TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 25/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT CĂN CƯỚC
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Tại Kỳ họp thứ 5, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 151 lượt ý kiến tham gia và ngay sau kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 25, ngày 18/8/2023, sau đó tiếp tục hoàn thiện trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu chuyên trách lần thứ 4 và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan theo quy định. Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 7 chương và 46 điều.
Tại phiên họp toàn thể hội trường, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này và cho biết, dự thảo Luật quy định chỉ cập nhật các trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên, cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Có 07 trường thông tin bắt buộc người dân phải cung cấp nếu các trường thông tin này chưa có hoặc chưa đầy đủ. Các trường thông tin còn lại là những thông tin nhằm bảo đảm quyền lợi của công dân khi sử dụng các tiện ích, giá trị do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đem lại; các thông tin này sẽ được cập nhật qua cung cấp tự nguyện của người dân và được chia sẻ qua các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ các giao dịch hành chính, dân sự.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá
Quan tâm đến các quy định về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, đại biểu Võ Mạnh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá đề nghị bổ sung các thông tin như: Sổ bảo hiểm xã hội, sổ thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản, các giấy tờ hộ tịch được cấp… với mục đích là để cập nhật đầy đủ các thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm thực hiện có hiệu quả việc quản lý dân cư. Đồng thời, đề nghị không nên giao Chính phủ quy định các thông tin khác được chia sẻ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành mà quy định ngay trong Luật để đảm bảo quyền của công dân.
Đại biểu cũng bày tỏ thống nhất với ý kiến giữ nội dung Chính phủ trình, việc giao Chính phủ quy định chi tiết những thông tin khác được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm vừa đảm bảo tính ổn định của dự thảo luật nhưng vẫn có tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhu cầu thu thập, cập nhật thông tin trong từng thời kỳ, đồng thời phù hợp với quy định tại điểm d khoản 3 Điều 40 Luật Giao dịch điện tử.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng phân tích, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước công dân. Thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp và có thông tin được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước công dân để giúp giảm các giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch dân sự như thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng
Tuy nhiên, hiện nay nhiều công dân vẫn sử dụng song song hai hình thức là thẻ định danh điện tử và giấy tờ cá nhân. Việc này có thể dẫn đến tình trạng thông tin trên thẻ căn cước không phản ánh đúng tình trạng, thực trạng pháp lý của các giấy tờ gốc. Để khắc phục việc này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất cần có những giải pháp để việc tích hợp, kết nối đầy đủ, kịp thời và khẳng định tính pháp lý các thông tin vào thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử để phục vụ người dân thuận tiện trong thực hiện các giao dịch hành chính. Đáp ứng việc chuyển đổi số, chuẩn hóa số liệu, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho Nhân dân.
Ngoài ra, để tránh việc lạm dụng, đánh cắp thông tin cũng như bảo vệ bí mật cá nhân của công dân, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu cần có những quy định cụ thể hơn về phạm vi khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được phép khai thác và bảo đảm nguyên tắc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành nội dung này.
Quan tâm đến nội dung này, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho biết hiện nay còn nhiều ý kiến còn lo ngại về những thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về sự cần thiết và tính bảo mật của các trường thông tin. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu dự thảo luật cho thấy Điều 9 dự thảo Luật có quy định 26 nhóm thông tin cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong 26 nhóm thông tin đó có chia ra nhóm thông tin của công dân bắt buộc phải thu thập gồm: họ, chữ dệm và tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh,…Đây là nhóm thông tin để tạo lập số định danh cá nhân và giúp phân biệt người này với người khác trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga
Ngoài ra nhóm thông tin còn lại là những thông tin cần thiết phải có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Đại biểu cho rằng đây là những nhóm thông tin cần thiết phải có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu không có những nhóm thông tin này tôi thấy chúng ta sẽ rất khó khăn trong việc xây dựng hướng đến đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử.
Phân tính, đánh giá tác động của các quy định về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, thông tin trong thẻ căn cước theo quy định tại Điều 18 của dự thảo Luật có rất nhiều thông tin động có thể thay đổi thường xuyên như thông tin về nơi thường trú, tạm trú, nơi ở, kết hôn, ly hôn, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, những thông tin này là có thể thay đổi một cách khách quan. Chưa kể các giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quy định trong thời gian tới, nếu như luật thông qua giao quyền này cho Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, theo đại biểu Trần Thị Kim Nhung, thông tin được lưu trữ mã hóa trong thẻ căn cước là thông tin không được cập nhật thường xuyên để bảo đảm là thông tin sống, như trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước hay là căn cước điện tử sự thảo luật đã quy định. Từ đó có thể dẫn đến trường hợp bị sai lệch thông tin trong giao dịch khi công dân sử dụng thẻ căn cước và thậm chí có thể gây thiệt hại cho người dân hoặc cho tổ chức liên quan. Đại biểu đặt vấn đề về cơ chế xử lý trách nhiệm và đền bù thiệt hại.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Mặt khác, dự thảo Luật bổ sung quy định công dân phải có trách nhiệm kịp thời đến cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh khi thông tin trong thẻ căn cước thay đổi sẽ tạo thêm thủ tục cho người dân và phát sinh chi phí để điều chỉnh thông tin hoặc người dân sẽ không sử dụng hoặc ngại sử dụng thẻ căn cước, lúc đó sẽ không đạt được mục tiêu chính sách là tạo thuận lợi cho người dân. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng để chọn lựa thông tin cố định để lưu trữ mã hóa tích hợp trong thẻ căn cước vật lý, nhất là hiện nay chúng ta đang có một hệ thống thông tin “sống” song song là các thông tin trong thẻ căn cước đã được cập nhật thường xuyên để bảo đảm sống trong các cơ sở dữ liệu như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về căn cước, căn cước điện tử v.v..
Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lưu ý, khi tham gia góp ý các dự thảo luật, trong đó có Luật Căn cước, cử tri và nhân dân ủng hộ việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi các quy định pháp luật phù hợp với quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Song cũng cần cân nhắc đến tính khả thi, hiệu quả, cải tiến để cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Qua đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, xem xét các thông tin quan trọng cần bổ sung vào quy định tích hợp định danh để tránh tạo nên những băn khoăn trong thời gian qua liên quan đến việc Bộ Công an dự kiến định danh số nhà và thực tiễn bất cập trong việc triển khai tổ chức thực hiện Thông tư 24 vừa qua với những quy định mới về đăng ký, quản lý biển số xe theo biển định danh.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, để thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), Đại hội Đảng khóa XIII xác định đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt, thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu lớn. Việc này nhằm phục vụ kịp thời và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu, giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, dự án luật Căn cước không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về căn cước, đáp ứng các yêu cầu mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và chuyển đổi số của nước ta theo mục tiêu của Đề án 06 của Chính phủ đang triển khai thực hiện./.