹ Latin; bày tỏ sự quan tâm và nhất trí cao với chương trình, nội dung Kỳ họp thứ Năm, nhất là nội dung xem xét, cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Cử tri và Nhân dân vui mừng trước sự kiện khánh thành và thông xe 02 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây; về việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm lãi suất của Ngân hàng thương mại; tin tưởng vào kết quả phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua…

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân lo lắng trước tình hình số ca mắc Covid-19 tăng cao trong thời gian gần đây; vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng, khả năng gây rủi ro và thiệt hại cho người mua bảo hiểm; tình trạng bạo lực học đường, trẻ hóa độ tuổi phạm tội; việc vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy và chất cấm có chiều hướng phức tạp…

Trong kỳ báo cáo, Ban Dân nguyện đã nhận được văn bản trả lời đối với 2588/2.593 kiến nghị cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV (đạt 99,9%). 

Trong tháng 4/2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 3/2023. Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của Quốc hội, các cơ quan đã tiếp 486 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua tiếp công dân, đã chuyển 66 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản 16 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 392 vụ việc. 

Trong kỳ báo cáo, qua công tác theo dõi việc giải quyết đối với đơn đã được các cơ quan của Quốc hội chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết, Ban Dân nguyện đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc kéo dài. 

Trên cơ sở đó, Ban Dân nguyện kiến nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH cần quan tâm hơn nữa hoạt động giám sát theo lĩnh vực phụ trách, nhất là việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong các báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng.

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, các Bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các văn bản hướng dẫn để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp và các bộ ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại; Chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và các bộ ngành hữu quan có giải pháp, hiệu quả nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và giải quyết kịp thời bạo lực học đường…

8h53: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gợi ý một số nội dung trọng tâm thảo luận.

Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên quan đến tâm tư, nguyện vọng chung của cử tri và Nhân dân. Bên cạnh đánh giá những thành tựu, ưu điểm và sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, người dân quan tâm tác động của tình hình chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội của thế giới tác động đến Việt Nam, tạo áp lực đối với nền kinh tế và xã hội Việt Nam trong điều kiện nền kinh tế mở; các yếu tố làm cho đời sống của Nhân dân khó khăn. Về tình hình phát triển kinh tế, bên cạnh đánh giá các kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm 2023, người dân quan tâm, lo lắng về tăng trưởng thấp, sự ổn định vững chắc của kinh tế vĩ mô, sức ép về lạm phát, những khó khăn trong đời sống sản xuất… 

Cử tri, Nhân dân quan tâm đến quá trình sửa Luật đất đai, công tác quy hoạch, đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, công tác cải cách hành chính, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh để tháo gỡ khó khăn.

Đối với các vấn đề xã hội, bên cạnh những kết quả đạt được, cử tri, Nhân dân lo lắng các vấn đề về giáo dục như sách giáo khoa, thiếu giáo viên, bạo lực học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường; tháo gỡ các điều kiện đấu thầu mua sắm thuốc; lo lắng về tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao; cá độ lừa đảo trên mạng; lộ lọt thông tin cá nhân…

Bên cạnh đánh giá cao kết quả phòng, chống tham nhũng tiêu cực, cử tri và Nhân dân băn khoăn về chuyển biến của các cơ quan, đơn vị còn chậm, việc thu hồi tài sản, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm không dám làm; đồng thời cử tri mong muốn tiếp tục triển khai quyết liệt công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Về báo cáo Công tác dân nguyện giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đã có 2.593 ý kiến của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội; trong đó 99,8%  ý kiến đã được trả lời. Một số kiến nghị đang trong quá trình giải quyết liên quan đến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do cơ quan nhà nước thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật; các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; các kiến nghị của cử tri đã được các bộ, ngành tiếp thu, triển khai nhiều biện pháp giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm…

9h01: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới: Phản ánh đúng những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm

Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới đánh giá cao báo cáo nêu những vấn đề Nhân dân và cử tri quan tâm và có những kiến nghị xác đáng. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cũng đưa ra một số kiến nghị cụ thể để tiếp tục hoàn thiện báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh ghi nhận tình hình các tội phạm lừa đảo được báo cáo phản ánh chính xác thực tế khi lừa đảo bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, qua mạng khiến người dân ảnh hưởng thiệt hại tài sản. Tuy nhiên đề nghị cân nhắc khi đưa ra nhận định “tội phạm lừa đảo gây hệ quả khó lường cho xã hội” trong báo cáo, mà nên sửa thành “gây hậu quả nghiêm trọng xã hội” để phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả của tội phạm gây ra.

9h09: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết báo cáo của MTTQ đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên, cần bổ sung thêm một số nội dung quan trọng vào báo cáo tóm tắt để đọc trước Quốc hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, các Nghị quyết của Quốc hội thì quy hoạch ngành than vẫn được triển khai cho đến khi có quy hoạch mới, tuy nhiên, do quy hoạch năng lượng chưa được phê duyệt, quy hoạch điện VIII chưa hoàn thiện, gây nhiều vướng mắc cho việc triển khai phát triển ngành than. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị dành dung lượng phù hợp cho nội dung thúc đẩy triển khai lập, phê duyệt các quy hoạch. 

