DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI) ĐỦ ĐIỀU KIỆN TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 6 TỚI

04/10/2023

Góp ý về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ, đồng thời đánh giá cao công tác chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và công tác phối hợp chặt chẽ của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật này. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6.

DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI): RÀ SOÁT CÁC LUẬT VÀ CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ LIÊN QUAN ĐỂ ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VÀ CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ

Rà soát các luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật

Góp ý về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá cao quá trình chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như của Ủy ban Pháp luật, đồng thời bày tỏ sự cần thiết phải sửa đổi luật này với những lý do như trong Tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga 

Về tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Luật này có liên quan đến một số luật như là Luật Đầu tư, Luật Kiểm toán, Luật Kế toán, Luật Công chứng, các luật này đều có quy định đặc thù về lưu trữ liên quan đến chế độ bảo quản và thời hạn lưu trữ. Do vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát và làm rõ mối quan hệ giữa luật này với các luật nêu trên để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đồng tình với đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật về đối tượng áp dụng ở Điều 2 của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị bỏ Điều 2 về đối tượng áp dụng để thực hiện thống nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 155 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương có hiệu lực trong phạm vi cả nước và được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ tại Điều 8 của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhất trí với việc phân định thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ như quy định của dự thảo luật. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền của Đảng trực tiếp quản lý và lưu trữ tài liệu lưu trữ của Đảng; Bộ Nội vụ trực tiếp quản lý lưu trữ tài liệu bảo quản tại lưu trữ lịch sử nhà nước ở trung ương, không bao gồm tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, tài liệu lưu trữ dự phòng và cơ sở dữ liệu; tài liệu lưu trữ của ngành quốc phòng, công an, ngoại giao thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý tài liệu lưu trữ, bao gồm cả tài liệu của tổ chức Đảng của ngành mình.

Đề cập về Hội đồng thẩm tra giá trị tài liệu lưu trữ tại Điều 19 của dự thảo Luật, Hội đồng giải mật tài liệu lưu trữ tại Điều 30 của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị bổ sung quy định làm rõ Hội đồng thẩm tra tài liệu lưu trữ, Hội đồng giải mật tài liệu lưu trữ được thành lập theo từng vụ việc hay hoạt động thường xuyên và nguyên tắc hoạt động của Hội đồng này làm rõ quy trình thẩm tra giá trị và giải mật tài liệu lưu trữ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý. Vì dự thảo Luật không quy định việc thành lập Hội đồng tại các ngành nói trên, đồng thời bổ sung nội dung tại khoản 3 Điều 30 để xác định rõ căn cứ tiêu chí cho phép và quyết định giải mật các tài liệu lưu trữ lịch sử, Thường trực Ủy ban Tư pháp thống nhất với ý kiến của Ủy ban Pháp luật.

Về lưu trữ tài liệu điện tử, Ủy ban Tư pháp cơ bản nhất trí với quy định tại Chương V của dự thảo Luật về lưu trữ tài liệu điện tử.

Liên quan đến quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định sửa đổi Phụ lục 4 của Luật Đầu tư để bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trữ, đồng thời bổ sung quy định cụ thể hoặc giao Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ kho lưu trữ số để đảm bảo đồng bộ với Luật Đầu tư.

Về chứng chỉ hành nghề lưu trữ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cơ bản nhất trí với điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ quy định tại khoản 4 Điều 47 của dự thảo Luật.

Cần đánh giá kỹ tác động 4 hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Đánh giá cao công tác chuẩn bị, công tác phối hợp của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đối với dự thảo Luật Lưu trữ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh góp ý nội dung liên quan đến quy định hoạt động dịch vụ lư trữ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đồng tình với ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật về đề nghị làm rõ ở đây có 4 hoạt động dịch vụ lưu trữ nhưng trong dự thảo chỉ quy định hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ số. Do đó, bày tỏ băn khoăn còn 3 hoạt động dịch vụ lưu trữ khác thì có đưa vào hay không.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh 

Theo quy định của Luật Đầu tư, những ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng được điều kiện, lý do về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cần đánh giá kỹ tác động cả 4 hoạt động dịch vụ lưu trữ này dù đưa tất cả vào hay không vì do các yêu cầu, nguyên tắc của ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cũng theo xu hướng chung hiện nay là giảm số lượng các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Liên quan đến chứng chỉ hành nghề lưu trữ, Thường trực Ủy ban Pháp luật thẩm tra bỏ một số lý do của những trường hợp không được cấp chứng chỉ hành nghề, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn lý do tại sao phải đưa cấp chứng chỉ từ Sở về Bộ.

Ngoài nội dung liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Lưu trữ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh quan tâm đến quy định việc thực hiện lưu trữ tư, trong dự thảo cũng đã quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục để xử lý vấn đề lưu trữ tư. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, nếu coi đó là bảo vật quốc gia và do các dòng họ, các gia đình giúp chúng ta bảo quản thì ngoài thẩm quyền, trình tự, thủ tục, cần phải có chính sách của Nhà nước để khuyến khích, động viên các dòng họ, các gia đình giúp chúng ta lưu trữ bảo vật quốc gia này và cũng phải có chế tài gắn với trách nhiệm để xử lý vấn đề này.

