GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)
ĐBQH LƯU BÁ MẠC: CẦN CÓ QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI CÁC LOẠI ĐẤT ĐỂ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH VIỄN THÔNG
Việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) được đề cập tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới. Đề cập về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết: Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), có 92 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến tại Tổ, 21 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường và 01 ý kiến của ĐBQH góp ý bằng văn bản. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) (sau đây viết tắt là dự thảo Luật) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và Thường trực Uỷ ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, tiếp tục tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.
Ngày 24/8/2023, tại Phiên họp tháng 8/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Tiếp đó, ngày 29/8/2023, Thường trực Ủy ban đã báo cáo về nội dung này tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 10 Chương, 73 Điều, trong đó: sửa đổi, bổ sung 53 Điều về nội dung; sửa đổi, bổ sung 06 Điều về kỹ thuật; bãi bỏ một số quy định tại 08 Điều. Hiện nay, dự thảo Luật đang được gửi xin ý kiến 63 Đoàn ĐBQH.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn.
Thay mặt Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng, đại biểu Lã Thanh Tân cơ bản tán thành với dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật xem xét thêm một số nội dung sau:
Về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông (Điều 13): Điểm đ khoản 2 Điều 13 dự thảo Luật quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng có nghĩa vụ: “Cung cấp dịch vụ viễn thông cho thuê bao có đầy đủ, chính xác các thông tin của thuê bao khi giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông, đảm bảo đúng người sử dụng với người đăng ký thuê bao. Thực hiện việc quản lý thông tin của thuê bao theo quy định của Chính phủ”.
Với quy định trên, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị xem xét, cân nhắc tính khả thi của nghĩa vụ này. Theo đó, nên bỏ quy định “đảm bảo đúng người sử dụng với người đăng kỹ thông tin thuê bao" tại điểm đ khoản 2 Điều 13 của dự thảo Luật vì trong thực tế, người đăng ký thuê bao có thể cho con cái, người thân... sử dụng thuê bao mình đăng ký.
Đối với thiết lập mạng viễn thông quy định, tại khoản 1 (Điều 19) nêu rõ: “Mạng viễn thông được xây dựng và phát triển theo chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, ban hành”. Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị xem xét, sửa khoản 1 Điều 19 của dự thảo Luật theo hướng: Chỉ đối với mạng viễn thông công cộng khi xây dựng và phát triển phải tuân thủ chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông; không áp dụng quy định này đối với mạng nội bộ và mạng viễn thông dùng riêng vì được xây dựng theo nhu cầu riêng của tổ chức, cá nhân nhằm sử dụng nội bộ cho các thành viên của mạng, không nhằm mục đích sinh lợi, đồng thời giảm bớt quy trình thủ tục, chi phí.
Khoản 2 Điều 19 dự thảo quy định: “Tổ chức thiết lập mạng viễn thông phải có Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 33 của Luật này hoặc giấy phép thiết lập mạng viễn thông quy định tại điểm d khoản 3 Điều 33 của Luật này”.
Với quy định trên, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị xem xét, bổ sung quy định “đồng thời phải thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước về viễn thông tại địa phương trước khi thiết lập mạng viễn thông tại địa phương đó" vào cuối khoản 2 Điều 19 dự thảo Luật để đảm bảo thực hiện công tác quản lý Nhà nước về viễn thông.
Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng.
Về dịch vụ viễn thông khẩn cấp được nêu tại điểm c khoản 3 (Điều 25) của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm: “Miễn giá cước gọi đến các số dịch vụ khẩn cấp cho người sử dụng dịch vụ điện thoại cố định nội hạt”. Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị xem xét, bỏ quy định cho người sử dụng dịch vụ điện thoại cố định nội hạt" tại điểm c khoản 3 Điều 25 dự thảo vì các cuộc gọi đến số điện thoại khẩn cấp là các cuộc gọi mang tính cấp bách, cung cấp các thông tin liên quan đến đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Do đó, các cuộc gọi này cần phải được thực hiện ngay khi có thông tin và có thể thực hiện bằng các thuê bao di động. Mặt khác, hiện nay dịch vụ điện thoại di động là phổ biến, lưu lượng gọi đến các số liên lạc khẩn cấp từ điện thoại cố định nội hạt rất ít.
