MINH BẠCH HÓA QUÁ TRÌNH THU HỒI ĐẤT NHẰM ĐẢM BẢO QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI DÂN

15/05/2023

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xem xét tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Nhiều ý kiến đề nghị cần minh bạch hóa quá trình thu hồi đất; hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, đảm bảo chặt chẽ, không gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi.

ĐẢM BẢO ĐẤT XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, liên quan đến mọi khía cạnh đời sống kinh tế xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mọi người dân và doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Chương VI quy định về Thu hồi đất, trưng dụng đất gồm 12 Điều, số điều trong Chương này được giữ nguyên như dự thảo lấy ý kiến Nhân dân. Các ý kiến góp ý tập trung đề nghị làm rõ các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; làm rõ khái niệm và các trường hợp cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; rà soát các trường hợp thu hồi đất do vi phạm; thẩm quyền thu hồi đất; nguyên tắc không được cưỡng chế khi chưa tái định cư,…

Theo đó, tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân, tại Điều 74 dự thảo Luật đã tiếp thu theo hướng làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại các khoản 8, 9 và 10 Điều 74 dự thảo Luật. Dự thảo Luật cũng đã được sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa. Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ tiêu chí về sự cần thiết đối với các trường hợp thu hồi đất để làm công trình văn hóa, thể thao, cơ sở an dưỡng, nghỉ dưỡng, nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân do các công trình này có thể vừa phục vụ cả quốc phòng và dân dụng, dễ dẫn đến thiếu minh bạch về trường hợp thu hồi đất, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; xem xét khả năng lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng chung các công trình nói trên với khu vực dân sự để tránh phải thu hồi đất, gây lãng phí.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Có ý kiến cho rằng cần cân nhắc cách quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất như dự thảo Luật dưới 02 góc độ: thứ nhất, chưa bảo đảm tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc “quy định... điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” trong khi mỗi công trình, dự án được liệt kê là khác nhau về tính chất và giá trị; thứ hai, khó bảo đảm đầy đủ các trường hợp, nhất là các trường hợp có thể phát sinh trong tương lai.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, quy định tại dự thảo Luật chưa thống nhất về tiêu chí xác định các trường hợp thu hồi đối với trường hợp thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất và được dẫn chiếu tới quy định tại khoản 1 Điều 108 dự thảo Luật là mâu thuẫn về cách tiếp cận và chưa rõ nội hàm so với các trường hợp khác được xác định theo tính chất, mục tiêu của dự án, hoạt động, công trình xây dựng. Trong các trường hợp thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất có cả “dự án nhà ở thương mại”, khó xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không; với quy định như tại dự thảo Luật thì khó triển khai trên thực tế.

Cũng quan tâm tới nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, thu hồi đất là chế định mà cử tri và Nhân dân rất quan tâm và cũng là chế định xảy ra rất nhiều khiếu kiện. Do đó, cần minh bạch hóa các quá trình thu hồi đất cũng như các tiêu chí, điều kiện để đảm bảo thu hồi đất theo con đường hành chính nhằm tránh khiếu kiện và đảm bảo đúng tiêu chí. Mặt khác, hiện nay nhiều ý kiến cho rằng phải làm rõ khái niệm thế nào là phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế – xã hội, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Cho rằng, ngoài các trường hợp trên còn trường hợp thỏa thuận, do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định cụ thể hóa các trường hợp thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Đối với thu hồi đất để làm công trình văn hóa, thể thao, cơ sở an dưỡng, nghỉ dưỡng, nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần cân nhắc tiêu chí thu hồi đất do các công trình này vừa có thể phục vụ quốc phòng, an ninh và phục vụ dân dụng; đồng thời đề nghị rà soát lại Điều 74 và Điều 75 để quy định thật cụ thể và dự liệu được các trường hợp sẽ xảy ra trong thực tế để đảm bảo tính minh bạch của dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Tham gia thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị xác định cụ thể các dự án, công trình mang tính chất công cộng, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công công không kinh doanh với các dự án nhằm mục đích kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hồi đất và bồi thường. Đồng thời đề nghị quy định cụ thể việc thu hồi đất và tính tiền thuê đất, giao đất phục vụ cho tổ chức tôn giáo hay cơ sở tôn giáo, nhằm tránh hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng tôn giáo để tổ chức hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị làm rõ điều kiện, tiêu chí, nội hàm các “dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” và trường hợp nào là “thực sự cần thiết” theo quy định của Hiến pháp để tránh việc thu hồi đất, tháo dỡ công trình không đúng mục đích gây thiệt hại người dân và doanh nghiệp. Khi thu hồi đất, chính quyền cần thực hiện nghiêm các quy định về việc công bố rõ thời hạn, kế hoạch thực hiện, chính sách bồi thường đền bù thỏa đáng cho những thiệt hại về đất đai, tài sản, công trình đã được xây dựng hợp pháp, hợp lệ trên khu vực đất bị thu hồi.

Ở khía cạnh khác, tiếp cận dưới góc nhìn về mối quan hệ giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên chỉ ra rằng, hai dự thảo trên còn một số điểm chưa thống nhất, có nội dung Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với Luật Nhà ở (sửa đổi) nhưng cũng có một số nội dung Luật Nhà ở (sửa đổi) phải điều chỉnh phù hợp với Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, điểm a khoản 3 Điều 75 dự thảo Luật quy định “các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng khác là tất cả các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư theo quy định của Luật Nhà ở”. Điểm a khoản 1 Điều 72 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định “Trường hợp theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư thì các chủ sở hữu được bố trí tái định cư tại chỗ theo phương án bồi thường đã được duyệt, các chủ sở hữu phải đóng kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư mới”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, hai quy định trên đang có sự xung đột và chưa thống nhất được với nhau.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục rà soát các trường hợp thu hồi đất, nhất là các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền, không để ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi./.

Minh Thành