Kể từ lần đăng tải đầu tiên đăng tải lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin của Chính phủ vào tháng 7/2022, tính đến nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã qua 7 lần sửa đổi, bổ sung và còn tiếp tục tổng hợp ý kiến đóng góp, hoàn thiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Trong đó, các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo luật.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, tại khoản 2 Điều 33 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định "Tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất". Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, có một số hình thức xử lý tài sản công như bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trên thực tế, hiện nay đa phần các tổ chức được giao đất để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Đại biểu băn khoăn, việc quy định hình thức bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công có thống nhất với nghị định nêu trên không? Đại biểu đề nghị cần phải làm rõ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có giống với hình thức giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hay không? Quy định này cần được rà soát, chỉnh sửa, vì nếu không thống nhất trong các luật hiện hành, có thể ảnh hưởng đến quá trình thực hiện khi luật được thông qua.
Ngoài ra, tại Điều 35 của dự thảo luật đã bổ sung quyền đối với các trường hợp thuê đất trả tiền hằng năm theo hướng người được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được quyền thế chấp, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê hợp đồng thuê đất. Điều 47 quy định khi thực hiện quyền này phải đảm bảo 3 tiêu chí như dự thảo luật.
Về quy định này, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, giao đất, cho thuê đất là một trong những hoạt động giúp Nhà nước phân phối đất hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay, góp phần thu hút đầu tư phát triển, huy động các nguồn lực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, quy định này cần phải được cân nhắc, xem xét, đánh giá tác động kỹ lưỡng của việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm trên các khía cạnh kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tín dụng. Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm cũng có thể dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm thu đầy đủ các khoản tiền thuê đất hằng năm, nhất là trong trường hợp bên thế chấp mất khả năng thanh toán.
Làm rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đóng góp ý kiến về các quy định liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (quy định tại các Điều 121, 122, 123), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Cạn đề nghị cân nhắc, nghiên cứu thêm về thẩm quyền của địa phương và giao Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên có trữ lượng thấp hoặc không có khả năng phát triển thành rừng có trữ lượng để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu cũng đề nghị tiến hành tổng kết, đánh giá Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từ đó tạo thuận lợi cho địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cũng quan tâm đến thẩm quyền của chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đại biểu Lò Thị Luyến – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, còn một số quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa tương thích với các luật khác. Đại biểu cho biết, việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng, chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của địa phương đã được quy định tại khoản 2 Điều 14, khoản 5 Điều 72 và khoản 1 Điều 22 của dự thảo luật. Theo đó, dự thảo luật quy định theo hướng phân cấp thẩm quyền cho địa phương về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất và rừng tự nhiên sang mục đích khác, nhưng phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định.
Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.
Như vậy, theo quy định tại dự thảo luật, hạn mức và diện tích được chuyển mục đích sử dụng thuộc thẩm quyền của địa phương sẽ do Chính phủ quy định chi tiết. Đối với các nội dung khác dẫn chiếu theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về dầu khí... Đại biểu Lò Thị Luyến khẳng định, Luật Đất đai là luật gốc, vì vậy việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được quy định ngay trọng dự thảo luật nhưng trong dự thảo giao Thủ tướng Chính phủ quy định. Đại biểu băn khoăn, nghị định của Chính phủ có điều chỉnh được các luật đã được ban hành trước đây hay không?
Nêu khó khăn thực tế tại Điện Biên trong thời gian qua, đại biểu Lò Thị Luyến cho biết, tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai hiện hành quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 20 hecta. Luật Lâm nghiệp năm 2017 có hiệu lực năm 2019 tại Điều 20 cũng quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đầu nguồn; rừng phòng hộ biên giới; rừng phòng hộ chắn gió, cát bay; rừng phòng hộ chắn gió lấn biển dưới 20 hecta; rừng sản xuất dưới 5 hecta đối với rừng đầu nguồn của cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn, đó là từ năm 2017 Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư ban hành ngày 12/01/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nội dung này được đưa vào quy định tại khoản 2, Điều 14 Luật Lâm nghiệp 2017, có hiệu lực từ 01/01/2019 đó là không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”. Hiện nay, khi chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án, địa phương gặp rất nhiều khó khăn vì phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thủ tục mất rất nhiều thời gian.
