QUỐC HỘI THÔNG QUA CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC KHÁNH HÒA - BUÔN MA THUỘT GIAI ĐOẠN 1
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu tới năm 2030, cả nước phải có ít nhất 5.000 km cao tốc; đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; giai đoạn 1 của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; chuẩn bị triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt vùng; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển.
Cụ thể hóa chủ trương này, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án giao thông quan trọng quốc gia. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về tiến độ triển khai các dự án quan trọng này; đồng thời đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, lần đầu tiên tại một Kỳ họp Quốc hội đã quyết chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm, tạo đột phá về hạ tầng giao thông giữa các vùng miền trong cả nước.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Đại học Giao thông vận tải đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, ngành giao thông vận tải và các địa phương trong thời gian qua đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cũng khuyến nghị nhiều giải pháp trước mắt, cũng như lâu dài nhằm giải quyết những tồn tại bất cập trong lĩnh vực giao thông trong thời gian qua, để giao thông nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng thực sự trở thành một trong ba đột phá chiến lược phát triển đất nước.
Phóng viên: Trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, phiên chất vấn tư lệnh ngành giao thông tại mỗi kỳ họp Quốc hội, vấn đề ùn tắc giao thông (nhất là tại các thành phố lớn), hay số vụ tai nạn giao thông vẫn ở mức cao lại được đại biểu Quốc hội đề cập, phản ánh. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này, những giải pháp nào có thể triển khai để giải quyết căn cơ vấn đề trên?
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Đại học Giao thông vận tải: Hiện nay, tại Việt Nam, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh..., sự gia tăng của phương tiện cá nhân trong các thành phố lớn đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông vô cùng nghiêm trọng tại các đô thị ở Việt Nam đã và đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội như: tăng thời gian đi lại, tăng tiêu hao nhiên liệu và hao mòn phương tiện, tăng chi phí đi lại, tăng lượng khí thải và tiếng ồn, giảm chất lượng môi trường sống đô thị, kìm hãm sự phát triển của kinh tế đô thị..., đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ để giảm thiểu tình trạng này
Nguyên nhân của thực trạng tai nạn giao thông và ùn tắc trên có một phần từ việc phát triển số lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng. Việc tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, có những đoạn thí điểm nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn của người dân. Ý thức của người tham gia giao thông dù đã được cải thiện nhiều, tuy nhiên vẫn còn nhiều người khi tham giao thông còn uống rượu, bia, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều; trẻ em chưa đủ tuổi lái xe tham gia điều khiển phương tiện giao thông…
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Đại học Giao thông vận tải
Bên cạnh đó, còn tồn tại một số công trình giao thông thi công kéo dài, thực hiện không đầy đủ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông gây mất an toàn, gây ùn tắc giao thông. Còn tình trạng chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải không tuân thủ quy định pháp luật, để xảy ra một số vụ tai nạn rất nghiêm trọng; tình trạng phương tiện chở quá trọng tải do yêu cầu của chủ doanh nghiệp; tình trạng xe vận tải hành khách “trá hình” theo hình thức xe hợp đồng vẫn còn diễn ra.
Trước thực trạng thên tôi cho rằng cần có hệ thống giải pháp đồng bộ để hạn chế và giảm thiểu tại nạn và ùn tắc giao thông. Đó là tăng cường hơn sự lãnh đạo của cơ quan chức năng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông. Cần xác định đây vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhưng đòi hỏi phải thực hiện kiên quyết và triệt để trong chỉ đạo những giải pháp đồng bộ đã đặt ra, đặc biệt trong các thời điểm quan trọng, địa bàn tuyến giao thông trọng điểm.
Trong đó, cần nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu đơn vị, địa phương về nâng cao hiệu quả, trách nhiệm trong công tác quản lý an toàn giao thông, lãnh đạo, quản lý việc quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông hiệu quả, cần xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định về an toàn giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý phương tiện giao thông.
Đẩy mạnh công tác quản lý, thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Việt Nam đang đề cao việc xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đối với lĩnh vực giao thông càng cần thực hiện quyết liệt bởi ở đây đang diễn ra “thảm họa” về tai nạn giao thông. Có thể thấy, khi nào và ở đâu, việc quản lý, thực thi pháp luật về giao thông được tiến hành thường xuyên, đúng quy định thì tình hình trật tự, an toàn giao thông được bảo đảm, tai nạn giao thông được giảm thiểu và ngược lại.
Thực hiện nghiêm việc lồng ghép mục tiêu, các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải. Quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng; bảo đảm quy định về tỉ lệ % diện tích đất dành cho đường bộ đặc biệt trong các đô thị mới nhằm không gây gia tăng ùn tắc, tai nạn giao thông.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức rõ để có hành vi đúng đắn trong tham gia giao thông, ngăn ngừa hiểm họa tai nạn giao thông. Công tác tuyên truyền phải bảo đảm đồng bộ, khoa học, tiến hành toàn diện nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng các chủ thể tham gia giao thông. Đối với người tham gia giao thông đó là quá trình từ đào tạo điều kiện tham gia giao thông đúng thực chất, bảo đảm chất lượng; đồng thời luôn cập nhật các thông tin mới trong tham gia giao thông.
