KỊP THỜI KHẮC PHỤC NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP TRONG THỰC TIỄN THI HÀNH CÁC LUẬT VỀ XUẤT NHẬP CẢNH
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có bố cục gồm 03 điều. Theo đó, Điều 1 sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; tập trung vào 02 nhóm nội dung: Nhóm nội dung để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; và Nhóm nội dung sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Điều 2 sửa đổi 07 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào 02 nhóm nội dung: Nhóm nội dung sửa đổi các quy định của Luật để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam; và Nhóm nội dung sửa đổi để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.
Bộ Công an đã gửi xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đăng tải dự thảo hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến của quần chúng nhân dân. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Bộ Công an đã tổng hợp ý kiến góp ý, tiếp thu chỉnh lý dự thảo hồ sơ dự án Luật. Việc ban hành dự thảo Luật này nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Điều 33 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được sửa đổi theo hướng, người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung Điều 33 về đăng ký tạm trú của người nước ngoài qua cửa khẩu biên giới, nhiều ý kiến kiến nghị, trường hợp người nước ngoài vào khu vực biên giới, cửa khẩu nếu ở qua đêm đăng ký tạm trú thì phát huy thêm lực lượng biên phòng ở khu vực này. Bởi, theo các các hiệp ước quốc tế nước ta đã ký kết, lực lượng biên phòng có vai trò hết sức quan trọng để bảo đảm an ninh trật tự, ở khu vực biên giới có người nước ngoài đi vào rất cần phát huy thêm lực lượng này. Lực lượng biên phòng cần làm nhiệm vụ như lực lượng công an để giải quyết nhanh chóng cho việc đăng ký tạm trú qua đêm ở khu vực biên giới, cửa khẩu giáp với nước bạn.
ĐBQH Dương Văn Thăng – Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh
Bày tỏ quan điểm về nội dung này, ĐBQH Dương Văn Thăng – Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh tán thành với việc bổ sung đồn biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu là đầu mối tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài, bên cạnh công an cấp xã, đồn, trạm công an ở khu vực lực trú. Bởi việc đồn biên phòng là cơ sở khai báo tạm trú được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, từ một số điều ước, hiệp ước quốc tế mà nước ta tham gia đến Luật Biên phòng, Nghị định 34/2014/NĐ-CP quy định quy chế khu vực biên giới đất liền. Trong đó, Nghị định số 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã xác định quyền hạn, trách nhiệm của đơn vị biên phòng với việc tiếp nhận, xác nhận tạm trú của người nước ngoài.
ĐBQH Dương Văn Thăng cũng đề nghị, bổ sung bộ đội đồn biên phòng nơi gần nhất là nơi tiếp nhận tin tố giá tội phạm, vì các điều ước quốc tế về quản lý ở cửa khẩu Việt Nam đã ký kết với các nước có chung đường biên giới và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý bảo vệ quốc gia đều quy định như vậy. Tổ chức, cá nhân người nước ngoài muốn đăng ký tạm trú ngủ qua đêm ở khu vực biên giới, cửa khẩu đều phải thông báo, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng biên phòng.
ĐBQH Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh
Tuy nhiên, về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ Công an hiện đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến nên đa số người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam đều khai báo lưu trú, tạm trú bằng dịch vụ này. Thực hiện như vậy tạo thuận lợi rất lớn cho họ khi vào du lịch, làm việc, đầu tư ở nước ta. Mặt khác, khoản 2, Điều 34 của Luật Xuất nhập cảnh hiện hành quy định, đối với trường hợp người nước ngoài tạm trú tại cơ sở lưu trú khu vực biên giới hoặc thị trấn, thị xã, thành phố, khu vực du lịch, dịch vụ, đơn vị hành chính đặc biệt hoặc đơn vị khác có liên quan đến khu vực biên giới thì cơ quan tiếp nhận tạm trú của người nước ngoài có trách nhiệm thông báo với đồn biên phòng nơi cơ sở lưu trú đóng. Như vậy, việc khai báo tạm trú với cơ quan công an sau đó sẽ được thông báo với các đồn biên phòng.
Bên cạnh đó, cơ quan công an ngoài trách nhiệm cùng với bội đội biên phòng thực hiện quản lý tạm trú, lưu trú về mặt hành chính theo quy định của các luật liên quan, thì lực lượng này còn thực hiện quản lý trên góc độ nghiệp vụ - là nhiệm vụ chính của lực lượng công an. Do vậy, ĐBQH Nguyễn Minh Đức cho rằng, quy định về khai báo lưu trú, tạm trú ở khu vực biên giới, cửa khẩu tại dự thảo Luật này sẽ không có vướng mắc trong thực hiện./.