Đối với việc miễn giấy phép viễn thông tại khoản 4 (Điều 42) quy định tổ chức, cá nhân hoạt động viễn thông được miễn giấy phép viễn thông trong trường hợp: Mạng viễn thông dùng riêng mà các thành viên mạng trực thuộc cùng một tổ chức và không tự thiết lập đường truyền dẫn viễn thông.
Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị xem xét, chỉ yêu cầu giấy phép đối với mạng viễn thông dùng riêng mà hoạt động của mạng ảnh hưởng trực tiếp tới việc cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng; miễn giấy phép đối với các loại mạng viễn thông dùng riêng còn lại; đồng thời xem xét, quy định miễn giấy phép thiết lập mạng viễn thông cho mạng nội bộ tại Điều 42 dự thảo Luật.
Về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông (Điều 47), đề nghị xem xét, bổ sung quy định tại Điều 47 dự thảo về việc chia sẻ hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của doanh nghiệp (bao gồm nhà, trạm viễn thông, cột ăngten, cột treo cáp, cống bể, hào, tuynen kỹ thuật và công trình hạ tầng kỹ thuật khác) ưu tiên miễn phí đối với trường hợp thực hiện nhiệm vụ thường xuyên về quốc phòng, an ninh.
Về quản lý thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động và tài khoản SIM thuê bao di động, khoản 3 Điều 61 dự thảo quy định: “Tài khoản SIM thuê bao di động được dùng để thanh toán cho dịch vụ viễn thông di động, và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo quy định pháp luật liên quan".
Với quy định trên, theo đại biểu Lã Thanh Tân, trên thực tế, các thuê bao có thể đăng ký nhiều dịch vụ viễn thông theo các gói cước kết hợp giữa nhiều dịch vụ viễn thông mà doanh nghiệp đang cung cấp như di động kèm cố định; doanh nghiệp viễn thông cũng triển khai các gói dịch vụ lưu trữ dữ liệu qua mạng Internet gắn với thuê bao di động. Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị xem xét, sửa cụm từ “cho dịch vụ viễn thông di động" tại khoản 3 Điều 61 dự thảo thành cho dịch vụ viễn thông".
Đối với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, đề nghị xem xét, bổ sung thêm quy định vào Điều 63 dự thảo Luật: “Quy hoạch xây dựng công trình giao thông, khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và khu cung ứng dịch vụ công cộng tập trung phải có phương án quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư xây dựng và thuận tiện cho việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông và cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông".
Về thiết kế, xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị xem xét, bổ sung cụm từ “cụm công nghiệp” vào sau cụm từ công nghiệp "tại khoản 6 Điều 65 dự thảo như sau: “Tòa nhà, công trình xây dựng công cộng, công trình giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị, khu du lịch, khu dân cư phải được thiết kế, xây dựng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Xây dựng và đảm bảo yêu cầu”.
Ngoài ra, đề nghị xem xét, bổ sung từ "trước khi" sau cụm từ “Tổ chức, cá nhân" tại khoản 8 Điều 65 dự thảo Luật như sau: “Tổ chức, cá nhân trước khi xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông gắn liền với việc đầu tư, lắp đặt thiết bị, đường cáp viễn thông phải thông báo cho cơ quan chuyên môn về viễn thông tại địa phương”.
Về quản lý công trình viễn thông, tại điểm c khoản 1 Điều 67 dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm: Hướng dẫn việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Với quy định trên, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị xem xét, bổ sung trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông với các đơn vị lực lượng vũ trang./.