Bên cạnh đó, về việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, sức chịu đựng của các doanh nghiệp đang bị bào mòn sau thời gian chống chịu đại dịch Covid, nên rất cần có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để tiếp cận được nguồn vốn, tiếp tục phục hồi và phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng cần kịp thời triển khai các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các thủ tục hành chính, điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường… để xử lý đúng sai phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ điều kiện được duy trì sản xuất, kinh doanh, mở rộng phát triển.

Về việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong triển khai thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cần sớm xử lý, tháo gỡ những vướng mắc về vấn đề này để có thể thực hiện đồng bộ và hiệu quả.

9h20: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao nội dung báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân nguyện. Các báo cáo đã thể hiện sự chuẩn bị công phu, sâu chuỗi nhiều văn bản, số liệu, tư liệu và nhiều vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm... 

Góp ý về cách thức trình bày, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị báo cáo cần phải rà soát, cân nhắc để thể hiện rõ được đây thực sự là tiếng nói của cử tri và Nhân dân, mọi số liệu dẫn ra đều phải mang tính điển hình; đồng thời tránh đưa vào những nội dung đã cũ. 

Đối với các nội dung đề cập đến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng để đảm bảo dễ hiểu khi cử tri và Nhân dân tiếp cận, chỉ cần nêu nội dung vấn đề là được. Bên cạnh đó, cần rà soát, sắp xếp các đoạn, khổ trong Báo cáo để bảm bảo mạch lạc và logic về nội dung. 

Đối với một số nội dung liên quan đến dân tộc, tôn giáo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cách thể hiện phải thực sự chặt chẽ, không nêu chung chung, để tránh các đối tượng thù địch lợi dụng suy diễn và xuyên tạc. Bên cạnh đó, bổ sung thêm nội dung về sai phạm trong công tác đăng kiểm và việc vận chuyển trái phép ma túy qua đường hàng không ... bởi đây cũng là những vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm trong thời gian vừa qua.

09h50: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu

Về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị ý kiến, nguyện vọng, tâm tư của cử tri và nhân dân cần thể hiện ở cả hình thức và nội dung trong báo cáo. Đồng thời tán thành ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng báo cáo cần thể hiện rõ nét hơn ý kiến của nhân dân trong cách dùng từ, biểu đạt các nội dung mà nhân dân quan tâm, phản ánh rõ nét tâm tư, nguyện vọng của người dân. 

Qua báo cáo này, qua hoạt động tiếp xúc cử tri và tình hình thực tế, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, thời gian qua, hiện nay chúng ta đánh giá nhiều về những tác động về kinh tế, ảnh hưởng đến suy thoái, các khó khăn trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam có độ mở cao và quy mô nhỏ, khẳng định nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn khó khăn. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến ngành nông nghiệp. Một trong những yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu chính là gây hạn hán nghiêm trọng, trong khi ngành nông nghiệp nước ta chủ yếu tập trung nhiều ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số và miền núi. 

Thực tế cho thấy nhu cầu sử dụng nước hết sức quan trọng, tuy nhiên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, vấn đề này chưa được xem xét, đánh giá nhiều trong các báo cáo. Qua tiếp xúc cử tri, các ý kiến đều nêu rõ, trong bối cảnh hiện tượng nóng lên bất thường trong năm nay, các nguồn nước đang cạn kiệt, nhất là nguồn nước ngầm đang bị thiếu hụt nghiêm quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân.
Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị điều này cần được phản ánh, đề cập, thể hiện trong báo cáo để làm rõ hơn các mặt đời sống của người dân vùng nông thôn, miền núi và dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có đề xuất với Quốc hội về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc băn khoăn về thời gian thực hiện Chương trình này đến nay thế nào để đảm bảo nguồn dự trữ nước cho các vùng khô cạn, hoặc do điều kiện tự nhiên mà khô hạn. Vì đến nay một số công trình thủy điện lớn của Tây nguyên đang chậm tiến độ do nhiều yếu tố (như mặt bằng, phân bổ vốn…). Đề nghị cần quan tâm hơn đến vấn đề này, gắn với việc bảo đảm điều kiện chống hạn hạn trong giai đoạn hiện hữu sắp tới.

9h55: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo của Mặt trận Tổ quốc và Ban Dân nguyện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị báo cáo bổ sung thêm nội dung về phụ cấp cho cơ sở, theo đó, cần có khung hướng dẫn chung cho các địa phương, tránh trường hợp chênh lệch giữa các địa phương. 

Về vấn đề phụ cấp cho giáo viên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phản ánh, giáo viên ở các khu vực khó khăn có thu nhập khá thấp, gặp nhiều khó khăn trong đáp ứng các nhu cầu cuộc sống và công việc. Qua các phiên tiếp xúc cử tri, cử tri và nhân dân nhiều địa phương đề nghị nghiên cứu nâng mức phụ cấp cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non để lực lượng này có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị cần có chế độ đãi ngộ phù hợp với cán bộ y tế cơ sở. Cho rằng vấn đề này đã được đề cập nhiều lần, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cần sớm giải quyết hiệu quả.