Cân nhắc nghiên cứu sửa đổi việc phân quyền, phát huy giá trị tài liệu theo từng cấp nhằm đảm bảo tính linh hoạt

Nhất trí với việc xây dựng dự án luật này và đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã rất công phu, kỹ lưỡng trong việc soạn thảo dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh góp ý về tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và cho rằng, đây là một quy định mới của dự thảo Luật. Khoản 3 Điều 3 đã giải thích tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là tài liệu lưu trữ có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia, về lịch sử, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, tức rất nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, Điều 11 khi đề cập đến quản lý tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, không thấy tiêu chí về sức khỏe cộng đồng trong nội dung này, đề nghị làm rõ thêm, vì những tài liệu quốc gia có giá trị đặc biệt liên quan đến giá trị quan trọng về sức khỏe cộng đồng như thế nào, cũng cần phải làm rõ nội hàm này. Ví dụ, những tài liệu về COVID là những tài liệu liên quan đến sức khỏe cộng đồng có gọi là tài liệu quốc gia lưu trữ có giá trị đặc biệt hay không.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh 

Về trách nhiệm của việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tại Điều 15, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc phát huy giá trị tài liệu là trách nhiệm của tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước và với số lượng tài liệu lớn, nếu chỉ quy định đối với người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì sẽ dẫn đến việc xử lý quá nhiều văn bản với quy trình mất nhiều thời gian. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu sửa đổi việc phân quyền, phát huy giá trị tài liệu theo từng cấp nhằm đảm bảo tính linh hoạt và việc phát huy giá trị sẽ được triển khai thuận tiện hơn, nhanh hơn và cũng phù hợp với nguyên tắc khi xây dựng luật này là đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền.

Về xác định giá trị tài liệu ở Điều 17 quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu. Theo đó, hồ sơ, tài liệu bảo quản có thời hạn là tài liệu có ý nghĩa giá trị và được xác định thời hạn bảo quản là 70 năm và dưới 70 năm. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Báo cáo thẩm tra cần làm rõ thêm lí do tại sao lại là 70 năm. Về hồ sơ tài liệu bảo quản vĩnh viễn bao gồm tài liệu lưu trữ hình thành từ năm 1954 trở về trước, v.v. tài liệu lưu trữ được công nhận giá trị đặc biệt. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị làm rõ thêm những tài liệu nào được lưu trữ vĩnh viễn, làm rõ thêm mốc thời gian từ năm 1954 trở về trước và sau còn có mốc nào cần lưu ý và làm rõ các nội dung này.

Liên quan đến vấn đề hợp tác quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị việc khai thác các tài liệu lưu trữ ở nước ngoài cần phải được bổ sung thêm. Cho rằng việc trao đổi thông tin liên quan đến các tài liệu lưu trữ này chưa được thể hiện trong nội dung về hợp tác quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị bổ sung thêm trên cơ sở thực tiễn hoạt động hợp tác quốc tế và về lĩnh vực lưu trữ khá đa dạng.

Dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ và đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tài liệu đầy đủ, đảm bảo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đúng tiến độ của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua. Hồ sơ được chuẩn bị kỹ lưỡng và tập trung vào đúng 4 nhóm chính sách lớn khi Quốc hội thông qua chương trình, cơ bản phù hợp với các đường lối, chính sách của Đảng và các luật được Quốc hội thông qua trong thời gian gần đây.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định 

Về phạm vi điều chỉnh dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ chỉnh lý, làm rõ hơn phạm vi đối với tài liệu lưu trữ bảo đảm thống nhất giữa các quy định nội tại trong luật, đồng thời rà soát, bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để đưa tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt vào phông lưu trữ quốc gia, thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và làm rõ hơn theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lưu trữ tư trong luật, tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.

Đồng thời tiếp tục chỉ đạo để rà soát các luật và các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và các cam kết quốc tế.

Về vấn đề hoạt động dịch vụ lưu trữ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định sửa đổi phụ lục 4 của Luật Đầu tư để bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời đề nghị đánh giá kỹ tác động về sự cần thiết, bảo đảm nếu thực sự cần thiết mới bổ sung. Vì xu hướng hiện nay đơn giản hóa quy định theo hướng giảm số lượng các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bây giờ đưa vào phải đánh giá kỹ tác động.

Đề nghị quy định rõ hơn thời hạn nguyên tắc và điều kiện cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề lưu trữ và cần làm rõ hơn trong xu hướng phân cấp hiện nay thì luật này nâng cấp lên từ Sở cấp chứng chỉ thành Bộ cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ, đề nghị phân tích, làm rõ hơn vấn đề này.

Bên cạnh đó, bổ sung làm rõ các chính sách của Nhà nước đối với lưu trữ nói chung và lưu trữ tư trong điều kiện khoa học công nghệ hiện nay và làm rõ nội dung quản lý nhà nước về lưu trữ. Giải trình rõ hơn về thời hạn lưu trữ đối với các loại tài liệu, các loại thời hạn, đối tượng tài liệu và thời hạn giải mật của các đối tượng tài liệu, kể cả tài liệu do các cơ quan quản lý.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6./.

Bích Ngọc