“Một 1 mét đất bây giờ cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thì mới chuyển được mục đích sử dụng rừng, do đó địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đề nghị, đối với nội dung này cần quy định trong luật một cách cụ thể”, đại biểu Lò Thị Luyến nêu quan điểm.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc thẩm quyền của chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đối với các quy định về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đại biểu Lò Thị Luyến cho biết, tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất lúa với diện tích dưới 10 hecta. Dự thảo Luật Đất đai không quy định hạn mức nội dung này và giao Thủ tướng Chính phủ quy định.
Theo đại biểu, nếu căn cứ theo các luật đầu tư và theo quy định của dự thảo luật, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án theo Luật Đầu tư công, các tiêu chí phân loại của các dự án nhóm A, B, C lại được phân định trên tổng mức đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, không liên quan đến diện tích sử dụng các loại đất lúa, chỉ có dự án quan trọng quốc gia mới có tiêu chí về chuyển mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền Quốc hội, đó là sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 hecta trở lên.
Như vậy, theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội, hiện nay hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh; chưa có luật nào quy định cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư công có quy định chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu biên tập lại nội dung tại khoản 1 Điều 122 của dự thảo luật để giảm bớt khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi luật ở cơ sở. Cùng với đó, quy định ngay trong luật về thẩm quyền và hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất rừng và các loại đất khác, đảm bảo tương thích với các luật khác, tạo sự minh bạch, rõ ràng, thống nhất khi tổ chức triển khai thực hiện.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ thể hiện đầy đủ và sâu sắc được “ý Đảng” và “lòng dân”.
Đóng góp ý kiến hoàn thiện quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, với quan điểm của chuyên gia, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề nghị xem xét bỏ quy định Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật. Bởi để giao đất, cho thuê đất cho các đối tượng sử dụng thì đất đó phải là đất sạch (đã giải phóng mặt bằng).
GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
GS.TS Trần Đức Viên cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất theo hướng: “Đất sử dụng để xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục không nhằm mục đích kinh doanh”. Lý do là tại khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý và sử dụng tài sản công đã quy định: Cơ sở hoạt động sự nghiệp là đất, nhà làm việc, công trình sự nghiệp và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công lập. Thực tiễn cho thấy, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị giáo dục có hoạt động không nhằm mục đích kinh doanh, như: hoạt động nghiên cứu khoa học, các trường Đại học được giao thí điểm tự chủ hiện nay thì không thu tiền sửa dụng đất.
Về các hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, GS.TS Trần Đức Viên đề nghị quy định theo hướng: Người thuê đất được trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc hàng năm, bởi quy định người thuê đất có thể được lựa chọn hoặc hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Dự thảo Luật Đất đai quy định giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong đó chỉ có 01 đối tượng đề nghị được giao đất, thuê đất là chưa khả thi; cần xem xét, nghiên cứu. Hơn nữa, quy định này còn có sự mâu thuẫn với Luật Đấu thầu do các trường không đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất có thể thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất. Bên cạnh đó, cân nhắc và làm rõ, quỹ đất công do Nhà nước quản lý, không phải bồi thường, giải phóng mặt bằng có được thực hiện dự án không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất không?
Về các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất quy định: Giao đất ở cho cá nhân thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở hoặc chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở. GS.TS Trần Đức Viên đề nghị cơ quan chỉ trì soạn thảo quy định chi tiết thi hành đối với việc xác định đối tượng cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đấtt ở.
GS.TS Trần Đức Viên nhấn mạnh, đất đai có liên quan đến tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, Nhà nước của bất kỳ chế độ chính trị nào cũng xem trọng và đặt chính sách đất đai vào vị trí ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế và ổn định xã hội. GS. TS Trần Đức Viên tin tưởng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ thể hiện đầy đủ và sâu sắc được “ý Đảng” và “lòng dân” về bản chất và trên thực tiễn là một chỉnh thể hữu cơ và máu thịt, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, để người dân nói chung, nông dân nói riêng, thực sự là chủ thể, là trung tâm của nông nghiệp và nông thôn; tôn trọng các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chính sách hợp lòng dân sẽ tạo lập nên sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn trong từng con người, trong mỗi làng quê, ngõ xóm; vì chính sách này là của họ, từ họ và vì họ; và họ sẽ nhanh chóng hiện thực hóa khát vọng xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại của những người nông dân văn minh, theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Nhờ thế, Luật Đất đai sau khi được sửa đổi không những chỉ theo kịp cuộc sống, mà còn tạo ra động lực và nguồn lực mới để dẫn đường cho công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc, không ngừng nâng cao sức mạnh kinh tế, ổn định xã hội cũng như vị thế và tầm vóc của đất nước.