Phóng viên: Quy hoạch giao thông, trong đó có quy hoạch cao tốc cũng là vấn đề hết sức được coi trọng, thể hiện là gần đây Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư nhiều tuyến giao thông trọng điểm quốc gia. Theo quan điểm của ông, việc quy hoạch mạng lưới cao tốc hiện nay đã đảm bảo mục tiêu “phát triển hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam”; cần có lưu ý gì trong công tác quy hoạch và phát triển hệ thống cao tốc hiện nay ở Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Đại học Giao thông vận tải: Tôi cho rằng, triển khai các dự án này chắc chắn mang lại hiệu quả rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt với đồng bằng sông Cửu Long - nơi hạ tầng giao thông đường bộ chưa phát triển.
Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế cả nước. Theo ước tính từ các chuyên gia, chỉ cần tăng 10% chất lượng hạ tầng tại khu vực phía Nam, sức hút đầu tư sẽ tăng lên tới gần 25%. Do đó, nếu tuyến đường cao tốc trên hoàn thành sẽ có sự thay đổi diện mạo lớn về đô thị và kinh tế. Với nhiều lợi thế về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch… gắn với hành lang kinh tế, cùng với các tuyến cao tốc đang và sắp triển khai, sẽ kích hoạt các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển công nghiệp, logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương. Từ đó, diện mạo toàn vùng sẽ thay đổi cho kỳ tăng trưởng mới.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là một trong những dự án giao thông trọng điểm dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2027
Tuy nhiên để phát huy hiệu quả cũng như đảm bảo chất lượng, tiến độ, chi phí và hiệu quả khai thác tuyến đường cao tốc, cần lưu ý đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương, để địa phương chủ động vào cuộc, đặc biệt chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm.
Ủy ban nhân dân các tỉnh có tuyến đường bộ cao tốc đi qua phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức rà soát việc bố trí các nút giao kết nối các tuyến đường bộ cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương, khu vực, bảo đảm khoảng cách hợp lý, phù hợp quy định của tiêu chuẩn thiết kế, khai thác an toàn, hiệu quả nhằm gắn kết các khu vực đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch, khu đô thị mới, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế.
Địa phương cần nghiên cứu ưu tiên bố trí vốn và chủ động huy động các nguồn lực và nghiên cứu, cập nhật, hoàn thiện quy hoạch tỉnh; bổ sung kế hoạch sử dụng đất; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng bảo đảm sự gắn kết, liên thông, đồng bộ giữa tuyến đường bộ cao tốc và các tuyến đường của địa phương để phát triển các không gian kinh tế, tận dụng tối đa lợi thế do các tuyến đường bộ cao tốc mang lại.
Quản lý chặt chẽ, hiệu quả trong việc sử dụng, khai thác quỹ đất tại khu vực các nút giao và các không gian phát triển mới gắn với các tuyến cao tốc, trong đó tập trung ưu tiên các dự án đường địa phương phục vụ sản xuất kinh doanh, các dự án động lực, có tính lan tỏa cao, tạo nguồn thu lâu dài cho địa phương, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người dân địa phương. Hạn chế tối đa việc giao các vị trí thuận lợi để phát triển bất động sản nhà ở; khắc phục triệt để tình trạng phát triển manh mún, không đồng bộ; không để lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình triển khai.
Phóng viên: Theo ông, việc tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án tổng thể về giao thông nói riêng và các dự án đầu tư công khác nói chung sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, khắc phục tình trạng chậm, trễ tiến độ hoàn thành các dự án?
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Đại học Giao thông vận tải: Công tác giải phóng mặt bằng lâu nay là trở ngại làm chậm tiến độ nhiều dự án hạ tầng giao thông. Qua nghiên cứu thực tế các dự án hạ tầng giao thông, chúng tôi nhận thấy, để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, nguyên tắc chung là nên giao quyền cho địa phương, trong đó cần lưu ý các vấn đề.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển chung của tỉnh, địa phương cần xây dựng khu tái định cư chung cho các lĩnh vực chứ không riêng gì giao thông để bảo đảm tính đồng bộ, tránh tình trạng mỗi khi triển khai dự án nào thì địa phương mới làm khu tái định cư riêng rẽ như hiện nay.
Căn cứ vào công trình của Nhà nước có liên quan đến giải phóng mặt bằng của địa phương, Nhà nước cần trả trước cho địa phương một khoản tiền để giải phóng mặt bằng, đồng thời yêu cầu thời điểm cụ thể dịa phương cần giao mặt bằng sạch. Điều này giúp địa phương có trách nhiệm, chủ động đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ yêu cầu và đảm bảo theo quy hoạch tổng thể chung của địa phương.
Công tác giải phóng mặt bằng có bảo đảm tiến độ hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, trong đó có công tác tái định cư, đền bù, hỗ trợ người dân trong đối tượng bị giải tỏa cần tiến hành công khai, minh bạch… Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương phải vào cuộc khẩn trương, quyết liệt; đồng thời có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các tổ chức và nhân dân và cần làm rõ trách nhiệm và có chế tài đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!