CÔNG TÁC QUY HOẠCH CÁN BỘ CẤP CHIẾN LƯỢC CẦN ĐƯỢC TIẾN HÀNH BÀI BẢN, KHOA HỌC, DỰA TRÊN CHUẨN MỰC CỤ THỂ

20/10/2023

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cần được tiến hành chặt chẽ, công tâm, minh bạch, dân chủ, được tiến hành bài bản, khoa học, dựa trên chuẩn mực cụ thể.

HỘI NGHỊ THÔNG BÁO NHANH KẾT QUẢ HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG LẦN THỨ 8, KHÓA XIII

Những ngày này, các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương đang tổ chức quán triệt, triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Một trong những nội dung quan trọng được Trung ương đưa ra bàn thảo là quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 – 2031.

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa XIV với tinh thần làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới đến quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội tổ chức Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Trong quá trình này, phải quán triệt và triển khai thực hiện thật tốt Kế hoạch số 17-KH/TW của Bộ Chính trị, xác định quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là công việc rất hệ trọng của Đảng được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu theo đúng quy định; bảo đảm quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch.

Coi trọng chất lượng gắn với cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; tạo sự đồng bộ, tổng thể, liên thông trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn kết với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ và công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới; lấy quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước làm cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Quan tâm theo dõi kết quả Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Hội nghị Trung ương 8 thảo luận về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 – 2031 là bàn đến cán bộ cấp chiến lược cần được tiến hành chặt chẽ, công tâm, minh bạch, dân chủ, chọn đúng người, không để lọt vào Trung ương những phần tử có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực hay sa sút về phẩm chất đạo đức, tư tưởng, chính trị. Từ quy hoạch cán bộ Ban Chấp hành Trung ương mới tiến hành quy hoạch cán bộ vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, từ đó mới xác định rõ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, quy hoạch được tiến hành bài bản, dựa trên chuẩn mực nhất định. Trước đó, khi tiến hành quy hoạch cán bộ cho Khóa XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu phương châm: Không để được lọt vào Trung ương những người có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, phẩm chất sa sút, cơ hội chính trị. Lựa chọn cán bộ là vấn đề rất khó, nhất là cán bộ ở tầm chiến lược. Do vậy trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa nhấn mạnh: Công tác cán bộ là công tác con người, hết sức quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi chúng ta phải rất công tâm, khách quan, trong sáng, đặc biệt là phải có con mắt tinh đời, đừng "nhìn gà hóa cuốc", đừng "thấy đỏ tưởng là chín", có khi "xanh vỏ mà đỏ lòng đấy".

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) 

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nêu quan điểm, cần lựa chọn cán bộ khoa học, gắn với thực tiễn, cống hiến cụ thể của cán bộ để đủ độ tin cậy, bởi đây là cấp lãnh đạo có ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trong chặng đường mới. Trong đó, những chuẩn mực cần có của cán bộ cấp chiến lược đó là có trí tuệ, có nhận thức, trình độ cao (trình độ lý luận Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, kiến thức cần thiết trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại).

Cán bộ cấp chiến lược phải có năng lực tổ chức thực tiễn, bên cạnh có đường lối đúng, cán bộ phải có năng lực tổ chức thực tiễn để biến đường lối, cương lĩnh của Đảng thành hiện thực; có năng lực dự báo, đánh giá, nhận thức vấn đề thực tiễn trong nước và thế giới. Cán bộ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không chao đảo trước khó khăn, thử thách, kiên định con đường lý tưởng cách mạng, độc lập dân tộc, gắn với chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường của Đảng, của Bác hồ đã lựa chọn.

Cán bộ cấp chiến lược cũng cần có chuẩn mực đạo đức, bởi cái gốc của người gốc của người cách mạng là đạo đức cách mạng; cán bộ phải có đạo đức trong sáng, không vụ lợi, không tơ hào đến tham nhũng, tiêu cực, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung của đất nước, của dân tộc, của Nhân dân.

Cán bộ có lối sống trong sáng, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, lối sống giản dị, khiêm tốn, gắn bói với Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân; đề cao trách nhiệm cá nhân trước Đảng, trước đất nước, trước dân tộc và trách nhiệm với chính bản thân mình.

Tất cả những chuẩn mực ở trên ở tầm rộng lớn, là vấn đề cốt lõi để chọn cán bộ đúng, như Bác Hồ đã từng nói: Xét đến cùng, cán bộ quyết định tất cả, mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc lại quan điểm: Xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên. Trong  xây dựng Đảng là then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt, bởi trong công tác cán bộ đều được quan tâm ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược, với các chuẩn mực cụ thể để lựa chọn vào Trung ương, từ đó lựa chọn cán bộ chủ chốt quyết định đến sự nghiệp của Đảng, của đất nước.

Lan Hương