TIẾP THU, CHỈNH LÝ QUY ĐỊNH VỀ CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH TRƯỚC KHI TRÌNH QUỐC HỘI THÔNG QUA

25/10/2023

Cho ý kiến về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích trong luật là cần thiết. Bởi đây là một trong những chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực viễn thông, nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của mọi người dân ở mọi vùng miền trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ viễn thông.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 25/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

Theo đánh giá tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích từ khi thành lập năm 2005 đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Quỹ đã hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đối tượng công ích trên toàn quốc chi phí sử dụng dịch vụ viễn thông công ích và thiết bị đầu cuối.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2020 và năm 2023 đối với Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích cho thấy, các nhiệm vụ chi của Quỹ đúng đối tượng thụ hưởng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

Các nhiệm vụ chi của Quỹ đúng đối tượng thụ hưởng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

Bên cạnh những mặt tích cực này, hoạt động viễn thông công ích trong thời gian qua cũng còn bộc lộ một số tồn tại như: chưa bảo đảm tính liên tục trong hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; tồn dư Quỹ lớn; một số nhiệm vụ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích không thực hiện được.

Nguyên nhân cơ bản của các tồn tại, hạn chế nêu trên là chưa có đầy đủ cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nâng cấp và duy trì hạ tầng viễn thông để cung cấp dịch vụ và hỗ trợ đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích; chưa có quy định về trách nhiệm của địa phương tham gia vào hoạt động viễn thông công ích; chưa quy định phương thức hỗ trợ trong một số trường hợp đặc thù...

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Thảo luận về nội dung này tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông thống nhất cao với quy định về quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Bởi, việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích là một trong những chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực viễn thông, nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của mọi người dân ở mọi vùng miền trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ viễn thông hỗ trợ cho người dân ở khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông. Trong khi các doanh nghiệp viễn thông khó có thể đầu tư được vì chi phí đầu tư lớn và doanh nghiệp không đủ bù đắp chi phí đầu tư tại khu vực đã nêu trên.

Việc hỗ trợ các đối tượng có điều kiện kinh tế khó khăn để họ tiếp cận, sử dụng dịch vụ viễn thông, qua đó nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền, khu vực, giữa các đối tượng để đảm bảo an toàn thông tin, an ninh quốc gia, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết.

Quan tâm đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, sau khi góp ý tại Kỳ họp thứ 5, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, giải trình và chỉnh lý quy định này khá chi tiết về nội dung này. Theo đó, dự thảo luật đã sửa đổi những nội dung liên quan đến quỹ dịch vụ viễn thông công ích và cung cấp dịch vụ viễn thông công ích một cách hợp lý, khoa học hơn.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích quy định tại Điều 32 của dự thảo luật vẫn còn chung chung. Trong đó, giao Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quy định về tổ chức hoạt động nguồn kinh phí và sử dụng nguồn kinh phí cho hoạt động bộ máy của Quỹ. Nghiên cứu nội dung này trong dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Viễn thông trong hồ sơ dự án luật, đại biểu nhận thấy toàn bộ Chương III của dự thảo nghị định quy định về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa đảm bảo sự rành mạch rõ ràng của một văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Cụ thể, trong các điều 19, 20, 21, 22 của dự thảo luật quy định về các điều kiện để giao nhiệm vụ hỗ trợ cung cấp sử dụng dịch vụ viễn thông công ích thiết bị đầu cuối; Điều kiện đặt hàng hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích; Điều kiện đấu thầu cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông công ích; Thiết bị đầu cuối và điều kiện hỗ trợ trực tiếp đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối. Dự thảo nghị định liệt kê các điều kiện cụ thể và điều kiện cuối cùng là các điều kiện khác. Đại biểu đặt câu hỏi “các điều kiện khác” là điều kiện gì?; đề nghị rà soát, chỉnh sửa lại dự thảo nghị định, vì đây cũng là một nội dung rất quan trọng trong hồ sơ dự án luật.

Về mức đóng góp và đối tượng được miễn giảm đóng góp vào Quỹ dịch vụ viễn thông công ích quy định tại Điều 2 dự thảo nghị định; khoản 2 Điều 24 của dự thảo nghị địnhó quy định miễn giảm đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông vào quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

Đối tượng được miễn giảm là doanh nghiệp mới tham gia thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông. Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, nếu tiếp tục duy trì Quỹ viễn thông công ích, không nên xem xét đến việc miễn giảm cho các doanh nghiệp viễn thông vào Quỹ này dù là doanh nghiệp mới tham gia thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông. Bởi, Quỹ được hình thành trên cơ sở đóng góp của doanh nghiệp viễn thông, tối đa 1,5% doanh thu từ dịch vụ viễn thông, đã đóng góp trên doanh thu, nghĩa là doanh thu lớn thì mức tiền đóng góp lớn và ngược lại. Với doanh nghiệp mới tham gia thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông, nếu chưa có doanh thu hoặc doanh thu thấp thì không phải nộp. Vì vậy, không cần thiết phải quy định về đối tượng miễn, giảm để đảm bảo công bằng và minh bạch giữa các doanh nghiệp viễn thông.

“Quỹ dịch vụ viễn thông công ích tuy là quỹ ngoài ngân sách nhà nước, được hình thành trên cơ sở trích đóng từ doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông, suy cho cùng về bản chất vẫn là tiền thuế của người dân, tiền đóng góp của người tiêu dùng. Bởi vậy, rất cần có sự thận trọng, minh bạch trong quá trình quản lý, sử dụng quỹ, tránh tồn dư, thất thoát và lãng phí, không hiệu quả.Tôi đề nghị nội dung về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích cần được xem xét một cách kỹ lưỡng hơn nữa để các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm bấm nút thông qua dự thảo luật này”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy 

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đã giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, cho ý kiến dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, có ý kiến đề nghị cân nhắc có cần thiết duy trì Quỹ này hay không. Trong quá trình khảo sát thực tế, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa như Sơn La, Lai Châu hoặc vùng cao của tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa cho thấy, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích hết sức quan trọng và cần thiết. Bởi vì một số doanh nghiệp viễn thông nếu triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ ở khu vực này vì mục tiêu thương mại sẽ rất khó thực hiện nếu như không có sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là có những vùng lõm sóng.

Sau khi tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện quy định về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, tại Kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu đồng tình với quy định về Quỹ. Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của Quỹ thời gian qua cũng còn những hạn chế. Vì vậy, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý các chế định về quỹ này, đặc biệt là mục đích, phương thức hoạt động, các cơ chế tài chính. Về những vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu trong dự thảo nghị định trong hồ sơ dự án luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiến hành rà soát lại để hướng dẫn việc thực thi nội dung liên quan đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích hiệu quả, đảm bảo tính khả thi, trình Quốc hội xem xét.

Lan Hương