9h58: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà phát biểu đánh giá cao báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2023 tương đối đầy đủ, toàn diện. Về lĩnh vực đối ngoại, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đề nghị bổ sung thêm thông tin về hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Trong đó nhấn mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, cũng như công tác người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã được triển khai đồng bộ và toàn diện.

10h01: Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Tham gia phát biểu ý kiến về báo cáo của UBTW MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng cần đánh giá tính thống nhất, tính logic giữa các phần trong báo cáo, lựa chọn nội dung đưa vào báo cáo chính thức đảm bảo hợp lý, có trọng điểm, tránh dàn trải.

Về tình hình phát triển kinh tế, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, nhiều địa phương còn tăng trưởng thấp, nhất là những địa phương có đóng góp lớn từ nhiều năm trước thì mất đà tăng trưởng. Về tình hình lao động, báo cáo còn có một số chi tiết mâu thuẫn, không thống nhất, cần lưu ý rà soát, cân nhắc lựa chọn nội dung, cách thể hiện đảm bảo chính xác, chặt chẽ và ngắn gọn và thống nhất.

Về báo cáo công tác giám sát việc thực hiện kiến nghị của cử tri, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, thời gian qua, việc giám sát thực hiện kiến nghị của cử tri đã được Quốc hội quan tâm, ngày càng đi vào nề nếp. Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết cần nêu rõ những lĩnh vực nào cho thấy hiệu quả trong công tác giám sát này, đi vào cụ thể từng khâu, từng nội dung, cơ quan, đơn vị nào có bước chuyển, tiến bộ, để báo cáo có sức nặng, phản ánh được hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong vấn đề này.

10h10: Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng báo cáo làm rõ một số nội dung liên quan đến thị trường lao động

Báo cáo tại phiên họp về tình trạng thiếu lao động tại một số nơi, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, trong thời gian qua vẫn còn tình trạng cục bộ một vài nơi, một vài thời điểm có sự chuyển dịch thị trường lao động, có nơi thừa, nơi thiếu lao động làm gián đoạn công tác sản xuất, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đã có sự điều tiết, hạn chế khó khăn trong công tác sản xuất. Do đó, đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước.

10h13: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tiếp thu

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cảm ơn các ý kiến cụ thể, sâu sắc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào nội dung báo cáo. Chia sẻ rằng việc tập hợp tổng hợp ý kiến cử tri là việc khó, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện báo cáo gửi đến Quốc hội. 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng làm rõ mỗi nhận định trong báo cáo đều trên cơ sở tổng hợp các phản ánh ghi nhận của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các kênh tiếp xúc cử tri và kênh của Mặt trận Tổ quốc. Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng giảm bớt bình luận mà tập trung phản ánh số liệu thô, phản ánh đúng ý kiến, tiếng nói của người dân. 

Khẳng định ý nghĩa quan trọng về chính trị, xã hội và nghị trường của báo cáo này, do đó tiếp tục rà soát hoàn thiện báo cáo, cân đối các nội dung phản ánh, lưu ý lưu lượng báo cáo để bảo đảm thời gian trình bày tại Quốc hội.

10h16: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu

Làm rõ vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu liên quan đến cách thức thống kê, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, việc tập hợp ý kiến của cử tri thực hiện theo nguyên tắc có bao nhiêu ý kiến, kiến nghị tập hợp hết và chuyển cho cơ quan chức năng trả lời hoặc xử lý. Hơn nữa, tùy vào mỗi thời điểm, kiến nghị của cử tri khác nhau nên số lượng ý kiến, kiến nghị tăng giảm tùy theo mức độ quan tâm.

10h18: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung dự thảo báo cáo, đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan. Việc tổng hợp thành các nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân là hợp lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao với các kiến nghị đã nêu rất sát với ý kiến của cử tri và nhân dân, đảm bảo xác đáng, thiết thực. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị UBTW MTTQ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các nội dung trong dự thảo báo cáo, tiếp thu các ý kiến đã phát biểu, phối hợp cùng các cơ quan hữu quan tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri và nhân dân, đối chiếu rà soát số liệu đảm bảo chính xác và thống nhất, bổ sung các nội dung về các vấn đề giảm tốc tăng trưởng, chậm phê duyệt quy hoạch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… để hoàn thiện báo cáo đạt chất lượng cao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị bổ sung các nội dung như: dịch bệnh trong trồng trọt và chăn nuôi, an ninh nguồn nước, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, phụ cấp cán bộ cơ sở trong lĩnh vực y tế, giáo dục…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các báo cáo của Ban Dân nguyện, việc các báo cáo này trong thời gian qua đã góp phần đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan, ban ngành phối hợp với UBTW MTTQ Việt Nam, Ban Dân nguyện để cung cấp thông tin, sớm hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội