SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC: THỂ HIỆN RÕ NGUYÊN TẮC TỐI ƯU HÓA TRONG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC

27/05/2023

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng dự thảo luật cần thể hiện rõ nguyên tắc tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nước, nêu bật chính sách của nhà nước về kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng nước thải.

LẤY Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

Dự án luật hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu (ảnh minh họa)

Thể hiện rõ nguyên tắc tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nước

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trình dự án Luật này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Dự án luật hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân. Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá.

Theo Bộ trưởng, Luật này quy định về quản lý, bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đồng thời đánh giá Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động, các cơ quan quản lý có liên quan; tham khảo pháp luật và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước; tiếp thu nghiêm túc nhiều ý kiến thẩm tra, góp ý. Hồ sơ dự án Luật đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với các nội dung về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra như dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị thể hiện rõ ràng hơn các nguyên tắc quản lý cho từng hoạt động cụ thể (từ quản lý tài nguyên; quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; hoạt động hạn chế tác hại do nước gây ra...) và tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nước.

Ngoài ra, dự thảo Luật xác định nguyên tắc quản lý tài nguyên nước xuyên suốt là quản lý theo lưu vực sông và có quy định về Tổ chức lưu vực sông trên cơ sở kế thừa Luật Tài nguyên nước năm 2012 nhưng thiếu cụ thể. Do đó, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch; điều hòa khai thác, sử dụng nước; giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái… để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông.

PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, Đại học Bách khoa Hà Nội

Cần nêu bật chính sách của nhà nước về kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng nước thải

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án luật này, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng các chuyên gia cho rằng, kinh tế tuần hoàn và tái sử dụng nước đã và đang trở thành một xu thế tất yếu, diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Chuyển dịch từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn là giải pháp hữu hiệu, giúp duy trì phát triển kinh tế, đồng thời giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và bảo vệ tài nguyên nước. Bảo đảm an ninh nguồn nước, tuần hoàn tái sử dụng nước thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn, quản lý và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là một nội dung quan trọng được xác định trong Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước.

Các chuyên gia cho biết, kinh nghiệm về xây dựng khung khổ, chính sách về kinh tế tuần hoàn tài nguyên nước và tuần hoàn tái sử dụng nước của các quốc gia trên thế giới đều cho thấy vấn đề này không chỉ cần thiết với các quốc gia khan hiếm nguồn nước. Một số bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam cụ thể là:  Cụ thể hóa kinh tế tuần hoàn và tái sử dụng nước trong các chính sách theo các giai đoạn khác nhau; Việc tuần hoàn tái sử dụng nước cần được xem xét trên cả phạm vi vi mô, trung bình và vĩ mô; Ban hành và công bố thông tin về các tiêu chuẩn cụ thể về nước thải sau xử lý, nước tuần hoàn theo các mục đích sử dụng khác nhau; Xây dựng các cơ chế khuyến khích thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tái sử dụng nước.

Theo PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương cùng các chuyên gia, từ chính sách và kinh nghiệm thực thi ở một số quốc gia, các giải pháp chính tăng cường hiệu quả thực hành kinh tế nước tuần hoàn trong công nghiệp có thể được chia thành các nhóm: Đánh giá nguồn nước sẵn có và cân bằng nước ở cấp lưu vực; Giảm sử dụng nước và đa dạng nguồn cung; Xử lý nước thải; Tái sử dụng/tuần hoàn nước; Xác định được giá trị thực của nước; Thúc đẩy các cuộc đối thoại chính sách và xây dựng các nền tảng tương tác

Cụ thể, các chuyên gia cho rằng cần bổ sung khái niệm liên quan đến tuần hoàn nước, tái sử dụng, tuần hoàn nước và kinh tế tuần hoàn tàì nguyên nước vào Điều 3. Giải thích từ ngữ. Cụ thể, tuần hoàn nước là sự tồn tại và vận động của dòng nước theo một chu trình (sản xuất, sinh hoạt). Tái sử dụng nước là quá trình chủ động thu giữ nước thải, nước mưa, nước mặn hoặc nước xám và làm sạch nước đó. Nước sau khi làm sạch có thể phục vụ cho nhiều mục đích cần thiết như nước uống, nước dùng cho công nghiệp, bổ sung nước mặt hoặc nước ngầm và phục hồi lưu vực sông. Kinh tế tuần hoàn tài nguyên nước là một khuôn khổ kinh tế để giảm thiểu, bảo tồn và tối ưu hóa việc sử dụng nước thông qua tránh lãng phí, sử dụng hiệu quả và duy trì, đảm bảo chất lượng nguồn nước cũng như bảo vệ môi trường.

Các chuyên gia cho rằng cần nhấn mạnh chính sách của nhà nước về tuần hoàn, tái sử dụng nước thải vào Điều 6 về Chính sách của nhà nước về tài nguyên nước cụ thể như sau: Có cơ chế, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các giải pháp tuần hoàn nước, công nghệ tái chế nước thải cho các mục đích sử dụng khác nhau.

Ngoài ra, các chuyên gia kiến nghị cần kết hợp các nội dung khuyến khích tuần hoàn nước trong chương IV: Điều hòa, phân phối và khai thác sử dụng nước, trong Mục 3 nên điều chỉnh thành Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và tuần hoàn.

Hồ Hương